Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai trở ngại lớn hạn chế thu hút đầu tư của TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai trở ngại lớn hạn chế thu hút đầu tư của TPHCM

Hùng Lê

Hai trở ngại lớn hạn chế thu hút đầu tư của TPHCM
Ông Lê Thanh Hải (bìa phải) đang trao đổi với DN FDI trong buổi gặp hôm nay. Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Công nghiệp phụ trợ quá yếu kém và thiếu nguồn lao động có tay nghề, có chất lượng là hai trở ngại lớn hiện nay của TPHCM trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đây là phản ánh của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn TPHCM tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn dịp Tết Ất Mùi năm 2015 do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 4-3.

Khác với mọi năm, những phản ánh bức xúc, vướng mắc của Hiệp hội doanh nghiệp các nước, nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị lần này về môi trường đầu tư của thành phố như thủ tục hành chính, hải quan, thuế… không còn nhiều. Tuy nhiên sự yếu kém về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như nguồn lao động có chất lượng đang đặt ra nhiều trở ngại cấp bách mà theo các doanh nghiệp, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần có hướng khắc phục sớm.

Theo các doanh nghiệp, nếu không giải quyết sớm, hai vấn đề tồn tại lớn này sẽ cản trở sức cạnh tranh trong kinh doanh của họ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

Công nghiệp hỗ trợ quá yếu kém và không cải thiện

Liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, theo các doanh nghiệp, dù họ đã ý thức tự thân cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều vì công nghiệp hỗ trợ trong nước quá yếu kém.

Công ty TNHH Công nghiệp Towa (VN) của Nhật Bản đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp bộ phận chi tiết máy chính xác chất lượng cao tại khu chế xuất Tân Thuận đang gặp khó khăn này. Theo ông Yutaka Watanabe, Tổng giám đốc Công ty, dù nhà máy sản xuất của Towa đã hoạt động khoảng 20 năm nay nhưng việc tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại nhà máy rất khó khăn, dẫn đến kém cạnh tranh, nhất là tiền lương tối thiểu cho người lao động Việt Nam hiện đã được điều chỉnh lại theo hướng tăng lên.

Nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chíp lớn nhất của Intel trên toàn thế giới đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM cũng đang gặp khó khăn này. Kể từ khi bắt đầu sản xuất vào giữa năm 2010 đến nay nhà máy Intel Products Việt Nam đã phát triển hoạt động sản xuất nhanh chóng với các dòng sản phẩm có chất lượng cao cũng như thu hút một lượng lớn lao động với hơn 1.150 người đang làm việc. Tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Intel Việt Nam hiện cũng rất thấp.

"Những năm gần đây, chúng tôi đã nghe thấy sự cấp bách của phát triển chuỗi cung ứng địa phương và các ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong số đó. Intel muốn hỗ trợ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã tập trung vào điều này, nhưng nó không đủ", bà Sherry S Boger, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam chia sẻ.

Bà Boger cũng đề nghị Chính phủ xem xét các ý tưởng thành lập cụm "cluster" (cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ) với các ưu đãi hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư có thể cung cấp nguyên vật liệu và các sản phẩm với giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt và khả năng tiến bộ công nghệ.

Sự yếu kém về công nghiệp hỗ trợ trong nước không còn là khó khăn riêng lẻ của từng doanh nghiệp, mà các Hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu, Mỹ, Nhật… tại Việt Nam cũng lên tiếng yêu cầu cải thiện sớm.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH), tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 14% so với hơn 20% của doanh nghiệp Nhật ở Thái Lan và thấp hơn nhiều ở các nước khác. Điều này theo ông Yasuzumi nếu Chính phủ không hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển sẽ rất khó cạnh tranh với các nước.

Nhân lực yếu và thiếu

Vấn đề nguồn nhân lực yếu và lao động có chất lượng cao thiếu cũng làm cản trợ sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Đức Chí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Global Cybersoft Việt Nam, việc thiếu nguồn lao động có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp ông. Ông Chí khẳng định tiềm năng thị trường cho lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp ông hiện rất lớn nhưng do việc mất cân đối giữa cung – cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin nên gây nhiều khó khăn và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng gay gắt hơn.

Intel Products Việt Nam cũng cho biết đã phải chi đến hơn 22 triệu đô la Mỹ đào tạo nguồn lao động cho công ty cũng như cộng đồng.

Ông Võ Quang Huệ, thành viên Ban điều hành Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cũng cho rằng TPHCM ngày càng phát triển, nhu cầu tìm kiếm các ứng viên đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ học thức và tay nghề trong các ngành nghề cũng tăng cao. Do đó, thành phố cần đầu tư và phát triển hơn trong ngành giáo dục. Theo ông Huệ, rất nhiều trường hợp, các doanh nghiệp châu Âu đã chọn thành phố là nơi để thành lập cơ sở và viện đào tạo giáo dục nhằm góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực của thành phố, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Ngoài hai trở ngại lớn nói trên, tại Hội nghị, dù không phản ánh nhiều yếu kém, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng để tăng cường thu hút đầu tư vốn nước ngoài, thành phố cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa và cần minh bạch, rõ ràng hơn trong các quy định về hải quan, thuế.

Đại diện doanh nghiệp Mỹ kiến nghị Việt Nam xem xét lại quy định mới về cấp visa đối với công dân Mỹ. Vì theo quy định mới visa chỉ có thời gian lưu trú 3 tháng và được cấp 1 lần thay vì 1 năm và nhiều lần như trong thời gian qua. Điều này có tác động rất tiêu cực đến các nhà đầu tư Mỹ.

Lãnh đạo TPHCM cam kết tạo thuận lợi

Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM khẳng định các doanh nghiệp FDI đóng vai trò cực kỳ quan trọng và không thể thiếu được trong nền kinh tế thành phố.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, tác động tích cực của các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ thể hiện qua các con số nêu trên bởi các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần đưa vốn vào mà còn đầu tư công nghệ, kỹ thuật, phương thức và bí quyết kinh doanh, tâm huyết và sự gắn bó của các nhà đầu tư với thành phố. 

Qua nắm bắt thực tế và lắng nghe ý kiến của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, ông Bí thư Thành ủy nhận thấy thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới để có thể đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư nước ngoài.

Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện trên địa bàn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, nghiên cứu, triển khai đường dây nóng nhằm giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp, phải tăng cường thanh kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ông cũng yêu cầu các sở ban ngành chủ động nghiên cứu, đề xuất Thành ủy, UBND thành phố kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; tập trung hơn nữa phát triển nguồn nhân lực đủ trình độ, tay nghề cao đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về lao động tại chỗ của các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông nội bộ thành phố cũng như hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, xây dựng thêm các kết cấu hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm Thành phố với các khu đô thị mới.

Theo ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, kể từ ngày 1-7 tới, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp năm 2014 sẽ có hiệu lực với nhiều cải tiến đáng kể trên các mặt như: thể chế hóa quyền tự do kinh doanh, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, cải cách về con dấu của doanh nghiệp, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, luật mới sửa đổi còn tạo thêm các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài như miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật liệu, phương tiện vận tải chuyên dùng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án khuyến khích đầu tư; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn 3 ngày, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xuống còn 15 ngày…

Bên cạnh việc triển khai các quy định mới của Trung ương, theo ông Rê thành phố sẽ triển khai đăng ký đầu tư trực tuyến với thời gian giải quyết được rút ngắn xuống còn 5-10 ngày làm việc; triển khai liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư với cấp mã số thuế; áp dụng dịch vụ chuyển phát kết quả hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua hệ thống bưu điện.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp,… nhằm góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư của thành phố.

Hội nghị hôm nay có gần 200 đại biểu đến từ 12 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp kỹ thuật cao… trên địa bàn TPHCM tham dự.

Xem thêm:

TPHCM thu hút vốn FDI tăng hơn 170%

TPHCM vẫn loay hoay tìm hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới