Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế trong bán hàng đa cấp.

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế trong bán hàng đa cấp.

Lan Nhi

(KTSG Online) – Kinh doanh đa cấp nhiều năm nay diễn ra dưới nhiều hình thức vô cùng phức tạp, lách luật và gây ra nhiều hệ lụy. Thậm chí các hoạt động đa cấp xuyên quốc gia dưới hình thức bảo trợ quốc tế cho các bên tham gia khiến cơ quan quản lý khó giám sát. Bộ Công Thương đặt mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh có nhiều biểu hiện phức tạp này.

Hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế trong bán hàng đa cấp.
Xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh đa cấp là yêu cầu cấp bánh hiện nay. Hình minh họa: Khều.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến để tạo ra cơ chế quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh có nhiều biểu hiện phức tạp này.

Trong bản dự thảo, việc sửa đổi, làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cần có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ba năm liên tiếp ở một quốc gia khác đã được đưa vào dự thảo.

Tuy nhiên, việc bổ sung quy định về hoạt động bảo trợ quốc tế được đặc biệt chú trọng. Dự thảo quy định việc bảo trợ quốc tế là việc một người tham gia bán hàng đa cấp ở nước này giới thiệu và bảo trợ người tham gia bán hàng đa cấp ở nước khác.

Theo đó, người bảo trợ sẽ được nhận hoa hồng trên cơ sở doanh số phát sinh của hệ thống tuyến dưới ở nước ngoài. Điều này phát sinh những vấn đề không minh bạch mà cơ quan quản lý không kiểm soát được: việc chuyển tiền ra nước ngoài để chi trả hoa hồng cho người tham gia ở nước ngoài bảo trợ cho người tham gia ở Việt Nam; không thể kiểm soát doanh số phát sinh của người tham gia ở nước ngoài được người tham gia ở Việt Nam bảo trợ; không biết người tham gia nào có phát sinh thu nhập từ nước ngoài để thu thuế thu nhập cá nhân.

Do đó, cần bổ sung quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp liên quan  đến hoạt động bảo trợ quốc tế, đảm bảo cơ quan quản lý có thể giám sát được hoạt động của doanh nghiệp, thu được ngân sách từ doanh nghiệp.

Dự thảo đã bổ sung quy định không cấm hoạt động bảo trợ quốc tế từ Việt Nam nhưng hạn chế hoạt động bảo trợ quốc tế từ nước ngoài, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để minh bạch tối đa hoạt động này của doanh nghiệp. Cụ thể: doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể cho phép người tham gia bảo trợ người ở nước khác. Tuy nhiên: doanh nghiệp Việt không được sử dụng doanh số của người tham gia ở Việt Nam phát sinh từ hệ thống tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích, cấp bậc và làm căn cứ chi trả hoa hồng cho người tham gia ở Việt Nam.

Doanh nghiệp tại Việt Nam không được chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác cho người tham gia phát sinh từ hoạt động của hệ thống tuyến dưới bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phát sinh từ hoạt động mua bán tại Việt Nam). Doanh nghiệp tại Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp danh sách những nhà phân phối tham gia  hoạt động bảo trợ quốc tế cho cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam để các cơ quan này có cơ sở phối hợp giám ất và quản lý các cá nhân trong việc tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo cũng quy định: “Người tham gia ở Việt Nam không được nhận bảo trợ từ người tham gia ở nước ngoài”. Quy định này đảm bảo vừa kiểm soát chặt chẽ hoạt động bảo trợ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động xuyên quốc gia của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời cũng giúp tạo cơ chế quản lý hiệu quả, thu được ngân sách nhà nước một cách tối đa từ hoạt động phát sinh doanh thu tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài. Giải pháp này góp phần ngăn chặn việc những người tham gia cấp cao ở nước ngoài vào Việt Nam xây dựng mạng lưới người tham gia bất hợp pháp khi chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương như nêu trên.

Nếu được thông qua, các quy định nêu trên sẽ chính thức được áp dụng đối với các doanh nghiệp và cá nhân bán hàng đa cấp từ tháng 12 năm nay.

Mời xem thêm:

Kinh doanh đa cấp: Ranh giới mong manh giữa hợp pháp và lừa đảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới