Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gojek và Tokopedia sáp nhập thành công ty internet lớn nhất Indonesia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gojek và Tokopedia sáp nhập thành công ty internet lớn nhất Indonesia

Lê Linh

(KTSG Online) – Hai công ty khởi nghiệp công nghệ (startup) lớn nhất Indonesia, Gojek và Tokopedia tuyên bố sáp nhập. Thương vụ này tạo ra một công ty internet lớn nhất ở đất nước đông dân thứ 4 thế giới, với các mảng kinh doanh trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ gọi xe, thanh toán số cho đến thương mại điện tử, giao hàng.

Thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử Indonesia

Hôm 17-5, hãng gọi xe và thanh toán Gojek cùng Công ty thương mại điện tử Tokopedia thông báo họ đã đạt được thỏa thuận sáp nhập để tạo thành một công ty mới có tên gọi GoTo Group.

Gojek và Tokopedia sáp nhập thành công ty internet lớn nhất Indonesia
Gojek và Tokopedia thông báo đã đạt được thỏa thuận sáp nhập để tạo thành một công ty mới có tên gọi GoTo Group. Ảnh: Detik

Giá trị của giao dịch không được tiết lộ nhưng Gojek tuyên bố thỏa thuận này đánh dấu thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử đất nước. Các nguồn tin nắm rõ thương vụ cho biết, trong quá trình đàm phán, hai công ty này được định giá 18 tỉ đô la Mỹ và các cổ đông của GoJek sẽ nhận được 58% cổ phần của công ty mới, phần còn lại thuộc về các cổ đông của Tokopedia

Mục tiêu cuối cùng của thương vụ sáp nhập được cho là tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với công ty mới ở Indonesia lẫn ở Mỹ, với mức định giá dự kiến từ 35-40 tỉ đô la Mỹ.

Các nhà đầu tư tên tuổi từng đầu tư vào Gojek hoặc Tokopedia trước đây như Quỹ Tầm nhìn của Softbank, Alibaba, Tencent, Sequoia Capital India, Google, Quỹ đầu tư nhà nước Singapore, Temasek… đều ủng hộ thương vụ sáp nhập này.

Andre Soelistyo, đồng Giám đốc điều hành Gojek sẽ đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành GoTo Group, còn Chủ tịch Tokopedia, Patrick Cao sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch GoTo Group.

Sử dụng mô hinh giống như Tập đoàn Alphabet , công ty mẹ của Google, GoTo Group sẽ duy trì sự hoạt động độc lập của Gojek và Tokopedia nhưng hai công ty sẽ hợp tác ở mảng thanh toán, logistics và giao đồ ăn.

Trong năm 2020, Gojek và Tokopedia thực hiện tổng cộng hơn 1,8 tỉ lượt giao dịch với tổng giá trị hơn 22 tỉ đô la. Hai công ty này có tổng cộng hơn 100 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, 2 triệu tài xế đối tác tính đến cuối năm ngoái. Riêng Tokopedia có 11 triệu đối tác bán hàng.

“Mô hình kinh doanh của chúng tôi hiện nay thậm chí còn đa dạng, ổn định và bền vững hơn. Chúng tôi có các giao dịch gọi xe với tần suất cao, khối lượng lớn của Gojek và các giao dịch thương mại điện tử tần suất trung bình, giá trị cao của Tokopedia. GoTo Group sẽ đóng góp hơn 2% GDP của Indonesia” Patrick Cao, Chủ tịch GoTo Group, cho biết trong một tuyên bố.

Andre Soelistyo, Giám đốc điều hành GoTo Group nói rằng các tài xế Gojek sẽ giao nhiều gói hàng hơn từ Tokopedia, đồng thời hai công ty này sẽ sử dụng quy mô kết hợp của mình để mở rộng dịch vụ cho vay đối với những người dân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng ở Indonesia và trong khu vực Đông Nam Á. Khoảng 50% trong số 270 triệu dân Indonesia không có tài khoản ngân hàng nhưng hầu hết họ đều đang sở hữu điện thoại di động.

Gia tăng cạnh tranh với Grab và Shopee

Gojek và Tokopedia cho biết sự kết hợp của họ sẽ tạo ra một hệ sinh thái bổ sung cho nhau và riêng biệt trên toàn cầu giữa lúc họ tìm cách gia tăng cạnh tranh với Grab và nền tảng thương mại điện tử Shopee thuộc sở hữu của Sea Group (Singapore).

Sự kết hợp giữa Gojek và Tokopedia sẽ tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh đa dạng gồm 3 mảng chính: dịch vụ theo yêu cầu, dịch vụ tài chính và thương mại điện tử. Ảnh: Tech Crunch

“Chưa có công ty internet nào trên thế giới sở hữu nhiều hạng mục kinh doanh đồng thời như vậy”, Shailendra Singh, Giám đốc Sequoia Capital India, công ty đã đầu tư vào GoJek lẫn Tokopedia, nhận định về GoTo Group.
Ban đầu, Gojek đàm phán sáp nhập với Grab nhưng thương vụ này sụp đổ vào cuối năm ngoái vì hai bên không nhất trí được tỷ lệ phân chia cổ phần ở công ty mới sau khi sáp nhập.

Thương vụ sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia, với các mảng kinh doanh không chồng lấn nhau, sẽ ít bị các cơ quan quản lý giám sát hơn so với thương vụ sáp nhập Gojek – Grab.

Thương vụ sáp nhập giữa hai startup công nghệ lớn nhất Indonesia diễn ra giữa lúc sự cạnh tranh trong không gian công nghệ ở Đông Nam Á ngày càng nóng, đặc biệt là khi Sea Group đang thâm nhập mạnh mẽ vào các lĩnh vực là lãnh địa quen thuộc bấy lâu nay của Gojek và Tokopedia, bao gồm giao đồ ăn và dịch vụ tài chính bằng các chương trình khuyến mãi lớn.

Tháng trước, Grab cũng công bố thương vụ sáp nhập  với Altimeter Growth, một công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC), với trị giá gần 40 tỉ đô la để niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq.

Thương vụ sáp nhập với Altimeter Growth để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ sẽ cho phép Grab tiếp cận thị trường đại chúng để huy động vốn phục vụ các hoạt động chi tiêu, nâng cao sức cạnh tranh. Thương vụ này có thể sẽ giúp Gojek và Tokopedia gia tăng cạnh tranh với Grab và Sea Group, công ty đang niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq (Mỹ) và có mức vốn hóa thị trường hơn 112 tỉ đô la.

Giới phân tích nhận định Sea Group, Grab and GoTo Group có thể tiếp tục “đốt tiền” để cạnh tranh ở các thị trường khắp Đông Nam Á khi cả ba công ty này tập trung cung cấp các dịch vụ tài chính cho những người dân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng trong khu vực.

Theo CNBC, Nikkei, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới