Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hà Lan không còn muốn ưu tiên xuất khẩu nông sản để giảm khí thải nhà kính

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với kế hoạch đóng cửa 3.000 trang trại chăn nuôi, Hà Lan đang bắt tay vào quá trình chuyển đổi sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp khi nước này nỗ lực thúc đẩy cắt giảm lượng khí thải nitơ (một trong những khí thải gây hiệu ứng nhà kính) và hồi sinh các vùng đất tự nhiên.

Một trang trại chăn nuôi bò ở Hazerswoude, Hà Lan. Ảnh: Bloomberg

Trả lời trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg, Christianne van der Wal-Zeggelink, Bộ trưởng Bộ Chính sách thiên nhiên và nitơ Hà Lan, cho biết Hà Lan, đất nước nổi tiếng là một trong những nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, không còn muốn ưu tiên xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nữa .

Trong nhiều tháng qua, Hà Lan chìm trong các cuộc biểu tình của nông dân sau khi chính phủ đưa ra mục tiêu giảm lượng khí thải nitơ dựa trên các quy định của Liên minh châu Âu (EU) công bố hồi tháng 6. Nếu thực hiện các mục tiêu này, chính phủ sẽ yêu cầu cắt giảm tới 95% lượng khí thải nitơ ở một số tỉnh để giảm một nửa tổng lượng khí thải nitơ của đất nước vào năm 2030. Kế hoạch đó có thể khiến đàn gia súc ở Hà Lan giảm 1/3 trong 8 năm tới.

Hồi tháng 11, bà Van der Wal-Zeggelink đã vạch ra kế hoạch mua lại 2.000-3.000 trang trại chăn nuôi phát thải nitơ lớn nhất nằm gần các khu bảo tồn thiên nhiên, nhằm xoa dịu cơn giận dữ của nông dân.

“Kế hoạch mua lại một lần” này sẽ kéo dài từ tháng 4 đến cuối năm 2023 với mục đích thuyết phục càng nhiều nông dân tự nguyện rời bỏ chăn nuôi gia súc càng tốt. Bà nói rằng đây sẽ là giải pháp “hào phóng nhất” mà chính phủ sẽ đưa ra, và sau này sẽ không còn thỏa thuận nào hấp dẫn như vậy nữa.

Chính phủ Hà Lan dự tính chi 24,3 tỉ euro để tài trợ cho cuộc chuyển đổi này. Những người nông dân từ chối đề nghị mua lại trang trại sẽ bị buộc phải dừng hoạt động kinh doanh chăn nuôi.

Bà Van der Wal-Zeggelink, người chỉ mới đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Chính sách thiên nhiên và nitơ được gần một năm, nói rằng bà đã đặt mục tiêu rõ ràng. Bà cho biết: “Thiên nhiên của Hà Lan đang ở trong tình trạng thực sự tồi tệ. Chúng ta phải phát triển một hệ thống nông nghiệp mới. Đó là một hệ thống mà thiên nhiên của chúng ta có thể chống chịu được và giúp chúng ta duy trì chất lượng nước tốt cũng như giúp ngành nông nghiệp đóng góp vào các mục tiêu khí hậu”.

Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới, với giá trị xuất khẩu ước tính là 104,7 tỉ euro năm 2021, theo Đại học Wageningen. Gia súc và phân bón là nguồn phát thải nitơ chính.

Bộ trưởng Zeggelink thừa nhận sự thay đổi nói trên sẽ dẫn đến những hậu quả đối với xuất khẩu nông sản của Hà Lan.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh: “Tỷ lệ phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước không phải là mục tiêu đối với chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là giảm phát thải và khôi phục thiên nhiên”. Bà lưu ý rằng 58% diện tích của Hà Lan là đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 1,3% GDP liên quan đến hàng hóa nông nghiệp.

Nông nhân lái máy kéo chặn một tuyến đường cao tốc gần TP. Rijssen, Hà Lan hồi tháng 6 để phản đối chính sách cắt giảm khí nitơ bằng cách đóng cửa 3.000 nông trại. Ảnh: Getty

Để thiết lập lại sự cân bằng, nhiều nông dân sẽ phải từ bỏ hoạt động chăn nuôi của họ, đặc biệt là những khu đất gần các khu bảo tồn thiên nhiên. Viễn cảnh đó đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối kéo dài nhiều tháng qua của nông dân Hà Lan. Họ chặn đường cao tốc rồi đốt rơm rạ, rải phân gia súc, lái máy kéo đến tòa nhà quốc hội ở thành phố The Hague và thậm chí đến phản đối trước tư dinh của bà Van der Wal-Zeggelink.

Bart Kooijman đang nuôi 120 con bò tại khu trang trại rộng 50 hecta ở phía tây Hà Lan. Nếu giới chức trách xúc tiến kế hoạch giảm một nửa lượng khí thải nitơ từ nông nghiệp vào năm 2030, trang trại của ông có thể nằm trong số hàng nghìn trang trại sẽ phải thu hẹp hoặc đóng cửa.

Kooijman, ông bố của hai con, cho biết: “Chúng tôi không muốn đốt lửa hay chặn đường, nhưng nếu chúng tôi không làm gì thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Chúng tôi sẽ bị đuổi khỏi trang trại của chúng tôi”.

Về phần mình, bà Van der Wal-Zeggelink bày tỏ: “Tôi rất vui khi chúng ta sống ở đất nước mà mọi người được phép biểu tình, nhưng những người nông dân đã đi quá xa. Họ đã vượt qua ranh giới của luật pháp, và họ đã vượt qua ranh giới đạo đức khi đến nhà tôi”.

Bà hy vọng kế hoạch tự nguyện mua lại nông trại sẽ giành được sự ủng hộ của nhiều nông dân. Nhưng bà cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch B: trưng thu đất đai. Bà nói chính phủ Hà Lan sẽ quyết định các bước tiếp theo vào mùa thu năm sau.

Thâm canh nông nghiệp và nhiều thập niên không hành động đã tàn phá đa dạng sinh học ở Hà Lan, buộc chính phủ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt. Nhưng cuộc khủng hoảng ở Hà Lan sẽ là lời cảnh báo cho các chính phủ trên toàn thế giới khi một năm hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn kỷ lục buộc họ phải xem xét lại cách sản xuất hàng hóa thiết yếu nhất, đó là thực phẩm.

Trong khi nông nghiệp là một trong những “nạn nhân” lớn nhất của thời tiết khắc nghiệt, thì ngành này cũng là “thủ phạm” lớn của biến đổi khí hậu. Từ trang trại đến bàn ăn, hệ thống thực phẩm tạo ra khoảng 31% lượng khí thải nhà kính toàn cầu mỗi năm.

Bò và cừu thải ra khí metan làm hành tinh nóng lên thông qua cách tiêu hóa thức ăn của chúng. Phân và nước tiểu của chúng là một nguồn phát thải nitơ với khối lượng lớn có thể làm mất cân bằng hệ sinh thái. Sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu trong ngành nông nghiệp cũng “đầu độc” đất đai và nguồn nước. Trong khi đó, nhiều nông dân đang phá bỏ các khu rừng nhiệt đới để nuôi gia súc hoặc độc canh, phá hủy các hệ thống sinh thái, che chở động vật hoang dã và điều hòa nhiệt độ trái đất.

Theo Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO), khí thải nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp đã tăng 14% trong giai đoạn 2000 -2018. Nếu các hành động không được thực hiện nhanh chóng, các nhà nghiên cứu ước tính rằng chỉ riêng khí thải liên quan đến hoạt động sản xuất thực phẩm sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng vượt quá 1,5% so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Đây là một ngưỡng mà các nước đã nhất trí không vượt qua trong Thỏa thuận Paris 2015. Vì vậy, sau nhiều năm tập trung vào nhiên liệu hóa thạch, các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu nhắm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, nông nghiệp có thể mang tính nhạy cảm hơn để giải quyết so với các lĩnh vực như khai thác mỏ, năng lượng hoặc ô tô, vốn nằm dưới sự chi phối của một số ít công ty lớn. Nông dân là một lực lượng gồm hàng triệu người, trong đó nhiều người sở hữu những khu đất nhỏ của gia tộc, thừa kế qua nhiều thế hệ, khiến họ gắn bó với đất đai và nghề nghiệp hơn cả vấn đề lợi nhuận.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới