Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Grant Thornton: đầu tư vào khu vực tư nhân được dự báo tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Grant Thornton: đầu tư vào khu vực tư nhân được dự báo tăng mạnh

T.Thu

Grant Thornton: đầu tư vào khu vực tư nhân được dự báo tăng mạnh
Taong năm 2015, công ty P&G đầu tư 100 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy Gillette tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp trong một cuộc khảo sát do công ty Grant Thornton thực hiện mới đây tỏ ra lạc quan hơn và cho rằng hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 12 tháng tới.

Grant Thornton ngày 4-8 công bố kết quả cuộc khảo sát lần thứ 13 của mình về đầu tư tư nhân được thực hiện vào quí 2-2015, và các ý kiến phản hồi cho thấy có sự gia tăng những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Khi được hỏi về triển vọng đầu tư ở Việt Nam, có đến 86% số phản hồi dự báo sẽ gia tăng mức độ đầu tư trong vòng 12 tháng tới, cao hơn 14% so với kỳ khảo sát trước. 

Dự báo về sự tăng mạnh đầu tư được dựa trên nhiều nhân tố. Đầu tiên là nền kinh tế phục hồi đã giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng, và tiềm năng phát triển cho các ngành.

Thứ hai là việc tham gia vào các hiệp định hợp tác toàn cầu và khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem đến nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thứ ba là sự cải thiện về hành lang pháp lý qua việc Chính phủ Việt Nam đang nhấn mạnh về sự cần thiết của việc cải cách trong cả khối tư nhân và nhà nước.

Những yếu tố này sẽ đem đến những cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa vốn có sẵn hệ thống hoạt động, thị phần, có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.

Tiềm năng này cũng mở ra cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước hay các tổ chức tài chính. Theo đó, mua bán và sáp nhập (M&A) được cho là sẽ vượt mức kỷ lục 5,2 tỉ đô la Mỹ của năm 2012 và đạt được tổng mức 20 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn từ 2015 đến 2018.

Về lĩnh vực, dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản được nhận định là sẽ dẫn đầu về thu hút đầu tư, tiếp đến là ngành thực phẩm và đồ uống, và công nghệ sạch.

Trong cuộc khảo sát lần trước, lĩnh vực dầu-khí nhận được đánh giá là kém hấp dẫn khi chỉ có 17% số người tham gia khảo sát của quí 4 năm 2014 lựa chọn, do nguồn cung tăng, cùng với sức cầu tăng trưởng thấp hơn dự kiến đã dẫn đến sự lao dốc giá dầu thô trong năm 2014, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong ngành. Tuy nhiên, trong khảo sát lần này, lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt được xem là hấp dẫn nhất với 37% lựa chọn.

Sự gia tăng đột biến về mức độ hấp dẫn của ngành này có lẽ do những cơ hội mua tài sản từ người bán đang khó khăn về tài chính, hoặc cơ hội đầu tư vào tài sản với chi phí thấp hơn. Điều này có thể được hiện thực hóa khi hiện có đến 4 dự án nhà máy lọc dầu đang và sắp đầu tư gồm Nghi Sơn, Nhơn Hội, Nam Vân Phong, Vũng Rô, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư khi chủ dự án có nguồn vốn hạn hẹp.

Các nhà đầu tư còn có nhiều cơ hội hơn trong ngành kinh doanh xăng dầu, sau khi dự thảo nghị định của Bộ Công Thương đưa ra đã xem lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là một phân ngành có điều kiện và không còn là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước.

Ngành thực phẩm và đồ uống duy trì được sức hấp dẫn với sự tăng nhẹ lên 34% lựa chọn từ 33% ở kỳ khảo sát trước. Dân số đông (trên 90 triệu dân) với thu nhập bình quân đầu người tăng là tiền đề vững chắc hỗ trợ tiềm năng phát triển của ngành. 

Mức tăng trưởng tiêu thụ lương thực bình quân đầu người được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 17,6% trong giai đoạn 2014 –2019. Đối với phân ngành như thực phẩm đóng gói sẵn, tăng trưởng về sản lượng và doanh thu thậm chí còn cao hơn nhiều, ước tính lần lượt đạt 24,2% và 48,7% (theo Tổ chức Giám sát Kinh doanh Quốc tế – BMI).

Phân ngành đồ uống được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10,5%, trong đó riêng ngành bia tăng trưởng được dự báo với tốc độ còn cao hơn là 32,8%.

Các nhà đầu tư cũng đặt niềm tin vào công nghệ sạch với số ý kiến lựa chọn ở mức 29%. Đứng vị trí thứ tư về ngành hấp dẫn để đầu tư là nông nghiệp, y tế và dược phẩm, với 24% người trả lời khảo sát lựa chọn cho mỗi ngành.

Về các vấn đề quan ngại, 20% người tham gia khảo sát đánh giá quản trị công ty là mối quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đến là tính minh bạch với 19% ý kiến phản hồi. Hai lĩnh vực này vẫn luôn được xem là các vấn đề quan ngại hàng đầu trong các kỳ khảo sát trước đây của Grant Thornton, cho thấy cần phải có sự cải tiến ở phía các công ty tại Việt Nam nếu các công ty này muốn trở nên hấp dẫn hơn trước các nhà đầu tư.

Trong 12 tháng tiếp theo, các nguồn vốn vay được kỳ vọng sẽ trở nên "dễ tiếp cận" (14% số ý kiến). Mặt khác, dự kiến chi phí vốn vay sẽ có xu hướng tăng nhẹ, cho thấy có nhiều nhu cầu đi vay để phục vụ cho các khoản đầu tư mới trong thời gian kinh tế đang hồi phục.

Đây là bản báo cáo khảo sát bán niên do Grant Thornton Việt Nam thực hiện, dựa trên ý kiến phản hồi từ những người ra quyết định đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, cư trú ở cả trong và ngoài Việt Nam có tham gia vào lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam. Trong bản báo cáo này Grant Thornton tìm hiểu quan điểm hiện tại của các nhà đầu tư tại Việt Nam về tình hình kinh tế nói chung, những ngành kinh tế thu hút đầu tư và các trở ngại đối với việc đầu tư. Khảo sát được thực hiện trong tháng 7-2015, nhưng bản báo cáo không đề cập đến số người được khảo sát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới