Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Hạng thương gia”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Hạng thương gia”

Thanh Ý

“Hạng thương gia”
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Ngồi trên chiếc ghế sofa êm ái ở gian cà phê trong đại sảnh khách sạn Sheraton, TPHCM, trong tiếng dìu dặt réo rắt của cây cello, Kathy Nguyễn(*) đang nói chuyện đột nhiên nhìn chằm chằm một người đàn ông ngoại quốc mặc quần jean và áo thun từ thang máy đi ra.

Làm ăn phải coi giò coi cẳng

Rồi chị bĩu môi kín đáo chỉ cho người khách đối diện: “Thấy không, đừng tưởng là Tây hay Mỹ, ở khách sạn 5 sao là ngon lành hết, nhiều thằng cũng “cheap” lắm nghe, nhìn áo quần, nhìn đôi giày “nó” đi là biết ngay đẳng cấp”. Đó là một ví dụ minh họa đến rất đúng lúc, vì chị đang nói tới chuyện là dân làm ăn, phải biết “coi giò coi cẳng” đối tác cho kỹ. Dường như “thứ hạng” hay “đẳng cấp” là những điều mà Kathy rất chú trọng trong câu chuyện của mình.

Kathy là một Việt kiều Mỹ, cùng chồng tính chuyện mở bệnh viện tư và kinh doanh các dịch vụ y tế ở Việt Nam, mỗi lần về TPHCM luôn chỉ ở khách sạn 5 sao này. Lần này, chị về nước để chuẩn bị cho một sự kiện giới thiệu dự án trong tương lai. Đó phải là một bữa tiệc tối sang trọng ở Sheraton, phải mời cho được những doanh nhân có tên tuổi, những người giàu có và sang trọng, các quan chức, phải có trình diễn thời trang cao cấp, có hoa hậu và người đẹp, ca sĩ ăn khách… Và không thể thiếu các hoạt động từ thiện, bán đấu giá tranh để gây quỹ cho người nghèo, có vậy mới dễ gây tiếng vang. Không gì thể hiện đẳng cấp một cách quý phái hơn là bỏ một số tiền lớn làm từ thiện ở một nơi sang trọng như Sheraton. Kathy không giấu giếm mục tiêu của chị là sự kiện phải thể hiện được doanh nghiệp của mình và bạn bè thuộc “đẳng cấp” như vậy.

Khi sự kiện diễn ra, những họa sĩ đã tặng tranh cho cuộc đấu giá cũng có chỗ ngồi trang trọng, có lẽ rất tự hào rằng số tiền sẽ được dành để hỗ trợ bệnh nhân nghèo như thông cáo báo chí viết. Nhưng chắc họ không biết, ngay khi sự kiện vừa chấm dứt, toàn bộ tiền mặt và cả tiền chuyển khoản của cuộc đấu giá được lấy ra ngay để góp vào trả cho hóa đơn của Sheraton, mà chắc chắn là không nhỏ. Chuyện từ thiện, để khi nào bệnh viện tư được mở, Kathy sẽ nhớ đến sau. Bây giờ, chị đang vui mừng với thành công của bữa tiệc, nó đã diễn ra sang trọng đúng như mong muốn, khẳng định được đẳng cấp của mình với giới làm ăn.

Danh chính ngôn thuận

Những sự kiện như thế không phải là chuyện lạ. Nhưng giới làm ăn có nhiều người không bao giờ đến những nơi như vậy, cũng không gặp gỡ hay đánh giá đối tác của mình từ những ứng xử kiểu như vung tiền làm từ thiện lấy danh hay đi loại xe gì.

Vậy họ đánh giá đối tác làm ăn bằng cách nào?

Nguyễn Hữu, chủ doanh nghiệp ngành may xuất khẩu, là một ví dụ. Là một người trọng nghĩa khí theo kiểu tính cách người Nam bộ, quan niệm của anh là coi đối tác như một người bạn suốt đời, coi trọng sự trung thành và chia sẻ.

Điều đó cũng không lạ, nếu biết anh Hữu thường trích dẫn Khổng tử và Lão tử, trích dẫn những ngôn từ liên quan đến đối nhân xử thế như: “Danh chính ngôn thuận”, “chính nghĩa”, “tín nghĩa”… để làm kim chỉ nam cho cuộc sống cũng như hành xử trong kinh doanh. Anh tự hào cho rằng, dù không học hành bằng cấp gì về kinh doanh hay quản trị, anh vẫn làm tốt và thành công với những nguyên tắc ứng xử đó, thậm chí nó còn giúp anh rất nhiều những khi kinh tế khủng hoảng.

Ví dụ, ngành may năm 2008 khá lao đao, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, anh cũng gặp khó khăn nhưng đã thương thảo được với đối tác, mỗi bên chịu thiệt ít nhiều để cùng nhau qua cơn khốn khó. Nguyễn Hữu ứng xử có tình, có chữ tín không chỉ với đối tác, mà với cả cộng sự, công nhân. Anh chú ý đến cuộc sống và công việc của họ, và chính cái tình đó giữ họ lại với anh trong khi các doanh nghiệp ngành may khác chứng kiến sự ra đi hàng loạt của công nhân. Đến năm 2011, lúc ngành may và giới kinh doanh nói chung đau đầu vì vốn, anh lại tự tin đầu tư nhà máy mới với số vốn hơn 1 triệu đô la Mỹ.

Theo anh, nếu làm ăn không tính đến mối quan hệ lâu dài, nếu không có chữ tín, chỉ biết chụp giựt tức thời, không biết tiến thoái đúng lúc và san sẻ lợi nhuận cho những đối tác và cộng sự, doanh nghiệp sẽ rất dễ “chết” trong những cơn sốc khủng hoảng. Và anh gọi đó là sự thiếu “chính nghĩa”.

Chuyện làm ăn theo kiểu phô trương đẳng cấp, anh tin rằng nó sẽ không bền lâu. Bởi một người khởi đầu bằng những giá trị rỗng, làm từ thiện dối trá… thì cứ lấy thuyết chính danh mà xét đoán, việc sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian.

Nói chuyện với anh, tôi có một cảm giác như gặp một kết thúc có hậu cho những giá trị tưởng không còn chỗ đứng trong thời cuộc. Cứ như thể mình trở về một ngôi nhà cũ xưa, hình dung nó đã mai một, nhưng nó vẫn nguyên vẹn ở đó, mà kỳ diệu hơn là càng ngày lại càng rất có giá!

“Hạng thương gia”

Người kế tiếp mà tôi gặp là Phi, tốt nghiệp Đại học RMIT ngành Quản trị kinh doanh, hiện nay vừa làm giám đốc sản phẩm một doanh nghiệp sản xuất game online khá lớn, vừa là CEO của doanh nghiệp thiết kế truyền thông mà Phi sáng lập cách đây 10 năm.

Tôi hỏi Phi nghĩ gì về việc những doanh nhân thể hiện mình hay tìm kiếm đối tác thông qua những biểu hiện kiểu phô trương đẳng cấp. Phi cười lớn: “Khoan hãy nói chuyện đạo đức, chị có biết tại sao cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều gọi ghế ngồi hạng nhất, hạng sang trên máy bay là hạng thương gia – business class? Có phải là đã hàm ý thương nhân, doanh nhân có một đẳng cấp và phong cách sang trọng hơn người. Vậy thể hiện điều đó có gì là sai?”.

Tôi nhắc Phi nhớ những gì báo chí gần đây vẫn nói về những tỉ phú Mỹ như Mark Zuckerberg hay Bill Gates và Warren Buffett, rất bình dị và xa lạ với việc phô trương. Phi vẫn bình tĩnh: “Dân làm công nghệ thông tin vốn khác người. Nhưng nếu đã đến khu Manhattan ở New York, sẽ thấy dân kinh doanh không xuề xòa”.

Tôi cắt ngang: “Hình như anh đến đây bằng xe máy Suzuki Viva, loại tung ra cách đây hơn 10 năm, trong khi tôi biết anh có xe hơi, thậm chí hai cái?”.

Phi cười, “tôi chưa nói hết ý, đó là ngay cả dân kinh doanh ở Manhattan, Wall Street sang trọng trong công việc, nhưng trong cuộc sống xài tiền hay ứng xử như thế nào là việc của cá nhân họ. Khi gặp những đối tác cực đoan, nhìn người theo bề ngoài, thậm chí tôi không đi xe hơi của mình, mà lên gara ông anh mượn chiếc “oách” hơn chạy lấy le. Chỉ có cách đó mới đối phó với dạng người thấy người ta đi xe máy thì không thèm tiếp. Nhưng cũng có những người khác hẳn, bề ngoài chỉ là chuyện nhỏ, họ đánh giá đối tác bằng năng lực và cả thái độ trong kinh doanh, tôi sẽ chứng tỏ tôi có thể nói cùng ngôn ngữ với họ. Lúc này đẳng cấp hay không là ở cái đầu. Đáng mừng là kiểu người này nhiều hơn”.

Dường như Phi biết giá trị của mình không nằm trong những thứ anh sắm sửa, chúng chỉ là chọn lựa của anh trong từng trường hợp, hay để phù hợp với các đối tác khác nhau. Dù sao, văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hầu như chưa có gì định hình sau rất nhiều năm bao cấp, nên việc có nhiều dạng văn hóa ứng xử đối ngược nhau cùng tồn tại là dễ hiểu. Văn hóa “thể hiện đẳng cấp” bằng của cải một cách quá lố, có lẽ có nguồn gốc từ chuyện chơi ngông của các công tử địa chủ ngày xưa chăng?

Cũng theo Phi, đầu tư cho hình ảnh doanh nghiệp trở nên đẹp hơn, chuyên nghiệp và sang trọng hơn, là điều bình thường. Nhưng đầu tư lớn nhất chính là nền tảng tri thức, năng lực và đạo đức kinh doanh, cùng bản lĩnh vững vàng, đó mới thực sự là đẳng cấp xứng đáng với “hạng thương gia”. Nếu có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh lâu dài, người ta sẽ biết cách đầu tư như thế nào để đem lại hình ảnh và giá trị bền vững cho cá nhân mình và doanh nghiệp, hơn là phí tiền vào những chuyện chơi ngông.

Phi đang ở độ tuổi ngoài ba mươi, có thể chưa khiến tôi có cảm giác kính trọng như khi nói chuyện với anh Hữu, nhưng hoàn toàn không phải là người để tôi quan sát một cách trào lộng như với Kathy Nguyễn. Đó là lớp doanh nhân trẻ, ứng xử linh hoạt với những giá trị Đông – Tây, mới – cũ, và rất có chính kiến, biết rõ mình là ai, xung quanh mình là ai.

Ai sẽ là nhân vật chính trên chiếc ghế “hạng thương gia” của Việt Nam? Hãy quan sát nhé, tôi dành câu trả lời đó cho bạn.

________

(*) Vì lý do tế nhị và yêu cầu của nhân vật, tên thật các cá nhân trong bài này đã được thay đổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới