Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gọi vốn gặp khó thời Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gọi vốn gặp khó thời Covid-19

Minh Huy

(TBKTSG Online) – Nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng trong những lĩnh vực hưởng lợi từ sự gia tăng của các hoạt động trực tuyến

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành và làm chao đảo nhiều thị trường, các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Á trong nửa đầu năm nay gọi vốn thành công ít hơn cùng kỳ năm ngoái. Thông tin tích cực hiếm hoi là sự sụt giảm này không nghiêm trọng bằng những khu vực khác trên thế giới. Theo nghiên cứu của công ty đầu tư mạo hiểm Cento Ventures (Singapore), tổng số thỏa thuận công nghệ liên quan đến đầu tư và gọi vốn trong nửa đầu năm 2020 là 315, thấp hơn nửa cuối hoặc nửa đầu năm trước.

Gọi vốn gặp khó thời Covid-19
Công ty chuyển phát bưu kiện Ninja Van (Singapore) gọi vốn được 279 triệu đô la hồi tháng 5. Ảnh: TechCrunch

Về mặt giá trị, các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đã gọi vốn được tổng cộng 5,6 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm tại Ấn Độ là 16% trong khi tại Liên minh châu Âu (EU) là 21%. Ở Bắc Mỹ, tỷ lệ này là 8%, dựa chủ yếu trên 3.500 thỏa thuận và thông tin được doanh nghiệp và nhà đầu tư công khai.

Ông Dmitry Levit, nhà đồng sáng lập Cento Ventures, nhận định Đông Nam Á vẫn đang trụ vững tốt đáng ngạc nhiên nếu so với nhiều nơi khác. Dịch Covid-19 đang khiến hoạt động đầu tư trên toàn thế giới gặp khó khăn nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng trong những lĩnh vực hưởng lợi từ sự gia tăng của các hoạt động trực tuyến.

Nền tảng thương mại điện tử GudangAda (Indonesia) gọi vốn được 25,4 triệu đô la trong nửa đầu năm 2020. Ảnh: GudangAda

Ở Đông Nam Á, các vòng gọi vốn có giá trị từ 10 đến 50 triệu đô la (gọi là Series B và C) đạt mức 1,2 tỉ đô la, một con số cao kỷ lục và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Levit, sự gia tăng của các thương vụ từ 10-50 triệu đô la và sự xuất hiện nhiều hơn của các doanh nghiệp được định giá 100 triệu đô la dường như là 2 bước phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á những năm gần đây.

Ngoài ra, một số công ty như Gojek, Grab, Ninja Van cũng có các vòng gọi vốn ấn tượng. Chẳng hạn như công ty gọi xe bằng ứng dụng Gojek (Indonesia) đã gọi vốn được 1,2 tỉ đô la vào tháng 3. Đến tháng 5, công ty chuyển phát bưu kiện Ninja Van (Singapore) thu hút được 279 triệu đô la từ các nhà đầu tư. Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất dành cho một công ty khởi nghiệp Đông Nam Á kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Ninja Van một trong những cái tên gia nhập câu lạc bộ những công ty khởi nghiệp gọi được khoản vốn đáng kể trong năm nay. Cũng có tên trong danh sách này là nền tảng thương mại điện tử GudangAda (Indonesia) với thương vụ trị giá 25,4 triệu đô la. Cũng theo báo cáo, số vòng đầu tư trị giá dưới 3 triệu đô la giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này lại tăng với mức 3-10 triệu đô la (56 thương vụ, so với 44 của nửa cuối năm 2019). Có 7 thỏa thuận giá trị hơn 100 triệu đô la, so với 3 của kỳ trước đó.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên đối mặt triển vọng không chắc chắn trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục từ cú sốc Covid-19. Báo cáo trên nhận định các biện pháp cách ly, phong tỏa được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian dịch bệnh đạt đỉnh trong quý 2 nên tác động đầy đủ nhất từ những biện pháp này đối với hoạt động đầu tư sẽ được biết rõ trong quý 3 và 4 năm nay.

Hãng Gojek hồi tháng 6 thông báo cắt giảm 430 nhân viên (tương đương 9% nhân sự) trong nỗ lực đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: “Tech in Asia” Indonesia

Trước mắt, những khó khăn tài chính liên quan đến dịch Covid-19 buộc không ít công ty khởi nghiệp mới xuất hiện tại Đông Nam Á giảm hoạt động tiếp thị và kế hoạch mở rộng để duy trì hoạt động. Chẳng hạn như công ty giao hoa BloomThis (Malaysia) nỗ lực cắt giảm chi phí sau khi nhu cầu đối với dịch vụ mình sụt giảm do các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong khi đó, một số công ty khởi nghiệp hàng đầu khu vực đang nỗ lực vượt khó bằng cách cắt giảm nhân sự và điều chỉnh phạm vi hoạt động. Chẳng hạn như hãng Gojek hồi tháng 6 thông báo cắt giảm 430 nhân viên (tương đương 9% nhân sự) trong nỗ lực đối phó với dịch Covid-19. Ngoài ra, công ty cho biết sẽ ưu tiên 3 mảng cốt lõi là gọi xe, thanh toán và giao đồ ăn. Dịch vụ GoLife (gồm dịch vụ mát-xa và dọn dẹp theo yêu cầu) bị đóng cửa từ ngày 27-7.

Đối thủ hàng đầu của Gojek tại khu vực là Grab cũng không tránh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Công ty có trụ sở ở Singapore này cũng buộc phải sa thải 360 nhân viên hồi tháng 6, đồng thời hủy bỏ những dự án không quan trọng trong lúc tập trung cho mảng giao hàng để đáp ứng nhu cầu gia tăng.

(Theo Bloomberg, Deal Street Asia, ASEAN Today, Tech In Asia)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới