Thứ Năm, 1/06/2023, 10:23
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


“Gồng mình” giữ giá!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Gồng mình” giữ giá!

Hồ Hùng

(TBKTSG) – ĐBSCL đã vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nhưng thị trường tiêu thụ gạo chưa mấy khởi sắc khiến giá lúa, gạo có dấu hiệu tụt giảm.

Mấy ngày nay, nhiều nông dân ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) cắm cúi suốt ngoài đồng để thu hoạch lúa. Lúa chưa gặt hết, nhưng với kinh nghiệm mấy chục năm bám ruộng, ông Nguyễn Văn Bé chắc mẩm vụ này trúng mùa. Điều khiến ông hơi lo là dù giá lúa khô vẫn dao động từ 4.000-4.200 đồng/ki lô gam, nhưng “đầu ra” có gì đó hơi bất thường. “Thương lái vắng hẳn! Chẳng thấy họ đưa ghe đi mua lúa như mọi năm”, ông nói.

Vụ đông xuân năm nay, nhiều khu vực ở ĐBSCL đã thu hoạch với năng suất khá cao, từ 7-8 tấn/héc ta. Với mức giá 4.200 đồng/ki lô gam, nhiều nông dân khẳng định lợi nhuận có thể đạt trên 2 triệu đồng/công. Giá thì vậy, nhưng thực tế nông dân đang thấp thỏm vì đầu ra.

Ghìm nhau!

Theo chủ một doanh nghiệp xay xát lúa gạo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, việc thương lái chưa “tủa” ra đi mua lúa không có gì lạ! “Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa đặt hàng. Dĩ nhiên mấy doanh nghiệp “vệ tinh” như chúng tôi đâu dại gì mua vô nhiều. Mà chúng tôi chưa mua, thì thương lái cũng không “ôm” lúa”, ông này nói. Theo ông, bài học mới nhất là hàng loạt thương lái lỗ nặng khi mua trữ gạo vào trước Tết Nguyên đán, để rồi sau đó, với giá hiện tại họ lỗ trên dưới 1.000 đồng/ki lô gam. Do đó, giờ ai cũng dừng lại nghe ngóng diễn biến thị trường.

Hiện tại, dù nguồn cung vẫn khan hiếm do lúa hạt dài chưa thu hoạch, nhưng gạo nguyên liệu loại 5% tấm giá chỉ có 5.800 đồng/ki lô gam, thấp hơn trước Tết khoảng 1.000 đồng/ki lô gam. Còn lúa IR 50404 đang thu hoạch rộ, nhưng sau khi xay xát thành gạo nguyên liệu loại 5% tấm cũng chỉ có giá khoảng 5.500 đồng/ki lô gam.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thừa nhận: “Do các hợp đồng thương mại đang “án binh bất động”! Khách hàng thì kèn cựa giá, họ chỉ chấp nhận mua gạo 5% tấm với giá 400 đô la Mỹ/tấn. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng giữ giá gạo 5% tấm khoảng 440 đô la Mỹ/tấn, còn gạo 15% tấm cũng chỉ bán ở mức tối thiểu là 430 đô la Mỹ/tấn… Do đó, các hợp đồng xuất chưa thể ký kết và doanh nghiệp hiện chỉ xuất theo các hợp đồng tập trung được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ”.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất hơn 0,7 triệu tấn gạo (giảm 25,3% so cùng kỳ năm ngoái), và có hơn 71% trong đó là xuất theo các hợp đồng tập trung. Và dù các doanh nghiệp vẫn còn 1,85 triệu tấn gạo phải giao vào những tháng tới theo các hợp đồng đã ký, nhưng với lượng gạo tồn kho từ cuối năm 2009 chuyển sang là 1,45 triệu tấn, không có gì lạ khi thời gian gần đây các doanh nghiệp rất hạn chế mua lúa, gạo. Nhiều khả năng, trong năm nay Việt Nam chỉ xuất khoảng 5-5,5 triệu tấn gạo.

Hai tuần qua, giá gạo thế giới cũng giảm mạnh do nguồn cung tăng, nhưng nhu cầu lại thấp. Tại Thái Lan, gạo 100% B giá ở mức 530 đô la Mỹ/tấn, giảm 5% so với mức 560 đô la Mỹ/tấn vào tuần trước, và càng giảm mạnh so với mức 575 đô la Mỹ/tấn hai tuần trước. Giá các loại gạo khác của Thái Lan cũng giảm mạnh bởi nhu cầu rất thấp. Mới đây, Chính phủ Thái Lan tiến hành bán đấu giá 0,5 triệu tấn gạo, song chỉ có 11 nhà xuất khẩu tham gia bỏ thầu với giá khoảng 423 đô la Mỹ/tấn đối với gạo trắng 5% tấm, trong khi giá trên thị trường hiện là 505 đô la Mỹ/tấn!

Giá gạo liên tục giảm từ đầu năm nay bởi những khách hàng lớn là châu Phi và Philippines không còn tham gia tích cực vào thị trường như cuối năm 2009. Mặt khác, tin về việc Ấn Độ sẽ nhập khẩu khoảng 2-3 triệu tấn, thậm chí 5 triệu tấn gạo trong năm nay cũng đang “nguội dần”.

Đừng nóng vội

Mới đây VFA đã thông báo sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp mua vào 0,6 triệu tấn gạo trong tháng 3 và đến tháng 4, sẽ mua thêm 0,4 triệu tấn. Thông tin tốt về đầu ra cho nông dân có thể là lý do khiến giá lúa khó hạ xuống dưới 4.000 đồng/ki lô gam, như VFA kỳ vọng?

Theo VFA, thị trường vẫn còn nhiều hứa hẹn khi sắp tới Philippines sẽ đấu thầu mua thêm 0,8 triệu tấn gạo, đồng thời Iraq cũng sẽ mua khoảng 2,5 triệu tấn… Dự báo, nhu cầu gạo thế giới sẽ tăng vào sáu tháng cuối năm, nhất là khi nhiều nước sẽ đối mặt với tình trạng mất mùa do hạn hán thiên tai… hoành hành. Chỉ có điều, giá gạo vẫn sẽ rất khó đoán bởi Thái Lan vẫn đang nỗ lực để bán một phần gạo dự trữ trong kho của chính phủ với khoảng 6 triệu tấn.

Vấn đề “sống còn” trong năm nay có thể tùy thuộc vào sự tỉnh táo của các doanh nghiệp, tức không nóng vội nhằm giữ giá nhưng cũng phải biết chọn thời điểm thích hợp để tung gạo ra bán. “Cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp là vốn! Đây cũng là lý do khiến tốc độ mua lúa cho nông dân trong thời gian qua chậm”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết. Theo ông này, nhiều doanh nghiệp tư nhân đi vay hiện đã phải chịu lãi suất đến 1,5%/tháng, rồi giá xăng, giá điện, giá nước… tăng cũng sẽ khiến chi phí tăng vọt. “Đó sẽ là áp lực rất lớn cho doanh nghiệp và cần sự hỗ trợ của Nhà nước họ có thể “gồng mình” giữ giá”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới