Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạ tầng kém sinh ra phí “tắc nghẽn cảng”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạ tầng kém sinh ra phí “tắc nghẽn cảng”!

Tàu đang chờ xếp hàng ở cảng Sài Gòn – Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang lo lắng khi nhiều hãng tàu vận tải biển thu phí “tắc nghẽn cảng”, còn các hãng tàu thì cho rằng họ phải thu vì chi phí tàu nằm chờ tại các cảng ở TPHCM đã đội lên cao.  

Rõ ràng câu chuyện phí “tắc nghẽn cảng” vẫn chưa tới hồi kết, dù chính quyền thành phố đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các hãng tàu, còn Chính phủ thì yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành lập Hiệp hội chủ hàng để có cơ sở đàm phán với các hãng tàu.  

Cảng hết nghẽn, hãng tàu vẫn thu 

Mặc dù hiện nay, việc tắc nghẽn các container hàng hóa ở các cảng TPHCM đã đỡ hơn lúc cao điểm vào hai tháng 4 và 5 năm nay, nhưng theo một đại diện bộ phận kinh doanh của hãng tàu HapagLloyd, tình trạng hàng nhập khẩu bị tắc nghẽn vẫn còn không ít thì nhiều.  

Lượng hàng về các cảng đã giảm xuống, hàng trong cảng nằm chờ xếp dỡ đã vơi đi nhưng đại diện này dự đoán rằng, mùa cao điểm hàng xuất nhập khẩu diễn ra vào cuối năm sẽ khiến cho các cảng ở TPHCM sẽ tắc nghẽn trở lại, thậm chí có khi còn nặng nề hơn đợt tháng 4 vừa qua.  

“Nguyên nhân sâu xa là hệ thống hạ tầng cảng biển ở TPHCM không đủ sức kham nổi một khi lượng hàng nhập đổ về quá nhiều, đã dẫn tới tắc nghẽn”, đại diện này cho biết các hãng tàu cũng bị vạ lây khi hàng bị tắc nghẽn.  

Trước đây, khi chưa bị tắc nghẽn, theo lịch trình, tàu chở hàng nhập vào cảng, xuống hàng và sau đó xếp hàng xuất lên tàu theo một khoảng thời gian gần như cả hãng tàu và chủ hàng đều tính toán được. Còn nay, do hàng hóa ứ đọng ở cảng, năng lực xếp dỡ, bãi chứa đều có hạn, nên tàu chở hàng nhập về phải nằm chờ thêm 1-3 ngày mới có thể lấy hết hàng nhập xuống và giải phóng tàu.  

Sau đó, các tàu lại phải chờ chuyển hết container hàng xuất khẩu lên tàu, một khi hàng nhập bị ách tắc thì tác động dây chuyền tới hàng xuất, càng kéo dài thêm thời gian nằm chờ của tàu.  

“Tàu nằm chờ là phát sinh chi phí”, vị này nói. Cụ thể, tàu nằm chờ phải trả thêm phí neo đậu cho cảng, phí thuê container tính theo ngày cũng tăng lên.  

Một hãng tàu của Hàn Quốc cho biết trước kia một container chỉ mất mười ngày cho lịch trình đi từ Hàn Quốc đến Việt Nam nhưng nay khoảng thời gian này lên đến 20, thậm chí 25 ngày, phần tăng thêm chủ yếu là do nằm lại chờ tại các cảng ở TPHCM. Chỉ tính riêng chi phí thuê container 40 feet đã là 4-5 đô la Mỹ/ngày, container 20 feet là 3 đô la Mỹ/ngày thì hãng tàu phải trả thêm tiền phí thuê container không phải nhỏ.  

Do vậy, một số hãng tàu trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại sáng 18-8, đều cho rằng họ buộc phải tính thêm chi phí phát sinh này vào bảng cước phí vận tải và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chính là bên phải trả khoản chi phí tăng thêm này.  

Hồi cuối tháng 7 rồi, hiệp hội các chủ tàu biển tuyến châu Á, châu Âu đều thông báo thu thêm phí mà doanh nghiệp Việt Nam gọi là phí “tắc nghẽn cảng”. Tuy nhiên, theo hãng tàu HapagLloyd, hãng này hiện tại chưa thu phí.  

“Không phải hãng tàu nào cũng thu phí “tắc nghẽn cảng” và cũng không phải hãng tàu nào cũng tách bạch loại phí này để nhà xuất khẩu biết”, đại diện một hãng tàu nói. Qua xác minh tại một công ty xuất khẩu cà phê thì đúng như vậy.

Có hãng tàu không thu phí “tắc nghẽn cảng”. Có hãng tàu thu nhưng tách bạch rõ ràng trong gói cước vận tải để doanh nghiệp xuất khẩu biết được cảng nào tắc nghẽn; hoặc có thu hay không. Thậm chí có hãng tàu không thu phí “tắc nghẽn cảng” nhưng lại tăng cước vận chuyển để bù đắp chi phí.  

“Có hãng tàu đưa cho tôi bảng cước phải trả, ghi rõ cước vận chuyển contianer này là 1.000 đô la Mỹ, cộng thêm với phí “tắc nghẽn” 50 đô la Mỹ (nếu là container 20 feet) hay 100 đô la Mỹ (nếu là container 40 feet) nhưng có hãng chẳng hề tách bạch, cứ nghĩ họ không thu, nhưng tính kỹ lại thì họ đã thu”, đại diện công ty xuất khẩu cà phê cho hay.  

Hậu cần quá yếu  

Không chỉ hạ tầng cảng biển quá yếu kém, không đáp ứng nổi nhu cầu giao thương hàng hóa tăng trưởng nhanh chóng mà theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó giám đốc Công ty giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu DTK, hậu cần (còn gọi là logistics) cho xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam hiện nay quá kém.  

Yếu kém thể hiện từ cảng biển, hệ thống kho hàng, đường sá vận chuuyển hàng hóa, đội ngũ xe kéo container trong nước, sức chịu đựng của cầu đường và nhiều dịch vụ sân sau của giao thương hàng hóa.  

“Nguyên nhân sâu xa của yếu kém nói trên là lâu nay chúng ta chỉ chú trọng tới xuất nhập khẩu, làm sao phải làm cho nhiều hàng xuất khẩu, xuất khẩu sao cho giá được cao mà nhà nước ít quan tâm tới logistics cho xuất khẩu, nó mới chính là đòn bẩy kích thích xuất nhập khẩu”, bà Xuân nói.  

Các hãng tàu đều có chung nhận định như bà Xuân, khi cho rằng các dịch vụ logistics cho xuất khẩu của Việt Nam hiện còn quá kém. Có hãng tàu nói “cực chẳng đã mới thu thêm phí, mà bản chất là tăng cước, để bù đắp chi phí phát sinh tại Việt Nam”.  

Phí “tắc nghẽn cảng”, theo nhiều hãng tàu, là thông lệ quốc tế chứ không riêng gì Việt Nam, tức là phần cước phí vận tải tăng thêm để bù đắp chi phí cho hãng tàu khi gặp các rủi ro trong vận chuyển. Chẳng hạn công nhân một cảng nào ở châu Âu đình công thì hàng xuất khẩu của Việt Nam mà điểm xuống hàng là cảng có công nhân đình công thì hãng tàu sẽ phải thu thêm cước. Hay kênh đào Panama bị nghẽn do nhiều tàu thì hàng đi qua tuyến đường này, chủ hàng phải trả thêm tiền.  

Tuy nhiên, quan điểm của các hãng tàu chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chia sẻ. Một số doanh nghiệp giỏi xoay xở thì tìm cách né tránh phí “tắc nghẽn cảng”, còn lại đa phần đều cho rằng đây là cước phí vô lý mà các hãng tàu bắt chẹt các doanh nghiệp Việt Nam.  

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 60 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các hãng tàu này chiếm 90% thị phần vận tải container tại các cảng TPHCM.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới