Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

HAGL tìm cách bán đường cho DN trong nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

HAGL tìm cách bán đường cho DN trong nước

Ngọc Hùng

Ngày 23-4, tại Đại hội cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức (đứng) nói với báo giới rằng, đường do công ty sản xuất ở Lào sẽ bán qua Trung Quốc và về lâu dài sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu chứ không đem về bán ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phẩn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang tìm cách chào bán khoảng từ 30.000 đến 40.000 tấn đường được sản xuất tại Lào cho doanh nghiệp trong nước là Công ty cổ phần đường Biên Hòa.

>>> HAGL sẽ "sống nhờ cao su và mía đường"

>>> Xuất khẩu đường lúc được lúc không

>>> Mía đường: Nội xuất ngoại nhập

Trước đây, việc HAGL đầu tư sản xuất mía đường tại Lào đã khiến một số doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước lo ngại ngành sản xuất mía đường sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là về giá nếu một khi HAGL đưa đường sản xuất từ Lào về bán ở Việt Nam.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa cho biết, đây chỉ là những hợp tác làm ăn giữa hai doanh nghiệp nhằm giải quyết những khó khăn về nguồn hàng cho nhau.

“Nếu mua đường của HAGL sản xuất tại Lào thì chúng tôi chủ yếu là mua đường thô sau đó tinh luyện lại rồi tiếp tục xuất khẩu qua thị trường khác”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, Công ty đường Biên Hòa mua đường thô của HAGL sản xuất tại Lào để chế biến lại rồi xuất đi nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất và kinh doanh đường của các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hạn ngạch nhập khẩu đường của Việt Nam trong năm 2013  theo cam kết khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là 73.500 tấn đã được Bộ Công Thương cấp hạn ngạch cho một số doanh nghiệp. Hiện lượng đường này đã và đang được các doanh nghiệp cho nhập về.

Vì thế, theo ông Lộc, số lượng đường mà HAGL bán cho Công ty đường Biên Hòa chỉ có thể xuất qua lối mở, biên giới/cửa khẩu phụ.

“Hiện hai công ty có thỏa thuận sẽ mua bán đường cho nhau nhưng chưa thống nhất giá một kí lô gam đường là bao nhiêu nên chưa thể nói cụ thể được”, ông Lộc nói.

Về thông tin này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, xác nhận là hiện công ty ông đang tiến hành đàm phán với đường Biên Hòa để giao dịch số lượng đường như đề cập ở trên.

Trước đây, ngày 23-4-2013, tại đại hội cổ đông của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT đã nói rằng, số lượng đường mà công ty ông sản xuất tại Lào sẽ được bán qua thị trường Trung Quốc và về lâu dài HAGL lên kế hoạch để xuất khẩu sang châu Âu.

Lúc đó, ông Đức nói với báo chí rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc thì HAGL cũng có thể xuất bán cho thị trường Trung Quốc chứ không cần thiết phải đem về Việt Nam như lo ngại của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

Tuy nhiên, hiện tại, ông Đức nói rằng, trong kinh doanh HAGL không thể chỉ chào bán sản phẩm vào một hoặc hai thị trường mà phải đưa đến chào bán ở hàng trăm thị trường khác nhau. "Chúng tôi muốn bán đường do công ty sản xuất ở Lào về Việt Nam là vì có thể bán được giá cao hơn các thị trường khác", ông Đức nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại vào ngày 13-11.

Thời gian qua, xuất khẩu đường của Việt Nam luôn gặp những khó khăn vì tình trạng cấm biên từ phía Trung Quốc. Vì thế, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nếu một khi đường xuất qua Trung Quốc (chủ yếu là tiểu ngạch) gặp khó khăn, cộng thêm đó đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam không được kiểm soát sẽ khiến lượng đường tồn kho của các nhà máy đường lớn, qua đó, ảnh hưởng đến giá đường bán ra. Qua đó, buộc các nhà máy phải mua mía nguyên liệu cho nông dân với mức giá thấp.

Vụ mía đường 2013/2013 đã bắt đầu từ đầu tháng 10 và giá mua mía nguyên liệu tại ĐBSCL có thời điểm chỉ ở mức 850 đồng/kg, mức giá thấp hơn từ 100 đến 150 đồng/kg tùy theo từng địa phương so với cùng kỳ năm trước.

Theo kế hoạch mà HAGL trình cho các cổ đông, năm nay, mía đường sẽ mang về cho HAGL số tiền ước chừng 638 tỉ đồng và 1.848 tỉ đồng năm 2015. Năm 2013, HAGL sẽ trồng thêm 4.470 héc ta mía để đưa tổng diện tích vùng mía nguyên liệu lên 10.000 héc ta tại Lào.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới