(KTSG Online) – Liên quan đến lượng phát thải khí CO2 của dự án nhà máy điện khí tự nhiên hoá long (LNG) Bạc Liêu với công suất 3.200 MW, có tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), đưa ra con số phát thải lên đến khoảng 7,8 triệu tấn/năm, chứ không phải hơn 2.500 tấn.
- Chuẩn bị xây nhà máy điện LNG 3 tỉ đô la Mỹ tại Long An
- Đánh giá tác động môi trường nhà máy điện khí Bạc Liêu
Mới đây, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nhà máy điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Bạc Liêu.
Tại phụ lục các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án nêu trên cho thấy, trong giai đoạn chuẩn bị và xây dựng cũng như giai đoạn vận hành thử nghiệm và hoạt động, dự án phát thải một lượng khá lớn khí thải, chất thải nguy hại và nước thải…
Một điểm đáng lưu ý đó là lượng khí thải CO2 phát sinh của nhà máy trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và hoạt động là 2.532,4 tấn/năm (trong trường hợp đốt khí hoàn toàn).
Liên quan đến lượng phát thải khí CO2 như nêu trên, trao đổi với KTSG Online, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc GreenID, cho biết với công suất dự án 3.200 MW thì tổng lượng khí CO2 phát sinh là khoảng 7,8 triệu tấn/năm, chứ không phải hơn 2.500 tấn/năm như công bố trong phê duyệt quyết định ĐTM của dự án.
Cơ sở để tính ra con số phát thải khí CO2 như nêu ở trên căn cứ vào điện lượng sản xuất mỗi năm của dự án và lượng phát thải khí CO2 trên mỗi kWh điện sản xuất ra.
Ông Sính cho biết điện lượng của dự án nhà máy điện khí Bạc Liêu sẽ được tính bằng công thức: điện lượng (kWh/năm) = công suất*hệ số công suất* số giờ trong năm. Trong đó, công suất là 3.200 MW, tương đương 3.200.000 KW; hệ số công suất đối với dự án điện khí là 56% (0,56) và số giờ trong năm là 8.760 giờ (365 ngày*24 giờ). Như vậy, điện lượng của dự án tính ra được làm tròn là 15,7 tỉ kWh/năm.
Trong khi đó, mỗi kWh điện được sản xuất ra đối với loại hình điện khí sẽ thải ra khoảng 0,5 kg khí CO2. Như vậy, tổng lượng CO2 phát thải của dự án ở Bạc Liêu là 15,7 tỉ kWh/năm*0,5 kg, tức sẽ phát thải mỗi năm khoảng 7,8 triệu tấn khí CO2, cao hơn rất nhiều so với con số được nêu ra trong phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài phát thải khí CO2, như KTSG Online đã thông tin, quá trình vận hành thử nghiệm và hoạt động của dự án nêu trên sẽ phát thải khí Nox với tải lượng thải của mỗi tổ máy khoảng 528 tấn/năm, tức khoảng 2.212 tấn/năm cho cả 4 tổ máy của dự án.
Mặt khác, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh từ dự án khoảng 60,8 tấn/năm chủ yếu từ hoạt động sản xuất của nhà máy. Trong khi đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 140 kg/ngày đêm; chất thải rắn công nghiệp, cặn rắn súc rửa lò thu hồi nhiệt định kỳ 1 lần/năm khoảng 0,3 tấn/lần/năm; cặn rắn và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của nhà máy có khối lượng phát sinh ước tính khoảng 0,1 tấn/ngày đêm.
Các nước trên thế giới và ngay cả Trung Quốc cũng hướng đền lộ trình nói không với điện khí.
Ai nói và nói ở đâu vậy bạn. Họ không dùng nhiệt điện khí, chắc quay lại dùng nhiệt điện than nhỉ
Việt Nam có lợi thế về du lịch xanh vừa giữ được môi trường trong sạch vừa phát huy được thế mạnh.
Phát triển về nông nghiệp và du lịch là phù hợp nhất với đất nước chúng ta.
Xin đừng rước điện khí về.
Vậy mỗi tuần ông dùng điện 5 ngày thôi nhé. 2 ngày còn lại tự cắt aptomat đi
Phép tính của ông Sính đưa ra chưa có nguồn chứng minh. Để biết đúng hay sai tôi nghĩ phải đăng tải cả số liệu của nhà máy. Mà có nhà máy nào chạy 100% giờ 1 năm?
Bây giờ dự án nào cũng không chịu điện khí, điện rác, điện gió, thuỷ điện rồi hạt nhân thì lấy điện ở đâu bây giờ? Tiền điện thì tháng nào cũng cao ngất ngưởng.