Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Góp quỹ du lịch: cái chung có bị chi phối bởi lợi ích riêng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Góp quỹ du lịch: cái chung có bị chi phối bởi lợi ích riêng?

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Một trong những nội dung được doanh nghiệp quan tâm trong Luật Du lịch sửa đổi, đang thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này là việc nên hay không nên quy định buộc doanh nghiệp kinh doanh du lịch đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Góp quỹ du lịch: cái chung có bị chi phối bởi lợi ích riêng?

Doanh nghiệp du lịch trong nước và nước ngoài trao đổi tại Hội chợ Du lịch Quốc tế tại TPHCM – Ảnh: Đào Loan

Theo dự thảo Luật Du lịch sửa đổi trình Quốc hội, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được hình thành từ vốn điều lệ do nhà nước cấp, vốn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng các nguồn thu hợp pháp khác.

Mục đích của quỹ là để xúc tiến du lịch; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ hoạt động truyền thông trong cộng đồng.

Tại phiên thảo luận vào chiều 29-5, một số đại biểu Quốc hội ủng hộ việc thành lập quỹ, cho rằng ngân sách nhà nước nên hỗ trợ trong thời gian đầu. Sau đó, hằng năm, quỹ cần được bổ sung bằng các nguồn thu lệ phí, thị thực nhập cảnh, đóng góp của doanh nghiệp…

Có đại biểu cho rằng, nên bổ sung nội dung doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải có trách nhiệm đóng góp quỹ vì trên thực tế để khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện đóng góp là khó khả thi nếu không gắn với những quyền lợi nhất định. Có người đề nghị cần bổ sung nguồn thu cho quỹ từ đóng góp của khách du lịch và các đơn vị lữ hành, vận chuyển sẽ thu hộ.

Trả lời chinhphu.vn, một đại biểu khác nêu ý kiến, khi đóng góp vào quỹ thì đại diện doanh nghiệp phải tham gia vào quỹ để có điều kiện kiểm soát và chi phối hoạt động của quỹ, để thấy quỹ sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất. Khi biết tiền của mình được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đóng góp.

Thực tế, việc nên hay không nên quy định bắt buộc doanh nghiệp đóng góp vào quỹ có quy mô quốc gia này cũng được doanh nghiệp thảo luận sôi nổi.

Có ý kiến cho rằng, nếu chứng minh được quỹ hoạt động hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ đóng góp vì hiện tại doanh nghiệp cũng đã góp tiền vào các hoạt động xúc tiến du lịch. Thậm chí, có người còn cho rằng so với các đồng nghiệp ở Philippines, Indonesia thì doanh nghiệp ở Việt Nam còn phải góp tiền nhiều hơn trong những lần tham gia gian hàng giới thiệu du lịch chung của Việt Nam ở nước ngoài.

Du khách nước ngoài vui chơi tại một resort ven biển ở Cam Ranh. Một phần ngân quỹ của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dự kiến sẽ được dùng để xúc tiến du lịch nhằm kéo thêm nhiều du khách đến – Ảnh: Đào Loan

"Doanh nghiệp các nước bạn chỉ góp 800 euro trong khi chúng tôi phải đóng đến 2.500 euro để tham gia gian hàng chung. Chúng tôi không ngại đóng góp nhưng không thể đóng góp mãi vào những chương trình không hiệu quả nên muốn quỹ đem lại lợi ích thực sự cho du lịch quốc gia thì phải có quy định chặt chẽ về hoạt động của quỹ", ông Phạm Hà, CEO của Công ty Du lịch Luxury Travel.

Theo ông, nếu quỹ chỉ dùng để xúc tiến du lịch thì có thể xem xét khả năng doanh nghiệp, còn thực hiện thêm nhiều mục đích khác thì phải xem xét về khả năng chi phối cái chung vì lợi ích riêng của những thành phần tham gia. "Những nhà đầu tư lớn đóng góp, tham gia điều hành quỹ thì việc chi phối hoạt động của quỹ là có thể xảy ra và không loại trừ việc có thể họ sẽ điều phối, tác động đến chính sách vì lợi ích riêng", ông Hà nói.

Nhiều doanh nhân khác cũng lo ngại tình trạng này, nhất là trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những nhà đầu tư làm ăn gian dối, phát triển những dự án làm tổn hại đến môi trường, cảnh quan nhằm thu về lợi ích lớn, nhanh nhất cho bản thân. Khi những "đại gia" này đóng góp lớn, góp phần điều hành quỹ, để thực hiện hàng loạt hoạt động từ xúc tiến, đào tạo, hỗ trợ truyền thông du lịch trong cộng đồng… thì liệu những dự án "bẩn" của họ có bị nêu tên hay sẽ có khả năng được lờ đi vì áp lực thâm hụt nguồn quỹ hoặc có thể cộng đồng đã được truyền thông theo kiểu khác, theo hướng có lợi cho những người này.

Đây là những vấn đề phải cân nhắc rất kỹ khi xác định những nguồn đóng góp cho quỹ quốc gia. Thêm vào đó, cũng có ý kiến cho rằng việc buộc doanh nghiệp hay khách du lịch đóng góp vào đây sẽ gây nên tình trạng thuế chồng thuế. Các công ty du lịch, khách sạn, vận chuyển… đã đóng thuế thì nhà nước phải trích một phần thuế này để thực hiện những hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch chứ không thể bắt doanh nghiệp đóng thêm phần phí khác.

"Còn nhiều vấn đề nhưng chưa được đề cập đến để thảo luận. Chẳng hạn ai sẽ thu quỹ này, thu bao nhiêu cho từng doanh nghiệp, thu thế nào, ai quản, rồi chi thế nào… Thuế đã đóng bây giờ lại thêm phí thì sẽ ra sao. Chúng tôi đã nói nhiều nhưng những nội dung này vẫn chưa được bàn đến", một doanh nghiệp nói và cho rằng nếu không tính đến tất cả những vấn đề liên quan thì việc có thêm nguồn tiền lớn qua quỹ này cũng chưa chắc tạo được bước phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch, có chăng chỉ là chuyện doanh nghiệp phải đóng thêm tiền.

Đọc thêm:

Đề nghị quy định chặt hơn về xếp hạng cơ sở lưu trú

Một phần phí visa sẽ góp cho quỹ phát triển du lịch

Du lịch: tăng thêm khách hay tập trung cho chất lượng?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới