Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gói kích cầu thứ hai sẽ hướng vào trung và dài hạn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gói kích cầu thứ hai sẽ hướng vào trung và dài hạn?

Ngọc Lan

Các hộ sản xuất, chủ trang trại, hợp tác xã… sẽ là những đối tượng được ưu tiên vay vốn trong gói kích thích kinh tế thứ hai mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng. Trong ảnh là công nhân một hợp tác xã thủ công mỹ nghệ ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Chính phủ những ưu tiên trong việc thực hiện gói kích cầu thứ hai, sau những tổng kết đầu tiên về kết quả thực hiện của gói thứ nhất.

Những điều đã nhìn rõ

Khoản hỗ trợ được nhắc đến nhiều nhất, dễ thấy nhất trong gói kích thích kinh tế thứ nhất là hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng 4%. “Nhưng thực tế số doanh nghiệp được hỗ trợ theo cách này không nhiều, chỉ có khoảng 20% tổng số doanh nghiệp được vay vốn.

Điều này đã gây ra sự thiếu bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp và giảm đi ý nghĩa của chủ trương kích cầu”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra “Đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010”, đã nhận định về mặt chưa được của gói kích cầu.

Hơn nữa, việc hỗ trợ lãi suất chỉ là một trong bốn nhóm chính sách mà Chính phủ thực hiện. Xét về quy mô, gói hỗ trợ lãi suất trị giá 17.000 tỉ đồng chỉ đứng hàng thứ ba so với 90.800 tỉ đồng dự tính sử dụng qua dòng vốn đầu tư phát triển nhà nước hay 28.000 tỉ đồng dự kiến thực hiện qua chính sách miễn giảm thuế, bên cạnh các khoản chi khác cho an sinh xã hội khoảng 9.800 tỉ đồng.

Không hẹn mà gặp, trong cả hai báo cáo của Bộ KH&ĐT và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều nhận định như sau: sau khi hơn 405.000 tỉ đồng (tính đến ngày 24-9) được bơm qua “kênh” hỗ trợ này cho 20% số doanh nghiệp thì việc mất cân đối cung – cầu trên thị trường tiền tệ đã diễn ra, lãi suất vay vốn bằng đồng Việt Nam (đã giảm 4%) và lãi suất vay ngoại tệ gần tương đương nhau, làm tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng, gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá và ảnh hưởng đến cán cân thanh toán khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá, làm giảm dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.

Đó là chưa kể hiện tượng có một bộ phận doanh nghiệp trong số 20% được vay vốn đã “ứng xử” rất “linh hoạt” với nguồn vốn này như vay vốn rồi chuyển sang dạng tiền gửi để hưởng chênh lệch lãi suất, lập phương án kinh doanh, dự án đầu tư với thời hạn trả nợ kéo dài hơn so với chu kỳ sản xuất để được hưởng nhiều thời hạn hỗ trợ, đảo nợ, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán…

Bộ Công Thương cũng báo cáo Chính phủ rằng, gói hỗ trợ lãi suất cho ngành nông nghiệp, nông thôn mua máy móc trong nước đến nay thực hiện được rất ít, chỉ chiếm khoảng 0,21% trong tổng gói hỗ trợ lãi suất nói chung do điều kiện cho vay chặt chẽ, số tiền cho vay (7 triệu đồng/héc ta để mua vật tư nông nghiệp) là quá thấp, ưu đãi hạn chế nhưng quy định về các điều kiện đi kèm lại quá nhiều. Trong khi đó, đến thời điểm này, nông dân và ngành nông nghiệp vẫn là đối tượng cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước nhiều nhất.

Suy giảm kinh tế cũng khiến nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước được đẩy mạnh trong gói kích cầu với quy mô dự kiến lớn nhất, lên đến 90.800 tỉ đồng. Nhưng thực tế, qua báo cáo của Bộ KH&ĐT và giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì thấy rằng, việc giải ngân các nguồn vốn này vẫn chậm (chín tháng giải ngân ước đạt 67%, trong đó vốn địa phương quản lý mới đạt 63,5%). Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, dù một số chính sách giải ngân được nới lỏng nhưng vẫn đạt thấp (53,4% dự toán qua chín tháng). Vốn trái phiếu giải ngân ước đạt 44,6% kế hoạch. Vốn trái phiếu bổ sung năm 2009 là 20.000 tỉ, ước thực hiện cả năm cũng chỉ đạt 50%.

Trong khi đó, vì bài toán kinh doanh, quay vòng đồng vốn nhanh và cùng mục đích sớm đưa các công trình vào sử dụng, mang lại hiệu quả, nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước vẫn luôn đạt tốc độ giải ngân cao hơn rất nhiều so với các khoản đầu tư được thực hiện từ ngân sách.

“Đề nghị dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn”, Ủy ban Kinh tế đề xuất. Còn Bộ KH&ĐT cũng đề nghị “không nên tiếp tục áp dụng các chính sách miễn giảm thuế như năm 2009 đã thực hiện (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân). Như vậy, ngoài việc cân đối, tính toán lại nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, phân nửa các biện pháp kích thích nhanh, mạnh trong gói kích cầu thứ nhất đã không được các cơ quan chức năng đề nghị tiếp tục khi chấp bút cho gói kích cầu thứ hai.

Hướng đến trung, dài hạn và giãn thuế

Quan điểm của Chính phủ, như lời của ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói trong cuộc họp báo cuối tháng 9 vừa qua là cần thêm một tháng nữa để xem xét việc có nên tiếp tục thực hiện gói kích thích thứ hai không và nếu thực hiện thì theo hướng nào. Theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế, một gói nữa được đưa ra là cần thiết nhưng phải vì mục tiêu trung và dài hạn, mục tiêu tái cấu trúc kinh tế vì thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế cơ bản đã qua. Trong khi đó, nhiều vấn đề mới phát sinh đang gây nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc đảm bảo ổn định cân đối vĩ mô, nhất là cán cân thanh toán, cung cầu tiền tệ, lãi suất và tỷ giá.

Được Chính phủ giao xây dựng gói kích thích kinh tế thứ hai, Bộ KH&ĐT đã đề xuất việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vốn vay trung và dài hạn theo Quyết định 443 và Quyết định 479, các khoản vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội nên tiếp tục thực hiện nhưng giảm mức hỗ trợ lãi suất so với hiện nay.

Bên cạnh đó, cần đơn giản các thủ tục cho vay, nhất là cho vay đối với các hộ nông dân. Bộ KH&ĐT đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị trình Chính phủ ban hành trong quí 4 năm nay nghị định về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các chính sách tạo điều kiện cho hộ sản xuất, chủ trang trại và hợp tác xã vay vốn.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trước mắt rà soát các thủ tục và rút ngắn quy trình xét duyệt cho vay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận vốn vay. Chính sách giãn thuế sẽ được tiếp tục qua việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thêm ba tháng đối với doanh nghiệp sản xuất, gia công, dệt may, da giày để giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng thuế do dồn kỳ nộp thuế từ năm 2009. Các biện pháp hoàn thuế, giãn thuế nhập khẩu như năm 2009 cũng đề nghị được tiếp nối.

Những đề xuất này mới được trình lên và còn chờ thời gian thẩm định, phê duyệt. Một thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng, với những hạn chế đã rút ra được từ gói thứ nhất, hướng đi cho gói kích cầu thứ hai như trên phần nhiều vẫn là “cấp cứu”, chưa phải là đơn thuốc chữa trị lâu dài cho một nền kinh tế đang cần tái cơ cấu, cần giảm đầu tư nhà nước trong điều kiện bội chi ngân sách đang gia tăng liên tục và dư nợ Chính phủ cũng tăng mạnh (dự kiến tiến dần đến 44% GDP vào năm 2010, so với con số ước tính 40% của năm 2009 và 36,5% của năm 2008).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới