Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỡ vướng cho căn hộ du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỡ vướng cho căn hộ du lịch

Minh Đức

Gỡ vướng cho căn hộ du lịch
Hội thảo "Condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp” diễn ra tại Quy Nhơn tuần trước. Ảnh: T.Huyền

(TBKTSG Online) – Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, loại hình căn hộ du lịch (condotel) bùng nổ trong thời gian qua đã đáp ứng dược nhu cầu tăng trưởng nóng về du lịch, song việc triển khai thực hiện các dự án chưa được thuận lợi, do đây là loại hình mới chưa được pháp luật ghi nhận cụ thể. Đại diện Bộ Tư Pháp cho rằng để bảo vệ khách hàng và phát triển du lịch, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài cho mô hình này.

Thị trường condotel: lo cung vượt xa cầu

Lấn cấn tính pháp lý của loại hình condotel

Lưng chừng quy chế pháp lý condotel

Băn khoăn chuyện cấp sổ đỏ cho condotel, officetel

Điểm nghẽn pháp luật

Anh Hoàng, giảng viên đại học tại TPHCM hiện là chủ đầu tư một số dự án condotel tại miền Trung. Là người có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, anh cho biết, đầu tư condotel hiện khá hấp dẫn, với mức lãi suất trung bình là 10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, chưa kể chủ đầu tư được hưởng nhiều tiện ích khác.

“Nếu là người có tiền nhàn rỗi, không dùng đến, thì đây là cách đầu tư hay”, anh Hoàng nói. Nhưng anh cho biết, trước khi mua condotel, phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, bởi hiện vẫn còn khá nhiều băn khoăn về vấn đề pháp lý của loại hình căn hộ condotel hiện nay.

Anh Hoàng ví dụ, khi mua bất động sản, ai cũng muốn sở hữu lâu dài, có thể làm tài sản cho con cháu, nhưng có những dự án condotel được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ, vì vậy thời hạn sử dụng đất chỉ là 50-70 năm, sau đó thế nào chưa biết. 

Hoặc có những dự án được xây dựng trên đất thương mại thì chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này.

Tại hội thảo “Condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp” do VTV24, BizLIVE phối hợp cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tuần trước, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, đúng là việc giao đất để phát triển các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có một điểm nghẽn về pháp luật.

Ông nêu rõ, theo quy định của Luật Đất đai 2013, đất để phát triển condotel là đất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, có thời hạn sử dụng thông thường là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm. Mặc dù có địa phương đã giao đất này theo chế độ sử dụng đất ở, tức là được sử dụng lâu dài; song nhiều địa phương vẫn giao theo đất kinh doanh dịch vụ, được sử dụng có thời hạn.

“Đáng lẽ, các bộ có liên quan cần đề xuất giải pháp pháp luật trình Chính phủ quyến định sớm để làm thông điểm nghẽn pháp lý này”, ông Võ nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng nêu ra một số nội dung còn vướng mắc đối với mô hình condotel. Chẳng hạn, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thương mại dịch vụ có thời hạn là 50 năm nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể liên quan đến condotel, là đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Hiện các doanh nghiệp đang khuyến nghị là nên cấp theo diện đất ở lâu dài.

Hay các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng condotel hiện vẫn chưa rõ ràng, với điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua và đặc biệt là quy định bán căn hộ cho người nước ngoài…

Ông Sinh cho rằng, những bất cập nêu trên khiến cho việc triển khai thực hiện các dự án condotel trong thời gian qua chưa thật thuận lợi, cho cả địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, cho nhà đầu tư dự án trong việc kinh doanh và bán sản phẩm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2017 có khoảng 23.000 condotel và biệt thự nghỉ dưỡng được bán ra thị trường. Số lượng giao dịch thành công chiếm 65-70% khối lượng chào bán, chứng tỏ nhu cầu đầu tư mô hình này là rất lớn.

“Sự điều chỉnh pháp luật sẽ có tác động rất lớn tới tiến trình phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.

Giải pháp gỡ rối

“Nếu chờ luật thì… lâu quá, có khi có luật rồi thì cơ hội lại không còn”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC trăn trở. Ông Quyết cho rằng, về dài hạn để thị trường condotel phát triển lành mạnh cần làm luật và sửa luật, nhưng trong thời gian đó cần phải có cả giải pháp trước mắt và lâu dài.

“Giải pháp ngắn hạn đó là đề nghị 4 Bộ (Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Tư pháp, Văn hóa Thể thao và Du lịch) đưa ra hướng dẫn cho các tỉnh, trong đó nói rõ condotel là căn hộ giao đất ở (không hình thành đơn vị ở). Nếu muốn bỏ chữ “ở” thì nhà đầu tư phải xây trường học, bệnh viện. Như vậy, vừa chắc cho tỉnh vừa chắc cho chủ đầu tư và cho nhà đầu tư được cấp sổ đỏ lâu dài và trước mắt không sai luật. Điều này sẽ áp dụng được luôn”, ông Quyết nói.

Ông cho rằng, trong lúc luật đang vướng, nếu Chính phủ có thông tư hướng dẫn liên bộ về condotel thì nhà đầu tư sẽ được bảo vệ ngay còn chủ đầu tư vay được tiền để phát triển dự án và địa phương cũng có thể giao đất.

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Phan Chí Hiếu, cũng nhất trí về việc phải có giải pháp trước mắt và lâu dài.

“Về giải pháp trước mắt, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng khung pháp lý về các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho condotel để nhà đầu tư yên tâm”, ông Hiếu nói.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, về lâu dài, pháp luật đất đai hiện hành cần được sửa đổi theo hướng nhà đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng được quyền lựa chọn hình thức giao đất ở hoặc thuê đất kinh doanh dịch vụ để thực hiện các dự án phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Khi lựa chọn loại đất nào thì chính quyền địa phương phải giao hoặc cho thuê loại đất đó và người được giao đất, thuê đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo loại đất đó. Sau đó, mọi thông tin về giao đất, cho thuê đất phải được công khai để các nhà đầu tư thứ cấp quyết định việc tham gia đầu tư.

“Việc giao đất dài hạn cho các chủ đầu tư các dự án phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là một giải pháp tốt, các tác động tích cực trong động viên vốn đầu tư từ nguồn tiền tiết kiệm của dân vào phát triển hạ tầng du dịch. Với tầm nhìn xa, đây chính là cách thức để sớm nhất đưa kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam. Mặt khác, giải pháp này cũng là cách hợp lý để động viên tiền tiết kiệm của dân vào đầu tư phát triển, làm cho dân giầu hơn, nước mạnh hơn”, ông Võ nói.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới