Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Haiti sau thảm họa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Haiti sau thảm họa

Thái Bình

Vụ động đất tuần trước ở Haiti có quy mô tàn phá ngang với sóng thần châu Á năm 2004.

(TBKTSG) – Một tuần sau khi trận động đất 7 độ Richter xảy ra ở Haiti, quy mô của sự tàn phá và đau khổ trở nên rõ ràng hơn và vượt ra ngoài mọi dự tính bi quan nhất.

Chưa có báo cáo chính xác về số thương vong nhưng theo ông Jean-Max Bellerive, Thủ tướng Haiti, chỉ trong bốn ngày đầu tiên, chính phủ đã chôn cất 20.000 thi thể trong các hố chôn tập thể mà không kịp xác định danh tính từng người.

Hôm Chủ nhật 17-1, ông Bellerive ước tính khoảng 70.000 người đã chết tại thủ đô Port-au-Prince và thành phố Leogane lân cận, nơi tâm chấn, chưa kể vùng nông thôn ở phía Nam bị tàn phá nặng nề. Ngày hôm sau, Ủy ban châu Âu dẫn số liệu của Chính phủ Haiti cho biết có khoảng 200.000 người chết, trong đó có 70.000 thi thể đã được tìm thấy và chôn cất, 250.000 người bị thương và 1,5 triệu người mất nhà cửa – những con số khủng khiếp ở một đất nước chỉ có 9 triệu dân.

Nếu những con số này được khẳng định thì thảm họa động đất tuần trước ở Haiti có quy mô tàn phá ngang với sóng thần châu Á năm 2004.

Địa ngục trần gian

Cho đến nay, xác người vẫn còn vương vãi khắp Port-au-Prince, người sống phải bôi dầu hoặc kem đánh răng vào mũi để tránh mùi tử khí. Đầu tuần này những người sống sót sau động đất vẫn đang tiếp tục chết vì vết thương không được cứu chữa kịp thời, vì thiếu nước uống, thức ăn, nơi trú ẩn và cả vì những vụ chém giết giành giật nhau những món đồ cướp bóc được trên đường phố.

Ted Constan, nhân viên cứu trợ của tổ chức thiện nguyện Partners in Health (Mỹ), ước đoán mỗi ngày qua đi có khoảng 25.000 người chết vì những lý do không đáng chết như vậy. Dấu hiệu của sự sống chỉ le lói vào ngày thứ Ba, khi trên đường phố bắt đầu có những người bán hàng rong bán rau quả và khu chợ thực phẩm Croix de Bossales mở cửa trở lại, tuy người dân hầu như không có tiền để mua bán gì cả.

Nhưng Haiti không thiếu sự trợ giúp. Liên hiệp quốc – bản thân tổ chức này cũng bị thiệt hại nặng nề với hơn 100 nhân viên gìn giữ hòa bình và 6 nhân viên cứu trợ bị chôn vùi trong đống đổ nát – đã nhanh chóng triển khai việc cứu trợ trên diện rộng, và đã thiết lập được 15 điểm cung cấp nước uống, thực phẩm tại những vùng thiệt hại nặng nhất. Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Mỹ mỗi cơ quan cung cấp ngay 100 triệu đô la tiền mặt; hầu hết các quốc gia châu Mỹ và châu Âu đều gửi nhân viên y tế, thực phẩm và thiết bị đến Haiti. Vào đầu tuần này đã có 27 đội cứu hộ với 1.500 nhân viên từ nhiều quốc gia làm việc tại Haiti. Quân đội Mỹ đã đưa 1 tàu sân bay, nhiều trực thăng và 10.000 binh sĩ đến giúp lập lại trật tự, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, cứu chữa nạn nhân.

Tuy vậy, theo các tổ chức quốc tế có mặt tại hiện trường, hoạt động cứu trợ không diễn ra nhanh chóng như mong muốn vì cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thiếu sự điều hành của chính phủ và tình trạng an ninh ngày càng tệ hại. Sân bay duy nhất của thủ đô chỉ còn một đường băng, trạm điều khiển không lưu đã bị xóa sổ; cầu cảng chính của hải cảng Port-au-Prince đã sập xuống biển, cần cẩu bị đổ; đường phố đầy gạch đá, máy móc và xe cộ không hoạt động được vì không có xăng dầu.

Quân đội Mỹ đã tạm thời tiếp quản sân bay thủ đô và điều hành việc cất cánh hạ cánh khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày, gấp ba lần năng lực của sân bay này trước khi động đất nhưng do lượng máy bay chở hàng cứu trợ đến ngày càng nhiều nên tình trạng ùn tắc, chuyển hướng bay xảy ra thường xuyên. Phải vài ngày nữa hải cảng mới hoạt động được và trong lúc này quân đội Mỹ vẫn phải dùng tàu lội nước để vận chuyển vật phẩm cứu trợ vào đất liền.

Haiti – sự sống le lói trở lại. Thiếu niên chơi bóng trong lúc hàng ngàn người xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ của Liên Hiệp Quốc. Ảnh Reuters ngày 19-1-2010.

Dù Chính phủ Haiti đã ban hành lệnh giới nghiêm nhưng trên đường phố vẫn có nhiều nhóm thanh niên vung mã tấu hoặc cọc gỗ nhọn tranh nhau những món đồ cướp được từ các cửa hàng, nhà kho bị đổ nát. Các đội cứu trợ y tế thỉnh thoảng phải ngừng giúp đỡ những nạn nhân động đất để lo chạy chữa những kẻ bị trúng đạn, bị đâm chém, do cảnh sát ra tay hoặc do các băng nhóm thanh toán lẫn nhau.

Tương lai nào cho Haiti?

Vào lúc này, Haiti được cả thế giới quan tâm và giúp đỡ, nhưng công cuộc tái thiết đất nước này cần có sự trợ giúp quốc tế trong nhiều năm tới. Có hai lý do để thế giới bên ngoài – nhất là Mỹ và các nước châu Mỹ – phải làm hết sức để giúp đỡ người dân Haiti xây dựng lại cuộc sống: một là vì lòng nhân đạo và hai là vì quyền lợi của chính các quốc gia đó.

Như một sự an bài của số phận, Haiti đã từ một đất nước bình yên và phồn vinh biến thành một mối hiểm nguy cho các lân bang. Do nạn nghèo đói và chính quyền không đủ hiệu năng, đất nước 9 triệu dân này đã trở thành điểm xuất phát các làn sóng di dân bất hợp pháp và là điểm trung chuyển ma túy ở Trung Mỹ. Nếu sau vụ động đất lịch sử này, thế giới không hỗ trợ người dân Haiti thiết lập một chính phủ mạnh, một nền kinh tế hiện đại thì hai tệ nạn đó sẽ ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho cả khu vực.

Phát biểu trước hội nghị các nhà tài trợ quốc tế tại Cộng hòa Dominica láng giềng, Tổng thống Haiti Rene Preval nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ cứu chữa những vết thương do động đất gây ra; chúng ta phải phát triển kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, y tế và tăng cường các định chế dân chủ”. Ông Preval cũng kêu gọi người dân Haiti, đặc biệt là các chính trị gia, phải kề vai sát cánh xây dựng lại đất nước.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Tổng thống Brazil Lula de Silva rằng hai nước này, cùng với Canada sẽ đi đầu trong việc tổ chức hội nghị tài trợ tái thiết Haiti. Hội nghị sơ bộ đã bắt đầu tại nước láng giềng Dominica, ở đó Tổng thống Dominica Leonel Fernadez đề nghị thiết lập một quỹ tái thiết 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong vòng năm năm để giúp xây dựng lại Haiti; Cộng đồng châu Âu và các nước thành viên cam kết dành 400 triệu euro (575,6 triệu đô la Mỹ) trợ giúp khẩn cấp và lâu dài cho Haiti. Chính phủ Senegal ở châu Phi sẵn sàng cấp đất cho những người Haiti nào muốn sang định cư…

Ngay sau khi động đất xảy ra, Tổng thống Mỹ Obama nói với người dân Haiti rằng: “Các bạn sẽ không bị bỏ rơi, các bạn sẽ không bị lãng quên”, và cam kết sự hỗ trợ không lay chuyển đối với Haiti. Tuy vậy, với tình trạng nghèo đói cùng cực của Haiti và nước này không có một tầm quan trọng chiến lược, người ta không biết lời hứa hẹn của Tổng thống Mỹ sẽ được thực hiện như thế nào trong những tháng năm sắp tới.

(Tổng hợp)

Haiti biên niên lịch sử

Năm 1492, Christopher Columbus phát hiện ra Haiti. Sau khi lãnh thổ này sáp nhập vào Tây Ban Nha, bệnh tật và điều kiện lao động khắc nghiệt đã tiêu diệt gần hết dân bản địa.

Năm 1697, Tây Ban Nha nhượng lãnh thổ Haiti cho Pháp, nước này đã đưa hàng ngàn nô lệ từ châu Phi sang khai khẩn đất đai. Hệ sinh thái của hòn đảo bị tiêu diệt vì lao động nô lệ phá rừng để làm đồn điền mía đường. Đến cuối thế kỷ 18, Haiti có 700.000 nô lệ da đen, chiếm 85% dân số và là thuộc địa sản xuất nhiều đường nhất thế giới, đóng góp một phần tư tổng sản lượng của nước Pháp.

Sau 13 năm chiến đấu, người Haiti giành được độc lập từ tay thực dân Pháp năm 1804; ông Jean-Jacques Dessalines, nguyên là nô lệ, lên làm tổng thống. Hai năm sau ông bị quân nổi loạn giết chết. Nội chiến giữa các phe phái bùng nổ và kéo dài.

Năm 1915, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cho quân xâm chiếm Haiti, nhưng không ở được lâu; năm 1934 quân Mỹ rút đi.

Bác sĩ Francois Duvalier “Papa Doc” được bầu làm tổng thống Haiti năm 1957, đã nhanh chóng biến Haiti thành một chế độ cảnh sát. Năm 1971, con trai ông ta tự xưng là tổng thống suốt đời của đất nước.

Năm 1990, Jean Bertrand Aristide giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Haiti, nhưng chỉ tám tháng sau ông ta bị loại bỏ. Hàng chục ngàn người Haiti vượt biên sang Mỹ. Hiện số người Haiti định cư ở Mỹ đã lên tới 1 triệu người, tập trung ở bang Florida. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, ông Aristide trở lại nắm quyền năm 2001, nhưng đến 2004 lại bị lật đổ và phải sống lưu vong. Đất nước lại rơi vào cảnh nồi da xáo thịt buộc Liên hiệp quốc phải đưa lực lượng gìn giữ hòa bình do Brazil làm nòng cốt đến khôi phục trật tự. Haiti có được một giai đoạn tương đối bình yên trước khi thảm họa động đất xảy ra ngày 12-1 vừa qua, xóa sạch những thành quả phát triển trong giai đoạn từ 2005 đến nay.

(Theo Time)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới