Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Góp phần thay đổi ngành bán lẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Góp phần thay đổi ngành bán lẻ

Nguyễn Hoàng Ly (*)

(TBVTSG) – Thương mại điện tử di động (M-commerce) đơn giản là thương mại hóa khả năng giao dịch qua thiết bị di động. Với doanh thu điện thoại thông minh (smartphone) tăng 49% trong quí 1-2010 trên toàn cầu, chưa bao giờ việc mua bán mọi lúc mọi nơi từ thiết bị trong lòng bàn tay lại dễ đến như vậy. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu thị trường đều đánh giá M-commerce là tương lai của ứng dụng điện thoại di động và thị trường này đang phát triển nhanh chóng.

Theo kết quả nghiên cứu của ABI Research công bố vào tháng 2-2010, ước tính đến năm 2015, doanh thu toàn thị trường M-commerce (hàng hóa và dịch vụ) trên thế giới sẽ vượt 119 tỷ đô-la Mỹ. Chỉ riêng tại Mỹ, mức mua sắm trên điện thoại di động đã tăng trưởng đột phá từ 396 triệu đô-la năm 2008 lên 1,2 tỉ đô-la năm 2009. Cũng theo ABI Research, ước tính mức mua sắm trên điện thoại di động tại Mỹ sẽ đạt 2,2 tỷ đô-la trong năm nay. Bên cạnh đó, mức chi tiêu cho quảng cáo, quảng bá và phát triển M-commerce cũng tăng trưởng 25-30% hằng năm. Điều đó cho thấy sự đầu tư lớn của các công ty trong lĩnh vực này và thị trường đang ở giai đoạn bùng nổ tiềm năng.

Từ trường hợp của Ấn Độ

Một thị trường tại châu Á có đặc thù gần gũi với Việt Nam là Ấn Độ. Ấn Độ là thị trường có số lượng khách thuê bao di động lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, do cùng là những quốc gia đang phát triển nên thị trường viễn thông nói chung cũng như thị trường dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động (MVAS) nói riêng ở Ấn Độ và ở Việt Nam cũng có những nét tương đồng nhất định. Do đó, việc tìm hiểu tình hình kinh doanh MVAS ở Ấn Độ chắc chắn sẽ đem lại những kinh nghiệm hữu ích cho việc phát triển thị trường này ở Việt Nam – một vấn đề đang rất “nóng”.

Kể từ năm 1991, thị trường viễn thông Ấn Độ đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt và mức đóng góp ấn tượng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này, lên tới 13%. Cuối tháng 6-2008, tổng số khách thuê bao di động (bao gồm cả mạng GSM, CDMA và WLL) là khoảng 286,86 triệu. Cấu trúc thị trường viễn thông Ấn Độ cũng có một số điểm đáng chú ý là có tới 92% là khách thuê bao trả trước. Bên cạnh đó, có 72% dân số sống ở nông thôn nhưng chỉ có khoảng 28% số lượng khách thuê bao di động sống ở khu vực này. Ngành công nghiệp MVAS ở Ấn Độ ở thời điểm cuối tháng 6-2008 trị giá hơn 12,5 tỷ đô-la Mỹ, trong hai năm 2009 và 2010 được dự kiến tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 70%. MVAS đóng góp khoảng 9% vào doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông vào năm 2008, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 12% trong năm nay.

Đến câu chuyện ở Việt Nam

Tại Việt Nam, sự phát triển của M-commerce đang trong giai đoạn khởi đầu và được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi tương lai của các ngành dịch vụ thông tin, bán lẻ và viễn thông.

Từ lâu dịch vụ tra cứu thông tin đã hình thành và phát triển mạnh tại Việt Nam. Câu nói “hỏi 1080” đã trở thành một câu nói quen thuộc khi mọi người có nhu cầu về dịch vụ hỏi/đáp qua điện thoại nhằm tra cứu thông tin. Gần đây, với sự phát triển của thị trường chứng khoán thì việc tra cứu thông tin thị trường, thông tin và giá các mã chứng khoán là một nhu cầu thiết yếu của bất kỳ nhà đầu tư nào. Nhiều phần mềm và dịch vụ trên điện thoại di động đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu này và được các nhà đầu tư sử dụng rộng rãi như VietStock Mobile, CafeF Mobile….

Có hai hình thức tra cứu thông tin phổ biến: tra cứu theo nhu cầu (on-demand) và tra cứu tự động (automated). Tra cứu theo nhu cầu thì người sử dụng sẽ chủ động yêu cầu nội dung những thông tin họ quan tâm tại một thời điểm nhất định. Còn tra cứu tự động thì nhà cung cấp nội dung sẽ chủ động chuyển thông tin đến người sử dụng (thông qua tin nhắn SMS hay phần mềm trên điện thoại di động) và lưu trữ sẵn để có thể sử dụng bất kỳ lúc nào cần thiết.

Lợi thế của M-commerce đối với dịch vụ thông tin là có thể xác định được ngay vị trí của khách hàng (product and service location) để cung cấp thông tin phù hợp nhất. Ví dụ như khách hàng đang ở quận 1, TP.HCM và muốn đi ăn món Nhật thì phần mềm di động có thể cung cấp danh sách những nhà hàng gần vị trí đó nhất đang có khuyến mãi. Ngoài ra, lợi thế khác của M-commerce là tính kết nối tức thời (instant connectivity) và tiện lợi (convenience). Khách hàng có thể tìm được thông tin cần thiết trong thời gian ngắn nhất. Với sự phát triển băng thông di động của mạng 3G/4G thì việc trao đổi những lượng thông tin lớn (hình ảnh, bản đồ, dữ liệu,…) đều trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đơn cử dịch vụ Google Maps có thể cung cấp ngay thông tin về những nhà hàng gần vị trí của người sử dụng, các thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, trang web…) và hiển thị ngay bản đồ chỉ dẫn đường đi đến nhà hàng đó.

M-commerce cũng thuận lợi cho các dịch vụ thông tin mang tính cá nhân hóa cao (product personalization). Người sử dụng điện thoại di động có thể nhận được thông báo cước, hóa đơn hằng tháng ngay trên điện thoại của mình. Chỉ cần một thao tác đơn giản là đăng ký số điện thoại và các hóa đơn liên quan để tạo tài khoản kết nối cá nhân. Sau khi nhận được thông tin cước và hóa đơn, người sử dụng có thể dùng chính chiếc điện thoại của mình để thực hiện thanh toán ngay.

Trong lĩnh vực bán lẻ, M-commerce sẽ phù hợp với những mặt hàng có thể mua ngay, chỉ cần tham khảo thông tin và hình ảnh ở mức độ giới hạn (do giới hạn hiển thị của các thiết bị di động). Ví dụ khi mua quần áo, trang sức thì khách hàng luôn có nhu cầu xem xét tỉ mỉ từ nhiều góc độ khác nhau và nếu được thì phải thử chứ chỉ nhìn hàng hóa trên màn hình hạn chế của điện thoại di động thì sẽ không cảm thấy yên tâm để đưa ra quyết định mua hàng. Còn các mặt hàng như thẻ điện thoại, thực phẩm, đồ uống,… thì lại rất thuận tiện vì khách hàng có thể xác định rõ mặt hàng mình muốn mua chỉ qua tên gọi (ví dụ như thẻ Viettel, 100 kg gạo Nàng Hương, nước suối LaVie…).

Hiện tại nhiều nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam như CoopMart, Nguyễn Kim, Viễn Thông A,… đều đang triển khai kênh bán hàng điện tử và phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử để có thể cung cấp hàng hóa nhanh chóng đến khách hàng qua cả hai kênh E-commerce và M-commerce.

Dịch vụ viễn thông có ảnh hưởng đa chiều nhất với M-commerce. Các công ty viễn thông đóng vai trò cung cấp hạ tầng cho loại hình thương mại này như hạ tầng truyền dẫn, thiết bị đầu cuối, các dịch vụ nền tảng. Bên cạnh đó, các dịch vụ viễn thông cũng đóng vai trò hàng hóa trong M-commerce. Khách hàng có thể mua hay topup (nạp tiền) các dịch vụ viễn thông qua điện thoại di động. Thử tưởng tượng, nếu điện thoại của bạn hết tiền lúc nửa đêm và không thể đi mua thẻ cào thì bạn mới thấy hết sự tiện lợi nếu có thể topup tài khoản di động ngay trên chiếc điện thoại của mình.

Khách hàng cũng có thể mua thời lượng sử dụng các dịch vụ viễn thông như điện thoại đường dài (long distant call), LBS (location based service)… ngay trên điện thoại.

Một vai trò quan trọng khác của các công ty viễn thông trong M-commerce là nhà tạo lập thị trường. Apple xây dựng cửa hàng ứng dụng (App Store) với khoảng 300.000 ứng dụng. Tại Việt Nam, các công ty viễn thông cũng đang nỗ lực xây dựng các App Store riêng làm kênh phân phối cho các nhà cung cấp ứng dụng. Sự đa dạng của các ứng dụng sẽ là lực đẩy cho sự giao tiếp, trao đổi và giao dịch di động, qua đó phát triển thị trường M-commerce.

Các công ty viễn thông thường có xu hướng cùng các đối tác xây dựng toàn bộ các cấu phần của M-commerce từ phân phối thiết bị, phần mềm di động, phân phối các sản phẩm/dịch vụ nội dung số đến cung cấp giải pháp thanh toán cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ đó. Các công ty viễn thông cũng phát triển dịch vụ quảng cáo di động, có thể kết hợp cùng dịch vụ LBS để cung cấp đến khách hàng các mẩu quảng cáo chọn lọc dựa trên vị trí hiện tại của khách hàng.

M-commerce được xem là dịch vụ giá trị gia tăng di động (MVAS) của ngành viễn thông, do đó sự tăng trưởng của M-commerce sẽ đưa đến sự tăng trưởng số thuê bao và ARPU của ngành.

Những thách thức

Bên cạnh những thuận lợi nhờ sự thích ứng nhanh với các ngành dịch vụ kể trên, các doanh nghiệp khi tham gia M-commerce sẽ phải lường trước những khó khăn mà họ phải đối mặt. Trước hết, đó là sự không an toàn của các giao dịch di động thông qua giao diện vô tuyến. Do việc mua bán và thanh toán được thực hiện bằng sóng điện từ, được thu phát tự do trong không gian nên các yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân rất khó khăn. Đặc biệt, với sự phát triển cao về công nghệ các hacker có thể có những công cụ rất mạnh để lấy cắp thông tin một cách dễ dàng. Do sự hạn hẹp của việc cung cấp thông tin của thiết bị di động nên các thiết bị di động và các thiết bị cá nhân rất hạn chế về mặt thể hiện nội dung. Điều đó gây khó khăn trong việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chi tiết. Việc xây dựng kênh thanh toán chuyên biệt cho M-commerce để khách hàng có thể thực hiện thanh toán từ tài khoản ngân hàng ngay khi giao dịch qua điện thoại di động là cần thiết.

______________________________________

(*) Giám đốc điều hành Công ty VietUnion – chủ sở hữu ví điện tử Payoo.

M-commerce (Mobile Commerce –– thương mại điện tử di động) được định nghĩa là bất kỳ giao dịch nào liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ, được khởi đầu và hoàn tất bằng cách sử dụng truy cập di động vào hệ thống xử lý điện tử từ một thiết bị hỗ trợ điện tử. Theo định nghĩa này, M-commerce bao hàm cả những giao dịch di động bởi những thiết bị hỗ trợ điện tử đa dạng mà không giới hạn là điện thoại di động. Giao dịch từ máy tính xách tay sử dụng USB 3G khi di chuyển trên xe hơi , giao dịch từ máy tính bảng có kết nối GPRS hay Wi-Fi cũng là M-commerce.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới