Hai mặt của những con số
Phương Quỳnh
![]() |
Minh họa: Khều. |
(TBKTSG) – Các số liệu kinh tế sáu tháng đầu năm 2010, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) công bố hồi tuần rồi, cho thấy nền kinh tế đang hồi phục tốt. Trước đó, tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Kiên Giang, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tốt hơn so với nhiều nước khác. Kinh tế tăng trưởng là điều đáng mừng nhưng trên thực tế liệu người dân có được hưởng những thành quả mà sự tăng trưởng này mang lại?
>> Cần khởi động sự tăng trưởng về chất
>> Chậm triển khai các giải pháp trung, dài hạn
Lạc quan từ những con số
Nhận định của Bộ KHĐT trong báo cáo về tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm cho rằng nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong sáu tháng qua. Tốc độ tăng GDP 6-6,1% (quí 1 tăng 5,83%, quí 2 là 6,2-6,4%), trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%; dịch vụ tăng 6,8-7,2%.
Điều đáng chú ý hơn nữa trong báo cáo nói trên là nhận định “tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước”.
Đơn cử như giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (sáu tháng đầu năm 2009 công nghiệp chỉ tăng có 4%); giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5,34% (theo giá cố định); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng đến 26,7% (theo giá thực tế). Xuất khẩu phục hồi, đạt 32 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước…
Ở góc độ giá cả, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lại tiếp tục tăng nhẹ 0,22% so với tháng trước. Vì vậy, sáu tháng đầu năm CPI chỉ tăng 4,7-4,8% (so với tháng 12 năm trước), và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trả lời báo Tiền Phong, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết đến thời điểm hiện tại mọi tình huống về giá cả đều được cơ quan này dự phòng tỉ mỉ. “Chúng tôi đang tính toán để cố gắng kiềm chế mức tăng giá các tháng cuối năm quanh ngưỡng 0,3%/tháng. Nếu làm được thì CPI cả năm có thể ở mức 7%”, ông Thỏa nói.
Còn Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung lạc quan cho rằng “nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ mà chúng ta chưa thể hình dung ra vào thời điểm này năm ngoái” (theo báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 25-6-2010).
Vậy mà doanh nghiệp và người dân dường như không đồng cảm với sự lạc quan của các nhà điều hành kinh tế. Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất ở khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM, than thở: “Một tuần cúp điện ít nhất hai ngày, lương công nhân không những phải trả như bình thường mà còn phải tốn tiền tăng ca. Hàng họ đọng lại cả đống, khách hàng than phiền đòi cắt hợp đồng. Chẳng biết kêu ai cho thấu”.
Sáu tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu một khối lượng vàng trị giá 1,34 tỉ đô la Mỹ, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời gian này, lượng vàng nhập khẩu là 308 triệu đô la, tăng 378% so với cùng kỳ. |
Các doanh nghiệp lớn cũng không thoát khỏi cảnh khổ vì nạn cúp điện triền miên. Tổng công ty Giấy Sài Gòn cho biết trong hai tháng 5 và 6 doanh nghiệp này đã bị thiệt hại đến 3 tỉ đồng vì thiếu điện sản xuất. Sản lượng của tổng công ty bị giảm hơn 30%, tiến độ thực hiện các đơn hàng xuất khẩu và trong nước đều bị chậm.
Không khó để nhận ra chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2009 do giá điện tăng, than tăng, xăng tăng, lãi suất tăng (do không còn được hỗ trợ 4% lãi suất theo chương trình kích cầu của năm ngoái)…
Hệ quả là trên thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu đã và đang trong xu hướng tăng giá (xem TBKTSG số ra ngày 24-6-2010). Dưới mắt người dân, mặt bằng giá mới đã được thiết lập và đa số người dân, nhất là ở vùng nông thôn, đang phải gồng mình xoay xở với chuyện cơm áo gạo tiền do giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ. Và gần đây, chính quyền Hà Nội và TPHCM đã quyết định chi ra tổng cộng gần 900 tỉ đồng để bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu từ cuối tháng 6 cho đến qua Tết Tân Mão. Những động thái này cho thấy tình hình giá cả không phải là không đáng lo.
Lo lắng cũng từ những con số
Rõ ràng đã có sự lệch pha trong cách nhìn nhận thực trạng nền kinh tế. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mỗi người có góc nhìn riêng. Vậy với các chuyên gia phân tích kinh tế, họ nhìn nhận ra sao về những số liệu kinh tế sáu tháng đầu năm?
Một chuyên gia không muốn nêu tên phân tích: tăng trưởng GDP ở phía cung, theo số liệu của Bộ KHĐT, khoảng 6,1%; trong khi đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ theo giá thực tế tăng 26,7%. Nếu trừ yếu tố trượt giá, tổng mức bán lẻ còn tăng trên 15%.
Điều cần lưu ý là trong tổng mức bán lẻ chỉ có khoảng 20% là bán cho sản xuất và khoảng 20-25% lượng nhập khẩu được sử dụng cho tiêu dùng cuối cùng. Hơn nữa theo tính toán sơ bộ thì mức tăng về tồn kho của sáu tháng đầu năm 2010 cũng rất cao (khoảng từ 12-14%, đã loại trừ yếu tố giá).
Như vậy phải chăng người dân lấy tiền để dành, tích tụ từ các năm trước ra tiêu dùng “xả láng” trong sáu tháng đầu năm 2010? Và nếu đúng như vậy thì đâu là động cơ để người dân sẵn sàng mở hầu bao ra tiêu xài? Nếu không như vậy thì điều này cho thấy tiêu dùng cuối cùng thông qua tổng mức bán lẻ tăng mạnh là do dùng hàng nhập khẩu, đây là điều đáng quan ngại.
Liên quan đến sản xuất, bất chấp tình trạng cúp điện luân phiên kéo dài trong mấy tháng qua, dù nạn hạn hán hoành hành, tình hình dịch bệnh, rồi ruộng đồng bị nhiễm mặn… theo báo cáo của Bộ KHĐT, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 13,8% và nhóm ngành nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 5,34%. Tính chung lượng sản phẩm vật chất được làm ra trong sáu tháng tăng không quá 10%, trong khi đó mức tăng về tồn kho cũng như tổng mức bán lẻ đều cao. Đây là một nghịch lý, trong khi giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ cũng chỉ tăng 6,8-7,2%.
Một điều nữa là giá trị sản xuất của cả ba nhóm ngành gồm nông, lâm, thủy sản; công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, đều tăng trưởng cao hơn giá trị gia tăng của chúng. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng giá của chi phí đầu vào cao hơn sự tăng giá của thu nhập khá nhiều, nhưng giá cả cuối cùng (CPI) trong ba tháng gần đây lại tăng rất chậm.
Những hiện tượng này thật khó lý giải. Nếu như tình trạng thiếu điện không nghiêm trọng như mấy tháng qua có lẽ sản xuất còn tăng cao hơn nữa? Phải chăng khô hạn không ảnh hưởng gì đến mùa màng? Giá các loại chi phí đầu vào như xăng dầu, than, điện, sắt thép… tăng cũng không ảnh hưởng bao nhiêu đến giá cả cuối cùng của nền kinh tế?
Tương tự, sự phục hồi của xuất khẩu cũng ẩn chứa sự không bền vững khi lệ thuộc rất lớn vào sự biến động giá trên thị trường thế giới mà không có một thay đổi căn cơ nào về cơ cấu hàng xuất khẩu. Hơn 4,3 tỉ đô la Mỹ tăng thêm trong kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm là nhờ giá thế giới tăng.
Hoặc như hàng dệt may sáu tháng đầu năm có giá trị xuất khẩu lên đến 4,8 tỉ đô la, tăng 17%, nhưng để làm ra con số đó, Việt Nam phải nhập 2,5 tỉ đô la tiền vải các loại, 1,2 tỉ đô la tiền nguyên phụ liệu, gần 1 tỉ đô la bông và sợi…
Một mặt hàng khác là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng trong sáu tháng đầu năm là hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 31%, nhưng cùng thời gian này kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này cũng lên đến gần 2,2 tỉ đô la Mỹ.
Xuất khẩu khoáng sản cũng là một trong những vấn đề cần được nói đến. Ngoài than đá và dầu thô có khối lượng xuất khẩu giảm (lần lượt là 12% và 46,3%, nhưng kim ngạch lại tăng hoặc chỉ giảm chút ít do giá thế giới tăng cao), còn các loại quặng khác thì khối lượng xuất khẩu lại được đẩy lên rất cao (873.000 tấn, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm trước). Liệu số tiền 51 triệu đô la Mỹ thu về từ xuất khẩu quặng (chỉ tăng gần 17% so với cùng kỳ) có bù đắp được sự thiệt hại về môi trường do hoạt động này gây ra?
Có lẽ đã đến lúc nên nghĩ đến việc cân đối giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, về vai trò của khu vực kinh tế quốc doanh, tư nhân và cả khu vực phi chính thức (các đơn vị sản xuất kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không có giấy phép). Chính thị trường nội địa đã giúp Việt Nam vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2009. Chính khu vực kinh tế phi chính thức đã đóng góp đến 20% GDP và thu hút đến 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động của cả nước (số liệu được công bố tại cuộc hội thảo quốc tế hồi đầu tháng 5-2010).
Các chính sách kinh tế, vì vậy, nên nhắm đến việc nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ ở trong nước thay vì tiếp tục khuyến khích lĩnh vực gia công xuất khẩu để phải lệ thuộc vào sự thăng trầm của giá cả thế giới hay các tổ chức trung gian mua hàng xuất khẩu.
Những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu sáu tháng đầu năm 2010 – Tốc độ tăng GDP: 6-6,1% – Giá trị sản xuất công nghiệp: tăng 13,8% – Sản xuất nông, lâm và thủy sản: tăng 5,34% – Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ: tăng 26,7% – Xuất khẩu: 32,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,7% – Nhập khẩu: 38,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,4% – Vốn FDI giải ngân: 5,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,9% – Kiều hối: khoảng 3,6 tỉ đô la Mỹ Nguồn: Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước |