Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai vấn đề nóng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai vấn đề nóng

Giá tiêu dùng tăng cao trong 5 tháng đầu năm, đặc biệt là giá lương thực – mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế 5 tháng đầu năm cũng có hai vấn đề nóng không thể coi thường, đó là lạm phát và nhập siêu. 

Nóng nhất có lẽ là lạm phát mà biểu hiện trực tiếp của nó là tốc độ tăng giá tiêu dùng. Năm 2007 đã tăng hai chữ số (12,63%), cao nhất so với 11 năm trước đó, nhưng năm 2008 còn tăng cao hơn cả năm 2007.

Mới qua 5 tháng (tức là tháng 5-2008 so với tháng 12-2007), giá tiêu dùng đã tăng tới 15,96%, cao gấp nhiều lần tốc độ tăng 4,32% của cùng kỳ năm trước, cũng như tốc độ tăng bình quân của cùng kỳ (4,4%) của 16 năm trước đó (tính từ năm 1992), chỉ thấp thua tốc độ tăng của thời kỳ “phi mã” (1986- 1991). 

Trong mười nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng của dân cư (cũng là “rổ” hàng hoá, dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất (42,85%), lại có giá tăng cao nhất (tháng 5 tăng 7,25%, 5 tháng tăng 26,56%, tính theo năm tăng tới 42,35%); riêng lương thực còn tăng cao hơn (tháng 5 tăng tới 22,19%, 5 tháng tăng tới 52,88%, tính theo năm tăng tới 67,84%). Do chiếm tỷ trọng cao nhất, lại tăng với tốc độ cao nhất, nên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Lạm phát cao trong thời gian lạm phát phi mã (1986 – 1991) đã làm cho mọi người tiêu dùng đều bị khổ, bởi lúc đó chênh lệch thu nhập không lớn (chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất chiếm tỷ 20% dân cư so với nhóm nghèo nhất chiếm 20% dân cư mới chỉ vào khoảng trên dưới 4 lần). Nhưng nay do chênh lệch đã tăng lên (tương ứng gấp trên 8 lần), thì người nghèo, người có thu nhập thấp bị khổ hơn nhiều.

Nhóm người nghèo có tỷ trọng chi tiêu cho lương thực- thực phẩm cao gấp đôi của nhóm người giàu (khoảng 60% so với khoảng 30%), nên hoặc là phải giảm khẩu phần ăn hàng ngày, hoặc là phải giảm chi tiêu cho các loại hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng khác. (Chính vì thế, một số người đã lầm tưởng là lạm phát đã giảm khi thấy trong tháng 5 chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng cao; còn các nhóm hàng hoá, dịch vụ khác tăng thấp chỉ từ 0,33- 1,88%. Nhưng tính chung 5 tháng, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng vẫn tăng tới 12,17%, nhóm phương tiện vận tải, bưu điện tăng 10,2%, nếu không kể giá bưu chính viễn thông giảm 9,21% thì nhóm trên còn tăng cao hơn nữa).

Lý giải tình hình trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân, từ chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá), đến thắt chặt chi tiêu hành chính và phối hợp chưa đạt kết quả. Thời gian còn lại của năm 2008 còn 7 tháng nữa, với bao yếu tố tác động không nhỏ (như việc thực hiện lộ trình giá thị trường sau tháng 6, tăng lương vào tháng 9, giá dầu thế giới cao ngất ngưởng, thiên tai dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường…). Nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ, thì mức lạm phát năm nay sẽ rất cao (nếu 7 tháng còn lại tăng bằng với mức tăng của 7 tháng cuối năm 2007, thì cả năm 2008 sẽ tăng tới 25,20%).

Lạm phát cao được coi là nóng nhất bởi nó liên quan đến mức sống thực tế hàng ngày của toàn dân, nhất là những người có thu nhập thấp, thu nhập cố định.

Một vấn đề nóng khác đe doạ đến cân đối vĩ mô của quốc gia, đó là nhập siêu. Xuất khẩu trong 5 tháng đạt được nhiều sự vượt trội. Xuất khẩu tháng 5 ước đạt 5,15 tỉ đô la Mỹ – mức xuất khẩu trong một tháng cao nhất từ trước tới nay. Tính chung 5 tháng xuất khẩu đã đạt xấp xỉ 23,4 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 27,2%, cao hơn tốc độ tăng 18,4% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu có quy mô lớn hơn và tăng cao hơn nhiều. Mới qua 5 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu đã lên đến 37,8 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng cao gấp đôi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (80% so với 43,2%).

Do nhập khẩu lớn và tăng cao hơn xuất khẩu, nên nhập siêu mới qua 5 tháng đã lên tới 14,4 tỉ đô la Mỹ, cao gấp gần 3,4 lần cùng kỳ năm trước, cao hơn cả mức nhập siêu kỷ lục (14,1 tỉ đô la Mỹ) trong cả năm 2007. Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu đã lên mức rất cao (lên tới 61,6%, cao gấp nhiều lần tỷ lệ 23,1% của cùng kỳ năm trước).

Nhập siêu do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản nhất là hiệu quả và sức cạnh tranh thấp trong điều kiện mở cửa hội nhập sâu rộng hơn sau khi gia nhập WTO, nên không tận dụng được thời cơ xuất khẩu để “thắng trên sân người”, mà còn không khắc phục được nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Có nguyên nhân do cơ cấu nhập khẩu và xuất khẩu, chuyển biến chậm về xuất khẩu. Có nguyên nhân do tỷ trọng khai thác tài nguyên lớn (chỉ tính dầu thô, than đá đã chiếm trên 21,7%); tỷ trọng hàng nông sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế có giá trị gia tăng thấp cũng lớn (chỉ tính gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, chè, thuỷ sản đã chiếm 20,3%). Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu có tính gia công, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn (chỉ tính các mặt hàng dệt may, giày dép, điện tử máy tính, sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ đã chiếm 31,9%). Tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng là nguyên phụ liệu cho sản phẩm gia công, những mặt hàng chưa cần khuyến khích nhập khẩu đều tăng cao.

Có nguyên nhân do chính sách thuế, các rào cản kỹ thuật phù hợp với quy định của WTO chưa được nghiên cứu đầy đủ và đề ra kịp thời,…

“Tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, thất nghiệp ít, cán cân thanh toán có số dư” là “tứ giác mục tiêu” của mọi quốc gia, nhưng là mục tiêu lý tưởng rất khó cùng đạt được một lúc. Tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm xuống, kiềm chế lạm phát được coi là mục tiêu số một nhưng vẫn có xu hướng tăng cao, nhập siêu gia tăng mạnh, chắc chắn sẽ tác động đến thất nghiệp.

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới