Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Google chạy đua ráo riết về công nghệ để tự sản xuất CPU riêng

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Google chuẩn bị tung ra bộ vi xử lý trung tâm (CPU) của riêng mình, chạy hệ điều hành Chrome cho laptop và máy tính bảng, dự kiến trong năm 2023.

Đây là nỗ lực mới sau khi CEO Sundar Pichai tuyên bố hồi tháng 8 rằng lần đầu tiên Google sẽ sử dụng con chip Tensor tự sản xuất cho smartphone dòng Pixel 6 và Pixel 6 Pro cùng các thiết bị khác. Nhưng kế hoạch sản xuất Pixel 6 cũng như Pixel 5 tại Việt Nam buộc phải thay đổi do chủng Delta bùng phát.

Các trang công nghệ đang bình luận sôi nổi về Pixel 6 với chip Tensor SoC và camera lớn hơn. Ảnh NextPit

Chiến lược tự chủ

Google đang đi theo chiến lược tương tự mà các đối thủ của hãng đang áp dụng. Amazon, Facebook, Microsoft, Tesla, Baidu và Alibaba đang ráo riết chạy đua trong việc thiết kế linh kiện bán dẫn riêng nhằm tăng sức mạnh cho dịch vụ điện toán đám mây và sản phẩm điện tử gia dụng của họ.

Apple đã thành công trong việc tự sản xuất các linh kiện bán dẫn cho iPhone và bộ xử lý CPU riêng, không sử dụng linh kiện của Intel cho các dòng Macbook từ năm ngoái. Đây chính là nguồn cảm hứng cho Google.

Các CPU mới và bộ xử lý di động mà Google đang phát triển dựa trên bản thiết kế chip của hãng Arm của Anh. Công ty này do quỹ đầu tư Softbank của Nhật Bản điều hành, với các bản thiết kế được sử dụng cho hơn 90% các thiết bị di động trên thế giới.

Google đang đặt nhiều hy vọng vào dòng Pixel 6 và đã yêu cầu các nhà cung ứng chuẩn bị tăng năng lực sản xuất thêm 50% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát trong năm 2019. Hãng này đã xuất xưởng trên 7 triệu máy Pixel trong năm 2019 – mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng chỉ đạt 3,7 triệu máy trong năm kế tiếp do dịch hoành khắp nơi trên thế giới – theo hãng nghiên cứu IDC.

Trong các cuộc thảo luận gần đây, Google nói với các nhà cung ứng rằng hãng nhận ra tiềm năng tăng trưởng to lớn trên thị trường toàn cầu. Bởi Google là nhà sản xuất smartphone duy nhất của Mỹ chế tạo các thiết bị chạy trên hệ điều hành Android.

Đầu tư vốn khủng cho công nghệ chip mới và tài năng

Các nhà phân tích nói rằng chiến lược tự phát triển chip của Google là bước đi hợp lý nhưng không phải không có nhiều thách thức.

Google đang tham gia cuộc đua với các hãng công nghệ trong việc thiết kế và sản xuất chip và bộ xử lý riêng. Ảnh: AP

“Chúng tôi nhận ra rằng các gã khổng lồ về công nghệ đang lấn sân sang mảng chế tạo chip, bởi đó là cách họ có thể lập trình các chức năng riêng trên các con chip này”, Eric Tseng, nhà phân tích chính của hãng Isaiah Research nói với Nikkei Asia.

Nhà nghiên cứu nói thêm: “Trong bối cảnh đó, các hãng công nghệ có thể dễ dàng điều chỉnh khối lượng nghiên cứu và phát triển (R&D) mà không hề bị giới hạn bởi năng lực nhà cung ứng, và họ có thể tạo ra những dịch vụ và công nghệ riêng biệt, không ai có được. Lý tưởng mà nói thì sử dụng chip tự sản xuất tạo ra sự phối hợp hài hòa hơn giữa phần cứng và phần mềm”.

Tuy nhiên, sản xuất chip đòi hỏi vốn đầu tư khủng và các cam kết lâu dài. Và những tay chơi mới trên thị trường công nghệ này cũng phải đương đầu với các cột trụ chính trong ngành này như Intel, Nvidia, Qualcomm và nhiều hãng châu Á khác.

Peter Hanbury, đối tác của công ty tư vấn Bain & Co, nói rằng chi phí cho thiết kế và sản xuất loại chip “đỉnh” như chip 5nm mất khoảng 500 triệu đô la. Tức là gấp 10 lần việc sản xuất các chip công nghệ cũ, như loại 28 nm chỉ mất khoảng 50 triệu đô la. “Rất ít các hãng có công nghệ hay nguồn lực tài chính vững vàng để thiết kế con chip riêng. Vì thế, chỉ có những công ty cực lớn mới chọn con đường này, chẳng hạn như các hãng cung cấp dịch vụ cloud, hoặc các ứng dụng đặc biệt có giá trị dành cho các loại chip tự thiết kế này”, Hanbury bình luận.

Google đã hình thành các bộ xử lý riêng silicon – có tên là TPU – để giải quyết khối lượng cho trung tâm dữ liệu đám mây của hãng vào năm 2016. Tập đoàn này đã đưa ra TPU thế hệ thứ tư vào tháng 5-2021 vừa qua. Hãng đã thuê mướn kỹ sư chip hàng đầu trên khắp thế giới – nhất là từ các nền kinh tế công nghệ chủ yếu như Israel, Ấn Độ và Đài Loan bên cạnh nguồn nhân lực quê nhà tại Mỹ. Hãng cũng tuyển dụng nhân tài từ các nhà cung ứng chủ chốt như Intel, Qualcomm và Mediatek – theo các nguồn tin và phân tích hồ sơ tuyển dụng LinkedIn của Nikkei Asia.

Google là một trong những nhà phát triển hệ điều hành quan trọng nhất trên thế giới. Hầu hết các hãng chế tạo smartphone hàng đầu như Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo sử dụng hệ điều hành Android của Google. Gã khổng lồ cũng bán quyền sử dụng hệ điều hành Chrome của mình cho các hãng máy tính như HP, Dell, Acer, Asustek, Lenovo và Samsung để lắp ráp Chromebook – dòng laptop chủ yếu nhắm vào thị trường giáo dục.

Google đã giới thiệu Pixelbook và Pixel Slate, dòng notebook và máy tính bảng chạy hệ điều hành  Chrome lần lượt trong năm 2017 và 2018, nhưng lượng xuất xưởng hàng năm dưới 500.000 chiếc – theo dữ liệu của IDC.

Kế hoạch sản xuất Pixel 5 và Pixel 6 tại Việt Nam gặp khó

Google đã bắt đầu chuyển đổi các xưởng sản xuất điện thoại Nokia trước đây ở tỉnh Bắc Ninh thành hãng sản xuất điện thoại Pixel từ mùa hè 2019. Bắc Ninh là nơi Samsung gầy dựng chuỗi cung ứng smartphone của hãng từ mười năm qua. Ngay từ khi Google mở lại nhà máy của Nokia, các nhà phân tích nói “Google sẽ dễ tiếp cận được với nguồn nhân lực có tay nghề tại đây”.

Mỹ hiện là thị trường smartphone lớn nhất của Google, chiếm tới 70% doanh số năm 2018 của hãng, tiếp đến là Nhật Bản – theo IDC.  Thị trường Mỹ cũng chiếm tới 64% thị phần loa thông minh của Google. Các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Google trên thị trường smartphone đầy cạnh tranh. Năm 2018, Google đã xuất xưởng khoảng 4,7 triệu smartphone, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu. Gã khổng lồ về Internet đặt mục tiêu xuất xưởng 8-10 triệu smartphone trong năm 2019, hơn hai lần so với con số của năm trước đó, nhưng chỉ đạt hơn 7 triệu máy. Google nói sản lượng này là nhờ dòng Pixel 3a có giá mềm 399 đô la. Sản lượng máy dòng Pixel 4, 4a trong năm ngoái và Pixel 5 từ cuối năm ngoái đến nay sụt giảm do ảnh hưởng của dịch.

Việc tăng cường sản xuất tại Việt Nam là cách Google ứng phó với chi phí lao động đang tăng cao ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Kế hoạch vào thời điểm đó là Google sẽ chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất phần cứng, điện thoại Pixel đến Việt Nam và loa thông minh Google Home đến Thái Lan.

Pixel chỉ là thương hiệu nhỏ trong ngành điện thoại thông minh và chưa lọt bảng top 10 toàn cầu. Thế nhưng, hãng nghiên cứu công nghệ Counterpoint cho biết đây là thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Ra mắt vào tháng 4-2019, Pixel có mức giá tầm trung vẫn giành thêm được thị phần dù ngành công nghiệp smartphone toàn cầu đang suy thoái trong ba năm vừa qua.

Trong 6 tháng đầu năm nay, hàng xuất xưởng tương đối ổn định dù ít, nhưng bị mất đà từ đầu tháng 7 do chủng Delta hoành hành ở Đông Nam Á.

Dù đã lên kế hoạch sản xuất Pixel 6 tại Bắc Ninh từ cuối năm ngoái, nhưng sau đó Google đã chuyển sang kế hoạch dự phòng là lắp ráp dòng này tại Thâm Quyến. Tương tự như vậy với dòng Pixel 5. Lý do được các nguồn tin nói với Nikkei Asia là do nguồn kỹ thuật viên hạn chế tại Việt Nam và những khó khăn trong đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các đợt dịch bùng phát.

Các trang công nghệ gọi Pixel 6 là “iPhone của Android” và dự định sẽ ra mắt ngày 19-10 sắp tới cho các đơn đặt trước và bán công khai từ ngày 28-10. Các năm trước đây, giá smartphone của Google có chiều hướng giảm, như Pixel 3 và Pixel 4 chỉ 799 đô la, sang mẫu mới Pixel 5 là 699 đô la. Riêng lần này, trang Tech Advisor dự báo giá Pixel 6 sẽ mắc hơn dòng trước đó và từ 699 đô la trở lên, riêng Pixel 6 Pro sẽ cộng thêm 100 đô la nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới