GPP: Thời gian tới gần nhưng đường còn xa
![]() |
Một nhà thuốc đã thực hiện theo chuẩn GPP. Ảnh tư liệu SGTO. |
(TBKTSG) – Cách đây hai năm khi mà Quyết định 11/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành nhà thuốc tốt” (gọi tắt là GPP) được ban hành, người ta đã một lúc xôn xao vì một viễn cảnh phải đóng cửa vô số nhà thuốc do không đủ tiêu chuẩn quy định. Người tiêu dùng còn hoang mang không biết mai mốt mua thuốc ở đâu.
Cách đây hai năm khi mà Quyết định 11/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành nhà thuốc tốt” (gọi tắt là GPP) được ban hành, người ta đã một lúc xôn xao vì một viễn cảnh phải đóng cửa vô số nhà thuốc do không đủ tiêu chuẩn quy định. Người tiêu dùng còn hoang mang không biết mai mốt mua thuốc ở đâu.
Những người kinh doanh nhà thuốc bấy lâu nay thuê mặt bằng nhỏ xíu, mướn dược sĩ hành nghề giờ lo lắng về một kiểu mẫu nhà thuốc “cửa kính máy lạnh, hai dược sĩ một đứng bán, một tư vấn… tủ kệ đúng quy cách, có chỗ rửa tay…”. Tất cả mọi người đều cho rằng quy định này không khả thi. Lâu dần mọi người đều quên đi, một số nhà thuốc khi được hỏi đã chuẩn bị tới đâu họ chỉ trả lời: tới đâu hay tới đó.
GPP là gì?
Theo tinh thần quyết định nói trên, thì “Thực hành nhà thuốc tốt” (Good Pharmacy Practice – GPP) có những điểm chính yếu sau:
– Chủ nhà thuốc hoặc người phụ trách chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động.
– Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược và thời gian thực hành nghề phù hợp.
– Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 10 mét vuông, có chỗ ra thuốc lẻ, có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc.
– Nhiệt độ tại nhà thuốc phải đảm bảo dưới 30 độ C, độ ẩm không vượt quá 75%.
– Bán thuốc kê toa thì phải có toa và lưu lại.
– Đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, nguồn thuốc cũng phải mua từ các cơ sở kinh doanh dược phẩm hợp pháp và chỉ mua các thuốc được phép lưu hành.
– Mọi chứng từ mua, bán đều được theo dõi lưu trữ…
Như vậy, nếu so với những quy định về một nhà thuốc thông thường như hiện nay thì những quy định về chuẩn mực của một nhà thuốc GPP cũng không khác gì mấy. Có chăng chỉ là việc tiêu chuẩn quy định trước đây được du di và… cho qua một cách bất thành văn; khiến cho việc ban hành quy định mới, trong đó có một số điều không mới cũng gây ngán ngại.
Những khó khăn thật sự
Có nhiều nhà thuốc GPP được hình thành và hoạt động nhưng phần nhiều là các chuỗi nhà thuốc được đầu tư công phu và các nhà thuốc của bệnh viện.
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 11-2006, cả nước có khoảng 13.000 nhà thuốc, 700 nhà thuốc bệnh viện, 5.500 đại lý của dược sĩ trung học, 5.500 đại lý của dược tá, 9.000 tủ thuốc trạm y tế xã, 6.000 cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp. Nhưng chúng ta có bao nhiêu dược sĩ đại học, dược sĩ trung học, dược tá? Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2007 chúng ta có 5.678 dược sĩ đại học, 12.368 dược sĩ trung học, 8.545 dược tá. Vậy thì quy định về nhân sự của một nhà thuốc tiêu chuẩn GPP có phải là một thánh đố cho sự tồn tại của các nhà thuốc hiện nay vào năm 2010 hay không?
Hơn nữa, quy định về bán thuốc kê đơn với bảy nhóm: thuốc độc A, B, gây nghiện, hướng thần và tiền chất, kháng sinh, tim mạch, nội tiết mặc dù rất đúng về mặt y đức, bảo vệ sức khỏe con người, thông lệ quốc tế nhưng hiện nay rất hiếm có một bệnh nhân nào mang toa thuốc hợp lệ đến nhà thuốc mà thường mua ngay từ phòng mạch bác sĩ, rồi sau đó mua tiếp tại nhà thuốc để uống. Đây không phải là hiện tượng hiếm mà phải khẳng định là phổ biến trong tình hình hiện nay. Muốn thực hiện được GPP phải là một sự cải cách đồng bộ, chứ không phải nửa vời.
Tâm lý chung của người tiêu dùng đến những nhà thuốc đạt chuẩn GPP, theo như hình mẫu mà một số chuỗi nhà thuốc hiện nay đang làm (có cửa kính, máy lạnh, dược sĩ tư vấn, trang trí đẹp…) là e ngại. Họ sợ rằng những nơi bán thuốc sang trọng như vậy cũng sẽ có giá thuốc “sang trọng” tương xứng. Hơn nữa, ghé một nhà thuốc ven đường, dựng xe vào mua sẽ dễ dàng hơn nhiều, muốn mua gì cũng có. Đối với những vùng sâu, vùng xa thì việc thay thế những chiếc ghe hàng bán thuốc cùng với bột ngọt, đường sữa… bằng những nhà thuốc GPP xem chừng vô vọng.
Có ý kiến cho rằng việc áp dụng những chuẩn mực như vậy đối với nước ta là chưa chín muồi, chưa phù hợp với trình độ phát triển, nhận thức và các phương tiện vật chất khác. Có người đề nghị giải pháp những nhà thuốc OTC (thuốc không kê toa) song hành với những nhà thuốc Rx (thuốc kê toa). Chúng ta thường thấy trong các siêu thị nước ngoài có rất nhiều nhà thuốc kiểu như Guardian, Watson’s… Họ bày bán rất nhiều, nhưng toàn những loại thuốc OTC như cảm, nhức đầu, thuốc bổ… còn những loại thuốc đặc trị, cần phải có toa của bác sĩ thì có những nhà thuốc chuyên biệt khác. Những nhà thuốc OTC thì nhiều, phổ biến, những nhà thuốc Rx thì chuyên biệt và ít nhưng áp dụng chặt chẽ các chuẩn mực chuyên môn.
Thời gian chuẩn bị sắp hết, bất cập vẫn còn nhiều nhưng không đi thì không tới. Vấn đề là Bộ Y tế sẽ làm gì? Tiếp tục hay gia hạn, hay tạm dừng? Nếu làm được thì người được lợi nhiều nhất là người dân.
LÊ DUY