Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Gỡ vướng” cho tàu du lịch biển Đà Nẵng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Gỡ vướng” cho tàu du lịch biển Đà Nẵng

Trung Châu thực hiện

(TBKTSG) – Tuần trước, thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị quốc tế để bàn về việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển, một ngành du lịch đầy tiềm năng của thành phố biển miền Trung này. Bên lề hội nghị, TBKTSG đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

“Gỡ vướng” cho tàu du lịch biển Đà Nẵng
Khách quốc tế đến cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng

 

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trung Châu

TBKTSG: Theo ông, đâu là những lợi thế để Đà Nẵng phát triển du lịch tàu biển?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Nằm ở trung điểm của đất nước, cảng nước sâu Đà Nẵng được hình thành từ thế kỷ 19 đã dần trở nên quen thuộc với các hãng hàng hải quốc tế và được kết nối với các hải trình trong khu vực và trên thế giới. Cảng Tiên Sa có hơn 1.725 mét cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu đến 150.000 GRT như Genting Dream hay Star Cruises trên hành trình du lịch tàu biển quốc tế bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, kể từ khi Đà Nẵng tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017, thương hiệu du lịch Đà Nẵng đã có một vị trí cao hơn bên cạnh bờ biển đẹp dài 92 ki lô mét được các tạp chí nước ngoài công nhận.

TBKTSG: Với những lợi thế như trên, Đà Nẵng đã thu hút khách tàu biển đúng với tiềm năng của mình chưa, thưa ông?

– Trong giai đoạn năm năm 2012-2017, với sự gia tăng của các chuyến tàu khách cập cảng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng số lượng khách du lịch tàu biển đạt 10,8% và chuyến tàu đạt 5,4%. Năm 2012, Đà Nẵng đón 57 chuyến tàu với 52.570 lượt khách thì đến năm 2017 đón 74 chuyến tàu với 87.798 lượt khách. Dự kiến trong năm 2018 này sẽ có hơn 100 tàu đến Đà Nẵng với khoảng 150.000 khách. Các công ty đưa khách tàu biển đến Đà Nẵng cũng chịu khó xây dựng những chương trình điểm đến và tổ chức các hoạt động giải trí.

Đây là những con số tăng trưởng đáng kể của du lịch tàu biển Đà Nẵng trong những năm qua. Tuy nhiên, tôi thừa nhận hoạt động thu hút tàu biển du lịch cũng đang gặp nhiều thách thức cùng với một số vấn đề bất cập.

TBKTSG: Ông có thể chia sẻ những thách thức này? Và đâu là khó khăn lớn nhất?

– Hạn chế lớn nhất phải nói đến là Đà Nẵng hiện vẫn chưa có nhà ga cảng biển chuyên dụng để đón khách du lịch tàu biển. Hiện nay các tàu du lịch phải cập và neo đậu chung với tàu chở hàng hóa. Việc sử dụng chung cầu cảng phục vụ đồng thời hành khách và hàng hóa đã tạo ra nhiều vấn đề bất cập như khách tàu biển không an tâm khi đi phía dưới những container hàng hóa, đồng thời khó khăn trong việc làm thủ tục nhập cảnh, tìm hiểu du lịch ngay tại cảng vì những khách này không có nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự bổ sung nhiều loại hình sản phẩm khác nhau để phục vụ khách du lịch tàu biển nhưng Đà Nẵng cho đế nay vẫn còn thiếu những cụm mua sắm – ẩm thực – vui chơi – giải trí quy mô lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, thiếu siêu thị miễn thuế…

Đó là những lý do khiến thời gian khách du lịch tàu biển lưu lại thành phố chưa dài, bình quân chỉ khoảng 1-2 ngày/lần cập cảng, thậm chí có những tàu chỉ dừng lại vài giờ.

TBKTSG: Vấn đề nhà ga cảng biển chuyên dụng cho tàu du lịch có vẻ như là khó khăn lớn nhất. Ông có thể chia sẻ giải pháp?

– Tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp lữ hành cũng như đại diện các hãng tàu quốc tế cũng nhìn nhận rằng Đà Nẵng cần một nhà ga riêng, thậm chí là một cảng chuyên dụng riêng cho tàu biển du lịch nếu muốn trở thành một điểm đến thường xuyên trên hành trình quốc tế của các tàu này. Việc có một nhà ga chuyên dụng để đón khách cũng tạo điều kiện thuận lợi cho khách mua sắm và tìm hiểu các thông tin du lịch ngay tại chỗ.

Được biết, Đà Nẵng sẽ sớm đầu tư cảng nước sâu Liên Chiểu. Khi đó, một phần hàng hóa từ cảng Tiên Sa sẽ chuyển lên cảng Liên Chiểu. Lúc đó, hoàn toàn có thể mở sớm nhà ga riêng cho tàu biển du lịch tại cảng Tiên Sa. Khi đã có nhà ga chuyên biệt thì việc kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ ngay tại cảng như bán hàng lưu niệm, ẩm thực, nghệ thuật sẽ dễ dàng hơn.

90% khách tàu biển cập cảng Chân Mây ghé Đà Nẵng, Hội An

Tại hội nghị, bà Hà Bích Liên, cố vấn của tàu biển quốc tế Royal Caribean Cruise Line, thông tin hiện nay các tàu biển của hãng này chọn cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) để cập cảng. Tuy nhiên, khoảng 90% lượng khách lại chọn ghé Đà Nẵng để vui chơi, mua sắm và tham quan.

TBKTSG: Ông có nói đến vấn đề thiếu sản phẩm du lịch tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu khách tàu biển. Ngành du lịch thành phố sẽ đầu tư thêm như thế nào?

– Thực sự có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khách, đặc biệt là khách tàu biển. Những sản phẩm làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa địa phương như khu sinh thái Hòa Châu hay làng rau La Hường đang được nghiên cứu đầu tư cho đối tượng khách châu Âu, Bắc Mỹ. Trong khi đó, các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn sẽ được kêu gọi đầu tư nhắm hướng đến thị trường khách Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc). Những loại hình giải trí biển hay các chương trình văn hóa phi vật thể sẽ được nâng cấp để thu hút khách ở dài ngày hơn tại Đà Nẵng.

TBKTSG: Về lâu dài, ngành du lịch Đà Nẵng cần thêm những điều kiện gì để phát triển du lịch tàu biển?

– Tôi nghĩ thành phố cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để trực tiếp tìm kiếm, kết nối với các hãng tàu nhằm khai thác nguồn khách trên toàn thế giới, cũng như tổ chức khách đoàn tại cảng. Những chính sách hỗ trợ để các hãng tàu có sự thuận lợi trong việc làm thủ tục cập cảng và đảm bảo môi trường vệ sinh, an toàn là cần thiết.

Thêm vào đó, Đà Nẵng cần có sự phối hợp các bên tạo ra những chính sách đột phá nhằm thu hút thêm khách tàu biển như cấp giấy phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí về đêm ngay trên tàu và giảm cảng phí cho các tàu có tuyến cố định đến Đà Nẵng.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng hội nghị quốc tế về tàu biển lần đầu tiên được tổ chức này là cơ hội gặp gỡ giao lưu, liên kết không chỉ giữa các hãng tàu, các công ty lữ hành quốc tế với các đơn vị kinh doanh thương mại, đầu tư và du lịch trên địa bàn thành phố mà còn chính quyền thành phố, tạo tiền đề xúc tiến du lịch tàu biển đến Đà Nẵng phát triển trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới