Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai thương vụ M&A bất động sản ‘bom tấn’ ở TPHCM được kích hoạt

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại các diễn đàn về đầu tư năm ngoái nhiều chuyên gia đưa ra dự báo năm 2022, các thương vụ M&A “khủng” ngành bất động sản sẽ tiếp tục xuất hiện trên thị trường. Đúng như dự đoán, ngay từ quí 1 năm nay thị trường đã xuất hiện những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) dự án có quy mô hàng tỉ đô la.

Mới đây, Tập đoàn Novaland và Công ty cổ phần Phát triển Tài Nguyên đã làm lễ khởi động dự án Grand Sentosa (huyện Nhà Bè, TPHCM) sau hơn 10 năm tạm dừng thi công.

Dự án này được quy hoạch là một tổ hợp thương mại dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, với diện tích tổng khu hơn 8,3 hecta, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm căn hộ, nhà phố thương mại…

Dự án Kenton Node được sang tay cho chủ đầu tư mới sau 13 năm ngưng trệ. Ảnh: DNCC

Theo thông báo được phát đi, Tập đoàn Novaland sẽ đóng góp nguồn lực và kinh nghiệm của mình để cùng xây dựng dự án trở thành một công trình biểu tượng tại vị trí cửa ngõ khu Nam TPHCM. Tập đoàn Novaland cam kết phát triển và đưa dự án Grand Sentosa vào vận hành theo đúng tiến độ dự kiến trong năm 2024.

Grand Sentosa vốn có tên gốc Kenton Residences tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009. Dự án gồm 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu đô la.

Đầu năm 2010, dự án mở bán 100 căn hộ giai đoạn một, giá 1.566 – 2.250 đô la/m2. Đến giữa năm 2010, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng khiến dự án bị ngưng lại.

Tháng 5-2017, dự án đổi tên thành Kenton Node, được công bố khởi động lại với số vốn hơn 1 tỉ đô lavới nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế… Khi đó, dự án được BIDV và MSB rót vốn hơn 1.000 tỉ đồng để hồi sinh. Tuy nhiên, dự án cũng ngưng lại sau đó một năm.

Thậm chí, dự án này còn được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ 4.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Phát triển Tài Nguyên và nhiều lần bị BIDV đưa ra đấu giá để thu hồi nợ.

Một dự án khác là dự án The Global City trước đây được biết đến tên gọi Sài Gòn Bình An, đã chính thức về tay đơn vị mới là Masterise Homes vào tháng 1-2022. Dự kiến trong tháng 3 tới đây, dự án sẽ mở bán những sản phẩm đầu tiên với mức giá khoảng 300 triệu đồng/m2 xây dựng cho một căn nhà phố có diện tích khoảng 100m2 và chủ đầu tư dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành trong 48 tháng.

Siêu dự án Sài Gòn Bình An đã có chủ đầu đầu tư mới sau hai lần chuyển nhượng. Ảnh: V.Dũng

Dự án này nằm mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, kết nối vào đường dẫn cao tốc TPHCM – Dầu Giây, có diện tích khoảng 117,4 hecta. Dự án này trước đây của Công ty HimLam sau đó chuyển nhượng cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hiện nay đã về tay Masterise Homes. Dự án này ban đầu được quy hoạch là khu sân golf 18 lỗ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu nhà ở thấp, cao tầng. Nhưng hiện đã được điều chỉnh quy hoạch thành một khu đô thị cao cấp.

Theo công bố từ Masterise Homes, đơn vị này đã ký kết với công ty thiết kế kiến trúc hàng đầu thế giới là Foster+Partners để quy hoạch và thiết kế dự án The Global City. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị toàn cầu hiện đại, một “downtown” mới (trung tâm thứ hai) của TPHCM.

Để thực hiện dự án này, Masterise Homes đã huy động qua trái phiếu trong giai đoạn 2021 và những ngày đầu năm 2022 lên tới 22.075 tỉ đồng (gần 1 tỉ đô la).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới