Hai “hòn đá tảng” trong đàm phán FTA Việt Nam – EU
Ngọc Lan (ghi)
![]() |
Xuất khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam sang EU đang chờ đợi kết quả đàm phán FTA giữa hai bên Ảnh:TL |
(TBKTSG Online)- Ông Karen De Gucht, Cao ủy Thương mại Châu Âu nói với báo giới tại Hà Nội hôm 8-3, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh EU- ASEAN rằng: Có hai “hòn đá tảng” trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tư do (FTA) giữa Việt Nam và EU.
Đó là viêc Chính phủ Việt Nam xác định thế nào vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế và cách tiếp cận, quan điểm về mua sắm Chính phủ (hay nói khác đi là độ mở của mua sắm công).
Về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU trong thời điểm các bên đang đàm phán FTA, ông De Gutch cho rằng: “EU và Việt Nam trao đổi đầu tư thương mại với nhau khá lớn. Tôi nghĩ mối quan hệ đang đi đến những thời điểm đúng đắn. Và bước tiếp theo là mối quan hệ kinh tế một cách ổn định và bền vững”. Ông muốn nói rằng cần phải tiến tới khu vực tự do mậu dịch (FTA) một cách đầy đủ để mối quan hệ này còn phát triển hơn nữa.
* Kinh tế Châu Âu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, theo ông sẽ chịu tác động thế nào khi Mỹ thông qua gói cắt giảm ngân sách trị giá 85 tỉ đô la Mỹ?
Ông Karen De Gucht: Những gì diễn ra ở Mỹ là trách nhiệm của Mỹ. Tôi nghĩ sẽ không tác động mạnh đến thế giới, cho dù thực tế có tác động ở mức độ nào đó đến châu Âu và xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng chúng ta không nên trầm trọng và bi quan hóa những vấn đề này. Cũng có khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu sẽ tăng, sau khi việc vào thị trường Mỹ sẽ trở nên thu hẹp. Nhưng Việt Nam và Châu Âu còn có nhiều lựa chọn giao thương khác.
Nếu theo dõi quan hệ thương mại song phương hay đa phương, xuyên suốt thời gian dài qua, chúng ta luôn thấy có những thay đổi nhất định. Đó là quy luật.
Chúng ta phải tính đến những quan hệ bền vững trong tương lai dài và đăt trong bối cảnh cụ thể. Việt Nam –EU làm sao phải đạt được khung thương mại mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. Làm sao sự tăng trưởng đó được kiểm soát một cách bền vững. Đó là cái đích mà chúng tôi hướng đến.
*EU hiện đang đàm phán FTA cùng lúc với nhiều quốc gia ASEAN. Song tiến trình đàm phán đến nay chưa hẳn đã kết thúc hoàn toàn ở Singpore. Các quốc gia khác mới dự kiến cột mốc kết thúc. Như FTA với Việt Nam, mong muốn hai bên đàm phán xong trong năm 2014. Các thách thức lớn mà EU gặp phải trong quá trình đàm phán là gì?
– Việc đàm phán FTA với Singapore thực chất đã kết thúc. Chúng tôi đã chuyển sang đàm phán đầu tư. Tôi nghĩ việc này sẽ không khó khăn và chúng tôi tin rằng sẽ được Quốc hội cả hai phía thông qua. Chúng tôi cũng tin rằng, về phía EU , khi đàm phán kết thúc thì các bước còn lại là thông qua tại Nghị viện Châu Âu cũng sẽ thuận lợi.
Điều thứ hai liên đến Việt Nam. Tôi không dùng từ khó khăn ở đây, nhưng nếu có hòn đá tảng cho đàm phán và thành công thì có lẽ sẽ liên quan đến quan điểm, vị thế của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (DNNN); quan điểm và cách tiếp cận của Việt Nam về mua sắm của chính phủ. Đây là hai vấn đề đòi hỏi quyết tâm chính trị cao mới làm được.
* Theo ông, đến nay độ mở nền kinh tế Việt Nam ở mức nào và vai trò của DNNN ở Việt Nam, cần tái cấu trúc thế nào?
-Việt Nam đã đổi mới hơn 20 năm nay và đang trông đợi thêm những bước đột phá. Độ mở của nền kinh tế chủ yếu liên quan đến sự cạnh tranh giữa các công ty. Làm thế nào mà nhà nước không can thiệp vào sự cạnh tranh này, mà tạo ra môi trường pháp lý cho các công ty có sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng. Tất nhiên ở một vài lĩnh vực có thể độc quyền nhất định. Nhưng mọi người đều biết tái cơ cấu DNNN là rất quan trọng, rất khẩn cấp đối với nền kinh tế, và trách nhiệm của nhà nước phải làm việc này.
Tôi hy vọng rằng, nếu Việt Nam tích cực cải thiện vai trò của DNNN, sẽ dẫn đến nền kinh tế mở hơn. Ngay từ vòng đàm phán đầu tiên, chúng tôi đã chia sẻ rằng trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam ở đây. Và chúng tôi luôn quan tâm đến lĩnh vực này trong suốt quá trình đàm phán.
Thương mại giữa ASEAN và EU tăng 12,6%, lên đến 234,8 tỉ đô la Mỹ năm 2011, trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN tăng 7,2%, tổng cộng 18,2 tỉ đô la Mỹ. Năm 2012, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN và tiếp tục là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Đối với Việt Nam, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu hàng đầu. Năm 2012, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 29,1 tỉ đô la Mỹ; trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 20,3 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu từ EU đạt 8,8 tỉ đô la Mỹ. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2012, EU có 1.781 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 33,4 tỉ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng.
(Nguồn: Bộ Công Thương) |