Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

HAGL sẽ “sống nhờ cao su và mía đường”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

HAGL sẽ “sống nhờ cao su và mía đường”

Ngọc Hùng

HAGL sẽ
Chủ tịch HĐQT HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông ngày 23-4 ở TPHCM. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Trong ba năm tới, phần lớn lợi nhuận của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chủ yếu đến từ ngành sản xuất nông nghiệp là cao su và mía đường và một phần dự án bất động sản ở Myanmar. Đây cũng là hướng đi chính của HAGL trong những năm tới chứ không mở rộng qua những lĩnh vực khác.

>>> HAGL cân nhắc bán mủ cao su cho Michelin

>>> Nhà máy chế biến mủ cao su của HAGL tại Lào hoạt động

>>> HAGL dồn vốn cho bất động sản nước ngoài

Phát biểu tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên chiều 23-4 tại TPHCM, Chủ tịch HĐQT HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết trong năm 2012 các ngành nghề mới là cao su, khoáng sản, thủy điện bắt đầu đóng góp vào nguồn doanh thu của tập đoàn và bắt đầu tăng lên trong những năm tới.

“HAGL sẽ sống nhờ cao su và mía đường”, ông Đức nói.

Năm 2012, doanh thu từ cao su là 46 tỉ đồng nhưng năm 2013 dự kiến là 512 tỉ đồng và đạt gần 2.700 tỉ đồng vào năm 2015. Còn mía đường năm nay sẽ mang về cho HAGL số tiền ước chừng 638 tỉ đồng và đến 2015 khi 10.000 héc ta trồng mía đưa vào hoạt động sẽ mang về 1.848 tỉ đồng.

Theo bản kế hoạch mà HAGL trình các cổ đông, trong năm nay, HAGL sẽ trồng 7.000 héc ta cao su để hoàn thành kế hoạch 51.000 héc ta trong giai đoạn 1, và trồng thêm 4.470 héc ta mía để đưa tổng diện tích vùng mía nguyên liệu lên 10.000 héc ta.

Ông Đức cho biết, mặc dù hiện giá cao su trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm nhưng sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cao su của HAGL vì nếu giá còn xuống thấp nữa vẫn có lãi.

“Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong việc trồng trọt, chăm sóc, và tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên hầu như toàn bộ cây cao su đang cho mủ có thể khai thác 12 tháng, trong khi ở Việt Nam chỉ có 7 tháng vì thiếu nước, do vậy năng suất cao hơn khoảng 30% và giá thành chỉ 23 triệu đồng/tấn”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng cho biết, tập đoàn sản xuất lốp xe Michelin đã đề nghị mua mủ cao su nhưng HAGL chỉ có thể bán cho Michelin khoảng 40-50% sản lượng khai thác mỗi năm (nếu hai bên đạt được thỏa thuận) còn lại bán ra thị trường. “Vì cao su là một trong những ngành chủ lực của HAGL trong tương lai nên chúng tôi không thể bán cho một đối tác vì sẽ không an toàn”, ông Đức nói.

Ông Đức nói, hiện toàn bộ lượng đường của nhà máy đường của HAGL ở Lào chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc chứ không đưa về Việt Nam như một số thông tin đã đưa trước đây và hiện công ty đang tìm đối tác để xuất qua châu Âu.

Đối với vấn đề thủy điện, trong những năm tới, HAGL sẽ lấy lợi nhuận từ những dự án thủy điện đã đi vào hoạt động để đầu tư vào các dự án thủy điện đã được cấp giấy phép vì muốn tập trung nguồn tài chính cho dự án bất động sản ở Myanmar. Hiện HAGL đang đầu tư khu phức hợp văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê ở thành phố Yangon, Myanmar và dự kiến đến năm 2014 sẽ đi vào hoạt động. Dự án này chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn của HAGL hiện nay.

Liên quan đến số tiền 16.000 tỉ đồng tiền nợ phải trả, ông Đức cho biết, sở dĩ năm 2012 HAGL có số nợ tăng là do vay vốn để đầu tư vào Lào, Campuchia, Myanmar. Tuy nhiên, ông Đức trấn an các cổ đông rằng hiện HAGL đang có tổng tài sản khoảng 35.000 tỉ đồng nên không quá lo lắng về chuyện trả nợ của HAGL.

Trong báo cáo gửi các cổ đông, năm nay HAGL dự kiến doanh thu là 3.620 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.107 tỉ đồng.

Trong ngày diễn ra họp đại hội đồng cổ đông, giá cổ phiếu của HAGL, mã cổ phiếu HAG giảm 1,85% xuống còn 21.200 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này, từ 22.300 đồng ngày 18-4 xuống còn 21.200 đồng ngày 23-4.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới