Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai ủy ban của Quốc hội đề nghị chính sách tiền tệ cần linh hoạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai ủy ban của Quốc hội đề nghị chính sách tiền tệ cần linh hoạt

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Mặc dù khẳng định giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mà Chính phủ triển khai trong 6 tháng đầu năm là đúng đắn và cần kiên trì thực hiện nhưng Ủy ban Tài chính- ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra đề nghị Chính phủ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh trong những tháng còn lại.

Theo nhận định của Chính phủ khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30-6, kiểm soát và nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong 6 tháng đầu năm đã đạt được mục tiêu khắc phục tình trạng đô la hóa, góp phần ổn định giá trị tiền đồng, ổn định giá vàng trong nước.

Tính đến 20-6, tổng phương tiện thanh toán tăng chưa đến 3%, tín dụng tăng hơn 7% so với cuối tháng 12 năm 2010 và như vậy còn xa mức tăng mục tiêu tương ứng của hai chỉ số là 15% và 20%. Điều này cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ đã phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, do đánh giá thực tế những khó khăn của toàn bộ nền kinh tế do chính sách tiền tệ thắt chặt, Ủy ban Kinh tế đưa ra một số đề xuất với Chính phủ về mục tiêu điều hành tiền tệ 6 tháng cuối năm. Đề xuất này theo hướng vẫn tiếp tục, kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ nhưng cần linh hoạt trong điều hành, đảm bảo đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế, việc điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách phải đều trong năm, tránh tính trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm, gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát là vấn đề phải đặc biệt lưu ý vì dư nợ tín dụng 6 tháng cuối năm còn khoảng 13% và tổng phương tiện thanh toán còn dư địa tăng hơn 12% nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh: “Bên cạnh việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”. Ủy ban của ông yêu cầu Chính phủ phải điều hành tỷ giá theo hướng ổn định song không để đồng Việt Nam lên giá ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Phía Ủy ban Tài chính- ngân sách đề cập đến tình hình lãi suất và tín dụng, cho rằng, Chính phủ cần tích cực sử dụng các công cụ kinh tế thị trường, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường tài chính, tiền tệ, gây bất lợi cho ngân hàng, các tổ chức kinh tế, cá nhân trên thị trường.

Ý kiến trong ủy ban này đề nghị Chính phủ cân nhắc việc giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến từ đầu năm vì việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% của năm 2010 xuống còn dưới 20% năm 2011 sẽ đạt mục tiêu nhất định chống lạm phát nhưng đang gây ra những khó khăn bất thường cho nền kinh tế.

Về vấn đề cắt giảm đầu tư công, qua giám sát, Ủy ban Kinh tế thấy rằng ở một số địa phương, việc hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, cũng như không có tiêu chí thống nhất đã gây trở ngại cho quá trình thực hiện. Từ khi các đoàn công tác của Chính phủ đi làm việc với các địa phương đến nay cũng đã hai tháng nhưng chưa có ý kiến chính thức nên một số địa phương vẫn đang trong tình trạng chờ đợi.

Về phía báo cáo của Chính phủ cho thấy còn nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục bố trí vốn để khởi công thêm nhiều dự án mới làm tăng mức độ dàn trải, thiếu hiệu quả và khó khăn trong công tác quản lý. Qua đó cho thấy việc đình hoãn, không bố trí vốn cho các dự án khởi công mới trong triển khai còn lúng túng và chưa được thực hiện triệt để. Như vậy chính sách tài khóa chưa thận trọng và chưa đi đôi với chính sách tiền tệ thắt chặt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới