Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai vấn đề nóng của thủy điện Lai Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai vấn đề nóng của thủy điện Lai Châu

Ngọc Lan

An toàn cho các con đập ở Thủy điện Sơn La đang xây dựng và sắp tới là thủy điện Lai Châu là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Ảnh: báo Đất Việt

(TBKTSG Online) – Chính phủ trình dự án xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu trong thời điểm thủy điện Sơn La chưa vận hành, đội vốn đầu tư và các dự án thủy điện ở miền Trung đang bị đánh giá là góp phần gây lũ lụt. Do vậy, cuộc thảo luận tại Quốc hội về dự án thủy điện này nóng lên ở hai vấn đề: an toàn cho hạ lưu và di dân

 An toàn: vấn đề hệ trọng nhất

Thủy điện Lai Châu là dự án bậc thang  trên cùng của dòng chính sông Đà, trên thủy điện Sơn La đang xây dựng, dự kiến đặt tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè (Lai Châu), công suất dự kiến 1200 MW. Theo báo cáo của Chính phủ, do vai trò và vị trí quan trọng của hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng sông Đà nên công tác nghiên cứu, thiết kế, quy hoạch và thẩm định các dự án đã được thực hiện một cách thận trọng.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc thảo luận tại hội trường về dự án này, hôm nay 13-11, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước họp hồi tháng 7 năm 2008 gửi Chính phủ chỉ có 8/17 người gửi văn bản nhận xét: “Như vậy là phần nhất trí chưa quá bán”, theo ông Học. Ông Học cũng chưa đồng ý về độ an toàn bởi theo ông, trong thuyết minh dự án chỉ nêu một phương án thì không thể so sánh và có luận cứ khoa học, không thuyết phục được các đại biểu bấm nút thông qua. Ông đề nghị Chính phủ thuyết trình rõ thêm về kết cấu, độ bền của đập và tuổi thọ của đập theo một số phương án so sánh khác.

Ông Học cũng đề nghị trong thuyết minh dự án cần phải có cách xử lý nếu xảy ra hiện tượng nứt gẫy,khả năng động đất mà điều kiện hồ chứa nước đang ở mức cao; hay các vấn đề về điều kiện an toàn khi xảy ra sự cố và tác động tới thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình ở dưới dòng chảy khi vựa nước thủy điện Lai Châu có sự cố. Rồi phương án ứng phó với sạt lở, lũ quét ở khu vực có công trình thủy điện, ảnh hưởng đến các vùng lân cận nhà máy khi xả lũ lớn trong trường hợp mưa kéo dài gây ngập lụt. Thậm chí phương án ứng phó khi các đập thủy điên phía Trung Quốc có sự cố cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng.

Đại biểu Trần Kim Phương (Hà Nội) yêu cầu một công trình lớn như thủy điện Lai Châu thì quy trình kỹ thuật xây dựng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cả các vùng có liên quan. “Chính phủ cần cân nhắc tính toán đến độ an toàn và tác động về môi trường của dự án”, bà nói. Theo báo cáo, tổng diện tích mặt bằng dự án là 4636 héc ta, trong đó vùng mặt bằng công trình là 673 héc ta,  vùng hồ chứa ứng với mực nước dâng bình thường 295 mét là 3963 héc ta. Ngoài số diện tích trên còn phải mất thêm một số diện tích đáng kể để tái định cư cho số đồng bào phải di dời…”Tính ra, để có một MW điện phải mất ít nhất 7,5 – 10 héc ta rừng”, bà nói và phân tích ảnh hưởng của việc này đến môi trường sống, đến việc năng chặn bão lũ: “Mất rừng liệu đồng bằng có chống đỡ nổi với lũ lụt, hạn hán và biến đổi khí hậu không?”, bà Phượng đặt vấn đề · 

Tái định cư và bài học của thủy điện Sơn La

Các đại biểu đến từ các tỉnh Tây Bắc, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc di dân, xây nhà máy thủy điện, có kinh nghiệm về việc di dân cho rằng: “Cần rút kinh nghiệm công trình thủy điện Sơn La”. Đại biểu Cầm Chí Kiên (Lai Châu) đề nghị cần làm rõ thêm một số vấn đề về giải phóng mặt bằng, chế độ đền bù, quỹ đất, nguồn nước cho khu vực tái định cư hay tiến độ di dân để đảm bảo tính bền vững của dân cư ở các vùng sính sống mới. 

Ông Kiên cho rằng tập trung tái định cư ở một địa bàn huyện với số hộ và dân số tương đối lớn như tờ trình của Chính phủ (1.331 hộ và 5.867 khẩu thuộc 8 xã), trong đó có nửa số dân kể trên phải dời sang bờ phải sông là khu vực không có đường ô tô và bên trái sông cũng rơi vào cảnh tương tự là rất khó khăn. Đa số hộ tái định cư là dân tộc thiểu số nên rất đa dạng về phong tục, tập quán. Do vậy, việc chuyển đổi sản xuất để đảm bảo đời sống ở nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ phải có thời gian và tốn kém. “Cần phải tăng suất đầu tư cho tái định cư mới giải quyết được cho đồng bào”, ông Kiên nói.

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cũng nhắc rằng, thời điểm chúng ta thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điên Lai Châu khác xa thời điểm triển khai di dân tái định cư thủy điện Sơn La. “Do đó đề nghị Chính phủ phải tính đến các yếu tố trượt giá để xây dựng chính sách hỗ trợ đền bù cho bà con sao cho đảm bảo cho người dân không bị thiệt thòi”. Và ông đề nghị, phần di dân tái định cư, Chính phủ nên giao cho tỉnh Lai Châu trực tiếp làm vì địa phương là chủ thể phải chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp, lâu dài với đời sống của nhân dân, điều mà chủ đầu tư dự án không theo mãi được .  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới