Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai điều chưa nói về nợ công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai điều chưa nói về nợ công

Nguyễn Vạn Phú

Hai điều chưa nói về nợ công
Biểu đồ cơ cấu nợ công trong báo cáo mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gửi cho các đại biểu trong kỳ họp cuối năm ngoái. Ảnh TL SGT

(TBKTSG) – Bỗng dưng đề tài nợ công lại trở nên sôi nổi cùng với kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Trong một thời gian ngắn, mọi người được nghe nhiều chuyên gia cũng như các đại biểu bàn thảo nhiều góc cạnh của nợ công. Tuy nhiên, vẫn còn hai vấn đề lớn về nợ công chưa thấy ai đề cập.

Có lẽ ít ai biết tỷ lệ nợ công trên GDP được điều chỉnh giảm mạnh. Bản tin nợ công số 2 của Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2012 là 55,7%. Thế nhưng chiều 30-10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại nói với Quốc hội nợ công năm 2012 bằng 50,8% GDP. Con số nào đúng?

Giả dụ GDP của Việt Nam chừng 3 triệu tỉ đồng thì chênh lệch giữa hai con số nói trên cũng lên đến 150.000 tỉ đồng – vì sao nợ công “giảm” mạnh như thế mà không thấy ai giải thích gì cả. Thật ra, không phải nợ công giảm mà tỷ lệ nợ công so với GDP giảm.

Đó là bởi Tổng cục Thống kê đã điều chỉnh tăng con số GDP theo giá hiện hành, cụ thể GDP năm 2012 vào cuối năm được công bố là 2.950.684 tỉ đồng; bỗng con số này được nâng lên thành 3.245.419 tỉ đồng.

Lúc phát hiện Tổng cục Thống kê có sự điều chỉnh này, TBKTSG đã có bài phản ánh (xem bài Chúng ta vừa giàu hẳn lên! – TBKTSG ngày 12-12-2013) và tiên đoán vì nâng GDP lên nên tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ giảm mạnh. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, không chỉ nợ công trên GDP của năm 2012 mà còn của các năm khác; không chỉ nợ công mà còn các con số liên quan được tính theo GDP như bội chi ngân sách hay GDP đầu người…

Chính vì thế, các con số do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra trước Quốc hội cần phải được đón nhận và hiểu đó là các con số đã được điều chỉnh mạnh. Ví dụ, ông Dũng nói nợ công năm 2011 bằng 50% GDP, năm 2012 là 50,8% GDP, năm 2013 là 54,2%, năm 2014 ước khoảng 60,3% và năm 2015 là 64% GDP. Trong khi đó Bản tin nợ công số 2 lại dùng con số chưa điều chỉnh nên tỷ lệ cao hơn nhiều (nợ công năm 2011 bằng 54,9% và nợ công năm 2012 như đã nói ở trên bằng 55,7% GDP).

Nếu GDP không được Tổng cục Thống kê điều chỉnh, có lẽ nợ công năm nay đã vượt ngưỡng an toàn do Quốc hội đề ra.

Điều thứ hai chưa thấy ai đề cập là việc Bộ Tài chính đã lỡ hẹn trong nhiệm vụ công khai số liệu về nợ công. Theo Nghị định 79/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công thì Bộ Tài chính có nhiệm vụ phát hành bản tin về nợ công, cứ sáu tháng một lần bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Anh dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên trang điện tử của Bộ Tài chính.

Thế nhưng trên trang web của Bộ Tài chính cho đến nay mới chỉ có hai bản tin nợ công, bản tin gần đây nhất chỉ đưa số liệu của năm 2012. Cứ cho là số liệu phải có độ trễ sáu tháng thì cho đến nay ít nhất Bộ Tài chính đã phải có bản tin số 3 và số 4 đưa ra những số liệu về nợ công cập nhật đến cuối năm 2013.

Một trong những nội dung cần có trên các bản tin của năm 2013 là phần giải thích sự chênh lệch các tỷ lệ như đã nói ở trên, bằng không giữa bản tin số 2 và các bản tin sau sẽ có sự thiếu nhất quán rất lớn.

Nghị định 79 nói rõ: Bộ trưởng Bộ Tài chính công khai, cung cấp thông tin về tình hình vay, trả nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật thông qua hình thức phát hành bản tin về nợ công. Chỉ cần thực hiện đúng như thế chúng ta đã có một bước tiến lớn trong quản lý và giám sát nợ công. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới