Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai mũi tên nhắm đến nhiều đích

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai mũi tên nhắm đến nhiều đích

Hồ Bá Tình

(TBKTSG) – Tuần qua, trong cùng ngày 8-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hai thông tư quan trọng nhằm chuẩn bị những nền tảng cho việc giảm lãi suất đồng thời kiểm soát chặt dòng vốn ngoại tệ.

Chặn ngân hàng lách luật

Thông tư số 04/2012/TT-NHNN, có hiệu lực từ 2-5 và thay thế cho Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN, quy định các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được nhận đầu tư ủy thác từ cá nhân. Đối với tổ chức, vào thời điểm ủy thác cho vay thì không có dư nợ tín dụng tại các TCTD trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Như vậy, so với trước đây, đối tượng ủy thác đã bị thu hẹp khá nhiều và điều kiện cũng khắt khe hơn.

Thời gian qua, thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư và cho vay, không ít ngân hàng đã huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định. Lần này, bằng Thông tư 04, NHNN đã chặn cánh cửa này trước khi chính thức công bố giảm trần lãi suất huy động 1 điểm phần trăm, xuống còn 13%. Mặc dù thông tư này khiến cho việc huy động vốn của các ngân hàng nhỏ, thanh khoản kém, thêm khó khăn nhưng điều quan trọng hơn là nó lập lại trật tự, kỷ luật trong hệ thống tài chính.

Với Thông tư 03 và Thông tư 04 mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước hướng đến mục tiêu quản lý hoạt động cho vay ngoại tệ, giảm thiểu tình trạng đô la hóa và kiểm soát dòng ngoại tệ.

Ngoài ra, Thông tư 04 còn quy định dư nợ cho vay từ nguồn vốn ủy thác được tính vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Với quy định này, các ngân hàng cũng không thể lách hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp và khả năng tăng lợi nhuận cũng bị hạn chế.

Ngoài ra, tại điều 7 của Thông tư 04, NHNN còn yêu cầu các TCTD hàng tháng phải báo cáo tình hình thực hiện nghiệp vụ ủy thác. Điều này có thể giúp cơ quan quản lý và điều hành thị trường tiền tệ nắm chính xác tình hình tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Quản lý đường đi của dòng ngoại tệ

Thông tư 04 quy định khá chi tiết về việc ủy thác đầu tư đối với vốn bằng ngoại tệ. Theo thông tư này, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác bằng ngoại tệ, phải thực hiện các quy định của NHNN về việc cho vay bằng ngoại tệ và các quy định về quản lý ngoại hối. Ngay cả trong trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác từ ngân hàng mẹ vẫn phải thực hiện các quy định về vay và trả nợ nước ngoài.

Để đảm bảo việc thực hiện các quy định của Thông tư 04 một cách nghiêm túc, trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2012, quy định chi tiết việc cho vay bằng ngoại tệ. Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối chỉ có thể cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ trong hai trường hợp. Thứ nhất, cho vay thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu nếu khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ từ nguồn thu sản xuất – kinh doanh. Thứ hai, cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu. Các khoản vay vốn bằng ngoại tệ nằm ngoài hai trường hợp trên phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc NHNN. Ngoài quy định này, NHNN còn yêu cầu TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hàng tháng phải báo cáo về tình trạng dư nợ bằng ngoại tệ.  

Như vậy, thông tư 03 và 04 của NHNN mới ban hành đã nhắm tới nhiều đích. Thứ nhất, quản lý chặt chẽ việc tuân thủ trần lãi suất huy động và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Điều này nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả của các chính sách vĩ mô và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống. Thứ hai, NHNN hướng đến mục tiêu quản lý hoạt động cho vay ngoại tệ, giảm thiểu tình trạng đô la hóa và kiểm soát dòng ngoại tệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới