Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hai vở kịch lớn của thế giới: khủng hoảng Hy Lạp và chứng khoán TQ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai vở kịch lớn của thế giới: khủng hoảng Hy Lạp và chứng khoán TQ

Phúc Minh

Hai vở kịch lớn của thế giới: khủng hoảng Hy Lạp và chứng khoán TQ
Vấn đề lớn nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc lúc này là chỉ có người bán mà không có người mua. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Gần đây, thế giới đang chứng kiến hai vở kịch lớn, vở đầu tiên là cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đến khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone), vở kia là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và khoảng 100 triệu nhà đầu tư của thị trường này.

Trong lúc phương Tây đang tập trung tất cả sự chú ý vào cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp thì đột nhiên thị trường chứng khoán Trung Quốc xuất hiện vở kịch ly kỳ hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân phương Tây.

Trong ba tuần kể từ ngày 12-6, mức sụt giảm 30% của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến hơn 3.200 tỉ đô la Mỹ bốc hơi, nhiều hơn gấp 10 lần tổng nợ của Hy Lạp. Một số nhà quan sát dự báo tình trạng rối loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể nổi lên thành rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, lớn hơn so với vụ khủng hoảng nợ Hy Lạp của eurozone.

Tạp chí Tài Tân (Trung Quốc) nhận định chính phủ Trung Quốc can thiệp thị trường chứng khoán thiếu lý do chính đáng là việc hiếm hoi. Việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy sụp hay Hy Lạp ra khỏi eurozone, gây ra cú sốc tài chính ảnh hưởng đến niềm tin của nền kinh tế toàn cầu, sau đó Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh lại áp dụng lại mức lãi suất cơ bản gần bằng 0, tương lai của nền kinh tế thế giới sẽ không lạc quan.

Chứng khoán TQ tiếp tục giảm

Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra các biện pháp mới nhằm đối phó với tình trạng sụt giảm mạnh trên các thị trường tài chính nước này nhưng chưa tác động nhiều.

Ngày 8-7, khoảng một nửa (hơn 1.500 công ty) trong số các công ty niêm yết trên hai thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ngưng giao dịch, đóng băng số cổ phiếu trị giá khoảng 1.400 tỉ đô la Mỹ.

Chính phủ đã ra lệnh cho các công ty môi giới được nhà nước hỗ trợ ngưng bán cổ phiếu. Luật mới này từ cơ quan quản lý nhằm giảm bớt áp lực trên thị trường chứng khoán.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc, trong một thông cáo ngày 8-7, cho biết đang theo dõi sát các thị trường và sẽ phòng chống lại các rủi ro tài chính có tính chất hệ thống trong khu vực.

Bất chấp các nỗ lực trên, chỉ số Shanghai Composite vẫn giảm 5,9%, trong khi chỉ số Shenzhen  Composite giảm 2,94% lúc đóng cửa ngày 8-7. Tại Hồng Kông, nơi có gần 800 công ty đại lục niêm yết, chỉ số Hang Seng giảm 5,84%. Chỉ số Taiex, gồm tất cả các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Loan, giảm gần 3%. Thực trạng bán tháo cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Theo ông Francis Cheung, người đứng đầu về sách lược Hồng Kông và  Trung Quốc của công ty CLSA Asia-Pacific Markets: “Vấn đề lớn nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc lúc này là chỉ có người bán mà không có người mua. Điều chắc chắn việc chính phủ sẽ mua vào cổ phiếu cho đến khi họ thực sự ổn định thị trường, tôi tin rằng chính phủ có sức mạnh để làm như thế. Nhưng vấn đề là chúng ta ổn định ở mức độ nào?”

Giáo sư tài chính Michael Petis của Đại học Bắc Kinh cho rằng: “Mọi nỗ lực loại trừ tình trạng bất ổn đều kèm theo rủi ro sẽ có bất ổn trong tương lai”.

Sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc ngày 8-7 gây lo ngại nghiêm trọng khắp châu Á, nhiều hơn cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp, khiến các chỉ số chứng khoán tại châu Á sụt giảm. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan nhận định: “Tình hình tại Hy Lạp và Trung Quốc đang châm ngòi cho những bất định kinh tế”.

Khuôn mặt đăm chiêu của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras. Ảnh: Reuters

Hy vọng từ Hy Lạp

Trong khi đó, ngày 8-7, Bộ Tài chính Hy Lạp gửi thư đến Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), cam kết sẽ bắt đầu thực hiện những cải cách về thuế và lương hưu theo yêu cầu của các chủ nợ ngay từ tuần tới để có thể nhận khoản vay mới trong ba năm nhằm giúp nước này thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos cho biết ông muốn cầu viện ESM để thực hiện các nghĩa vụ nợ của Hy Lạp và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Trong thư, Hy Lạp cũng cam kết tôn trọng các bổn phận tài chính và sẽ nêu chi tiết các đề xuất cải cách để các chủ nợ đánh giá vào ngày 9-7, thời hạn chót mà châu Âu yêu cầu.

Tuy nhiên, bức thư của Hy Lạp không đề cập cụ thể Hy Lạp sẽ cắt giảm bao nhiêu ngân sách cho quỹ hưu trí, cũng như có tăng thuế giá trị gia tăng lên mức 23% theo yêu cầu của các chủ nợ hay không.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo Hy Lạp và các đối tác châu Âu đang đối mặt với cơ hội cuối cùng để đạt thỏa thuận cứu trợ cần thiết nhằm giữ Hy Lạp ở lại eurozone.

Sau khi nhận được đề nghị mới từ Hy Lạp, ngày 11-7, Nhóm các bộ trưởng tài chính eurozone (eurogroup) sẽ nhóm họp để đánh giá về bản đề nghị mới nói trên.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker, nếu bản đề nghị trên được coi là đủ nghiêm túc thì ngay trong ngày 12-7, tại cuộc họp thượng đỉnh của 28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), một gói cứu trợ khẩn cấp sẽ được châu Âu giải ngân nhằm giúp các ngân hàng Hy Lạp sớm mở cửa trở lại. Gói cứu trợ này ban đầu sẽ được thực hiện dưới dạng khoản vay ngắn hạn, sau đó nhiều khả năng sẽ được thực thi dưới dạng một kế hoạch của ESM.

Trong trường hợp ngược lại, tức đề xuất của Hy Lạp không được thông qua, thì tuyên bố Grexit (Hy Lạp rời eurozone) sẽ được đưa ra và châu Âu sẽ thực thi các biện pháp nhân đạo nhằm giúp đỡ người dân Hy Lạp.

Ngày 8-7, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhận định những đề xuất mới của Hy Lạp để đổi gói cứu trợ tài chính mới của châu Âu là bước đi đúng hướng. Phát biểu tại Quốc hội Pháp, ông Valls nói: “Yêu cầu này của Hy Lạp là cân bằng, tích cực. Nó cho thấy sự sẵn sàng thực sự để tiến lên và cải cách. Đây là bước đi quan trọng sẽ cho phép tiến hành các cuộc đàm phán”.

* Hy Lạp đang bên bờ vực vỡ nợ sau khi mất khả năng thanh toán số tiền hơn 1,5 tỉ euro theo đúng hạn cho Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 30-6. Các ngân hàng ở Hy Lạp đã đóng cửa trong 8 ngày làm việc vừa qua để ngăn người dân ồ ạt rút tiền. Theo một quan chức cấp cao của Hy Lạp, dự kiến trong ngày 8-7, chính phủ nước này sẽ ra một sắc lệnh mới yêu cầu các ngân hàng tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa để chờ chính phủ thuyết phục các chủ nợ về một thỏa thuận mới.

Sàn chứng khoán New York ngưng giao dịch bốn giờ vì vấn đề kỹ thuật

Sàn chứng khoán New York. Ảnh: AP

Sàn chứng khoán New York đã giao dịch trở lại sau khi tạm ngưng gần bốn giờ ngày 8-7 vì lý do trục trặc kỹ thuật nội bộ nhưng chưa rõ là gì. Tuy nhiên, tất cả cổ phiếu niêm yết trên sàn New York "tiếp tục giao dịch bình thường thông qua những nơi giao dịch khác hoặc những thị trường khác" – theo Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và quản lý thị trường tài chính.

Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho biết: "Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của một vụ xâm phạm hay một vụ ấn công mạng''.

Trước khi giao dịch ngưng lại vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 8-7, các chỉ số chính của Mỹ giảm hơn 1%. Các nhà phân tích cho biết lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và những vấn đề trong thị trường chứng khoán Trung Quốc, cũng như cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến một số nhà đầu tư lo lắng.

Đọc thêm:

>> TQ: giá cổ phiếu tiếp tục giảm, một nửa thị trường ngừng giao dịch

>> Eurozone ra điều kiện thảo luận gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới