Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hà Nội mở rộng ra 7 tỉnh láng giềng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hà Nội mở rộng ra 7 tỉnh láng giềng

Tỉnh Hà Tây, phía Tây Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đào tạo, nghiên cứu công nghệ cao – hạn chế phát triển công nghiệp – Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia quy hoạch tổng thể trong và ngoài nước đang trình bản quy hoạch Hà Nội đến năm 2020 lên Chính phủ với mong muốn phát triển Hà Nội trở thành vùng đô thị theo hướng sẽ mở rộng ra 7 tỉnh xunh quanh. 

Sẽ hình thành vùng Hà Nội + 7

Ngày cuối cùng của năm 2007 (31-12) cũng là thời khắc mà bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội sau 4 năm nghiên cứu, điều tra rất quy mô đã đi đến vòng thứ 14 của cuộc xem xét, thẩm định các cấp cao nhất.

Sự cẩn trọng của các nhà nghiên cứu, quy hoạch và quản lý cho thấy quy hoạch vùng Thủ đô rộng lớn nhất lần đầu tiên trong lịch sử không phải là một bản quy hoạch cho có hoặc nói khác đi là quy hoạch “treo” như một số dự án khác.

Đã đến lúc, Hà Nội không thể bó hẹp trong vai trò Thủ đô hành chính của cả nước, cũng không thể chậm chân trong công cuộc phát triển kinh tế hay sự chuyển động đã vượt xa mọi mặt sẵn có.

Kinh tế Thủ đô phát triển đã kéo theo làn sóng di dân từ các nơi về Hà Nội gia tăng mỗi năm với cấp số nhân dẫn đến khả năng quản lý không đáp ứng nổi, ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông đang đè nặng lên hạ tầng “già nua” ở Thủ đô kéo theo hàng loạt những phức tạp khác của đời sống xã hội.

Bản quy hoạch vùng ra đời nếu triển khai đúng hướng sẽ giải quyết bài toán tổng thể không chỉ cho Hà Nội mà còn cho 7 tỉnh có liên quan xung quanh, nhằm giảm tải cho Thủ đô.

Hà Nội sẽ không phát triển bó hẹp theo tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh như trước mà đóng vai trò “anh cả” của 7 địa phương khác.

Nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô do Bộ Xây dựng chủ trì cùng với sự góp sức của hàng chục chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực: kiến trúc, đất đai, dân số, kinh tế, môi trường, giao thông và các mặt tổng thể khác đã đưa ra một diện mạo vùng Thủ đô mới đến năm 2020, trong đó thủ đô Hà Nội là đầu mối trên tất cả các mặt của mô hình vùng kinh tế ở phía Bắc.

Theo quy hoạch này, vùng Thủ đô Hà Nội gồm Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên và Hoà Bình (quyết định số 118/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Diện tích tự nhiên của vùng Thủ đô là 13.436km2, hiện tại có dân số 12.462.000 người (dân số đô thị khoảng 3,3 triệu người, chiếm 26,17% dân số toàn vùng).

Hà Nội chiếm đến 25,6% dân số toàn vùng (3,2 triệu người); Hải Dương và Hà Tây có từ 1,5 đến 2,5 triệu người; Hưng Yên và Vĩnh Phúc có 1 triệu đến 1,5 triệu người. Ba tỉnh còn lại, dân số khoảng 0,8 đến 1 triệu người. Chính sự phân bố không đồng đều này và áp lực di dân đô thị hóa đặt ra bài toán phải “cứu” lấy Thủ đô bằng cái nhìn dài hạn và tổng thể hơn.

Mục tiêu phát triển vùng được đặt ra là phát triển Hà Nội với đầy đủ chức năng và vị thế của một thành phố trung tâm vùng với hệ thống đa trung tâm hiện đại mang tầm khu vực Đông Nam Á. Ở khu vực này sẽ hình thành các trục kinh tế, đô thị động lực dựa trên các khu công nghiệp và du lịch. Hệ thống đô thị sẽ được đầu tư tạo thành các “hạt nhân” trong vùng với hệ thống kỹ thuật diện rộng, kiểm soát dân cư, môi trường và lũ lụt.

Cao nhất là việc quản lý điều hành vùng theo cách mới sẽ tạo ra các các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, hạ tầng một cách có hệ thống và liên kết nhất quán, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào khu vực không lúng túng. Tại Hà Nội, trung tâm tăng trưởng lớn nhất vùng sẽ có 3 khu vực đô thị: đô thị trung tâm, phía Nam sông Hồng như vốn có; khu vực đô thị mới, phía Bắc sông Hồng (huyện Đông Anh) và khu vực đô thị phía Đông (quận Long Biên và huyện Gia Lâm).

Hai hướng tổ chức không gian cho Hà Nội là mở rộng về phía Tây (hướng vành đai vùng: Trôi, Phùng, An Khánh) và giới hạn hành lang thoát lũ sông Đáy (Hà Tây). Trục đô thị còn lại lan tỏa về hướng Đông (Từ Sơn, Văn Giang, Như Quỳnh) tức là các nơi giáp ranh Bắc Ninh và Hải Dương.

Các trung tâm tăng trưởng phía Tây lấy thành phố Hoà Bình làm trung tâm, giao thoa Hà Nội và miền núi Tây Bắc trên cơ sở trục phát triển Láng-Hoà Lạc, tạo ra đô thị Hoà Lạc và đô thị mới Quan Sơn ở phía Nam Hà Tây.

Trung tâm tăng trưởng Đông-Đông Nam lấy đô thị cấp vùng là Hải Dương, nằm trên trọng điểm hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Dương- Hải Phòng.

Trung tâm tăng trưởng Bắc-Đông Bắc là vùng công nghiệp lớn nhất, lấy Vĩnh Yên là đô thị cấp vùng, là đầu mối giao thông tham gia vào hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh-Hạ Long. Ở vùng hàng lang kinh tế quốc tế này, sẽ phát triển đầu mối giao thông tiếp vận (Nội Bài), các trung tâm công nghiệp (Vĩnh Yên-Phúc Yên- Sóc Sơn-Bắc Ninh), công nghiệp nặng ở Đông Triều, Phả Lại (Quảng Ninh), dịch vụ công nghiệp – đô thị ở Chí Linh, Sao Đỏ (Hải Dương) và kết nối các cảng biển.  

Thách thức cho các nhà hoạch định

Quy hoạch không phải là một việc quá sức đối với các chuyên gia. Nhưng biến quy hoạch đó thành hiện thực và quản lý quy hoạch như vùng Thủ đô theo hướng đã vạch ra quả thật là một bài toán khó với các nhà quản lý.

Ngay khi bản quy hoạch được đặt lên bàn Chính phủ, các chuyên gia soạn thảo đã kiến nghị rằng: ưu tiên hàng đầu là phải rà soát, điều chỉnh một số đồ án, dự án đã nghiên cứu, được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với định hướng quy hoạch vùng trên các lĩnh vực. Phải giải quyết một cách cụ thể và hợp lý để tránh gây xáo trộn trên tất cả các mặt cho đời sống kinh tế-xã hội ở địa phương, đặc biệt là tránh ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và tạo ra các cơn “sốt” đất.

Cụ thể hơn, cần xem lại một số dự án quy hoạch xây dựng như quy hoạch chung các thành phố trung tâm tỉnh lỵ, các đô thị mới đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với việc phát triển vùng như một số khu công nghiệp trên quốc lộ 21, chức năng hành chính của các đô thị Hà Đông, Xuân Mai; quy mô của một số đô thị mới như Mê Linh (Vĩnh Phúc), Hoà Lạc (Hà Tây),Văn Giang (Hưng Yên) và một số khu công nghiệp của Hà Nội.

Bộ Giao thông-Vận tải sẽ xác định lại tính chất, quy mô hệ thống giao thông toàn vùng, đặc biệt là dự án vành đai vùng Thủ đô, trục xuyên Á Côn Minh- Hạ Long và quốc lộ 5 mới (Hà Nội- Hải Phòng).

Khi đạt được các điều chỉnh trong vùng, cũng cần đặt cái nhìn tổng thể trong sự phối hợp điều chỉnh với các vùng trọng điểm kinh tế trong cả nước với quy mô bền vững nhất.

Một chuyên gia đầu ngành của Bộ Xây dựng có tham gia chấp bút bản quy hoạch cho hay rằng mong muốn của các nhà quy hoạch là phát triển vùng Thủ đô theo mô hình vùng Ile de France (vùng thủ đô Paris của nước Pháp) gồm 6 tỉnh quanh Paris, có diện tích và dân số tương đương vùng Hà Nội.

Việc Paris lập quy hoạch vùng và điều chỉnh gần nhất năm 2005-2007 trong chuỗi quy hoạch hàng chục năm trước đó đã tạo ra sự liên kết vùng cao nhất, đóng góp 20% GDP cho nước Pháp hàng năm (Hà Nội và các tỉnh lân cận hiện chỉ đóng góp được 10% GDP/năm). Sự phát triển của vùng Ile de France đã biến nơi này thành vùng lớn thứ 5 trên thế giới và tạo ra mô hình quản lý đô thị tốt nhất.

Vùng Hà Nội có trở thành một “tiểu Ile de France” không? Mong muốn đó cũng chính là thách thức cho các nhà hoạch định.  

NGỌC LAN – HẠNH LIÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới