Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạ tầng xanh: bài toán giải quyết đa mục tiêu cho đô thị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạ tầng xanh: bài toán giải quyết đa mục tiêu cho đô thị

Trung Chánh

Hạ tầng xanh: bài toán giải quyết đa mục tiêu cho đô thị
Ông Trần Văn Giải Phóng, đại diện tổ chức ISET Việt Nam trình bày tại hội thảo hôm 12-10. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đầu tư hạ tầng xanh ở các đô thị đang là xu hướng của không ít nước trên thế giới. Ở Việt Nam, một số nơi cũng đang bàn chuyện đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng này và được xem là bài toán giải quyết đa mục tiêu những tồn tại của một đô thị.

Tại hội thảo “Tập huấn phát triển hạ tầng xanh cho cộng đồng” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ – địa phương đang thực hiện những bước đi đầu tiên trong đầu tư phát triển hạ tầng xanh – hôm nay, 12-10, ông Trần Văn Giải Phóng, đại diện tổ chức ISET Việt Nam cho biết, hạ tầng xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một đô thị, trong bối cảnh chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Đối với Cần Thơ, theo ông Phóng, từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, ông và các bên liên quan đã nghiên cứu, rà soát tham vấn về các “cú sốc và áp lực” mà địa phương này đang đối mặt.

Theo ông, áp lực và cú sốc đầu tiên xảy ra đối với Cần Thơ là ngập lụt và điều này xuất phát nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do triều cường, phát triển đô thị và mưa.

Dù địa phương đã có nhiều nỗ lực trong ứng phó, đặc biệt, với dự án tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) như làm kè dọc bờ sông, xây dựng các tuyến đường và hệ thống cống xả nước để giảm bớt áp lực ngập lụt. Nhưng, ông Phóng gợi ý, giải pháp ứng phó nên là giải pháp tích hợp, tức xử lý được nhiều mục tiêu khác nhau.

Ngoài ngập lụt, Cần Thơ đang gánh chịu một áp lực khác, đó là ô nhiễm môi trường (nước và không khí). “Chúng tôi đã có dịp quan sát và thấy một loạt công trình thoát nước ở đô thị Cần Thơ, chúng ta đang nhắm đến đơn mục tiêu. Chẳng hạn, các cống thoát nước hiện nay chỉ giải quyết được vấn đề về thoát nước thôi, chứ chưa lồng ghép yếu tố giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông dẫn chứng và nói rằng đây sẽ là cơ hội để lồng ghép yếu tố xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua đầu tư phát triển hạ tầng xanh, trong đó có cây xanh.

Một áp lực khác, đó là vấn đề sạt lở bờ sông và đây là yếu tố mà Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang phải đối mặt rất lớn. “Khi xây dựng bờ kè, cứng hóa dọc bờ sông, chúng ta sẽ làm mất giá trị cảnh quan rất nhiều. Do đó, một số thành phố người ta đã tính toán, lồng ghép yếu tố kỹ thuật, yếu tố công trình kết hợp cây xanh để làm mềm hóa, tạo ra giá trị cảnh quan đẹp hơn”, ông Phóng cho biết.

Theo ông Phóng, khi nói đến hạ tầng xanh đô thị, thì không chỉ là trồng cây xanh diện tích bao nhiêu, mà phải kết hợp với các giải pháp công trình như thế nào đó để vừa đóng góp giảm áp lực ô nhiễm môi trường nước, vừa giảm áp lực dòng chảy mặt để giảm ngập lụt, vừa chống được sạt lở…. “Đó là những yếu tố cần phải cân nhắc đưa vào dự án đầu tư hạ tầng xanh ở Cần Thơ”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên Minh, đại diện Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ của Úc (CSIRO) cho biết, hạ tầng xanh giúp khắc phục được nhiều vấn đề đang tồn tại trên thực tế của một đô thị ở Việt Nam. 

Cụ thể, theo ông, hạ tầng xanh sẽ tạo ra các giá trị cảnh quan, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, tạo đa dạng sinh học, phát triển kinh tế… “Về mặt đa dạng sinh học, đối với một số thành phố như TPHCM hay Cần Thơ, ngày càng ít chim chóc, trong khi ngày xưa có rất nhiều”, ông dẫn chứng.

Theo ông Minh, tính toán của CSIRO cho biết, đối với Úc, nếu hạ tầng xanh đẩy mạnh hơn nữa, thì có thể giảm sử dụng năng lượng đến 20% và giảm nhiệt độ 2-8 độ C tùy nơi và thời điểm.

Một điểm đặc biệt khác, theo ông Minh, phát triển hạ tầng xanh sẽ giúp tăng giá trị của đô thị như giá nhà cửa, đất đai sẽ tăng; thu hút được đầu tư, du lịch và cả thương mại. “Ở những nơi có mảng xanh, người dân thích đến đó hơn. Chẳng hạn, ở Úc có một số nghiên cứu cho thấy người ta sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua sắm ở những nơi có nhiều cây xanh”, ông Minh dẫn chứng.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới