Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hà Nội, TPHCM xin trả lại gần 7.500 tỉ đồng kế hoạch vốn ODA được giao

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hà Nội và TPHCM đã kiến nghị giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát với giá trị lần lượt là 4.500 tỉ đồng và 2.916 tỉ đồng.

Thông tin này được chia sẻ tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 7-10.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính – cho biết lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành đạt 3.166 tỉ đồng tính tới 6-10, bằng 19,03% kế hoạch vốn được giao. Con số này cao hơn hai lần so với số giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại thời điểm Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tháng 6-2021, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kết quả cùng kỳ năm 2019 và 2020.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỉ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.

Kết quả này, theo ông Long, cho thấy việc giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn năm 2021 trong thời gian từ nay tới hết năm – theo mục tiêu Nghị quyết số 63 của Chính phủ – là không khả thi.

Một số đoàn tàu của tuyến Metro số 1: Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh: Lê Anh.

Với các địa phương, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết tỷ lệ giải ngân vốn ODA mới đạt 9,82% kế hoạch. Trong đó, các địa phương gồm Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Còn Sơn La, Quảng Ninh, Phú Yên giải ngân dưới 1%.

Hà Nội và TPHCM – hai địa phương được phân bổ nhiều vốn – có tỷ lệ giải ngân chưa cao. Cụ thể, Hà Nội đã kiểm soát chi 1.361 tỉ đồng, đạt 17,4% kế hoạch vốn.

Với TPHCM, các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được KBNN xác nhận hoàn thành 1.621 tỉ đồng – đạt 12,45% kế hoạch vốn, giá trị hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách là 1.283 tỉ đồng – đạt 9,85%. Còn phần giải ngân giá trị rút vốn, thủ tục hoàn vốn được Bộ Tài chính xác nhận là 866 tỉ đồng – đạt 6,65%.

Hà Nội và TPHCM đều kiến nghị giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát với giá trị lần lượt là 4.500 tỉ đồng và 2.916 tỉ đồng.

Lý giải tình trạng này, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – cho rằng có ba nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Thứ hai, các dự án chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai gồm chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục.

Thứ ba, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều, bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Còn đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết gần như toàn bộ công trường ở các địa phương đều dừng thi công, tư vấn nước ngoài không thể nhập cảnh do dịch bệnh.

“Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với nội dung đề nghị cho phép tự cách ly tại công trường, nhưng chỉ một vài tỉnh cho phép”, đại diện Bộ NNPTNT chia sẻ.

Cũng theo diện bộ này, một số dự án như thuỷ lợi phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Cụ thể, mùa khô có thể thi công nhưng phải dừng vì ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội, tới khi nới lỏng giãn cách thì đã chuyển sang mùa mưa.

Về phía các địa phương, ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – cho biết các vấn đề về giải phóng mặt bằng là vướng mắc thường xuyên của thành phố khi triển khai các dự án đầu tư công, bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án.

Tương tự, bà Phạm Thị Hồng Hà – Giám đốc Sở Tài chính TPHCM – cho biết dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của thành phố, qua đó tác động tới tiến độ thi công và tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án. Ngoài ra, các dự án đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, vật tư thiết bị tới huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát nên tiến độ giải ngân cũng chịu ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, có một số tồn tại chưa thể giải quyết gồm quy trình thủ tục quản lý vốn ODA còn phức tạp, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn dự án mất nhiều thời gian.

1 BÌNH LUẬN

  1. Các tỉnh trung du, miền núi có khả năng phát triển và cần vốn đầu tư nhất thì vốn lại không thể đến được. Điều này chứng tỏ lỗi tại chiến lược phát triển vẫn nặng về xuất khẩu và tập trung cho các thành phố. Rõ ràng đã bỏ việc phân vùng. Nên có cải cách tư duy chiến lược.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới