Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn chế nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại bằng công cụ trực tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạn chế nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại bằng công cụ trực tuyến

Chánh Trung

Hạn chế nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại bằng công cụ trực tuyến

(KTSG Online) – Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing phiên bản tiếng Việt sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, theo dõi các thông tin mới nhất về các yêu cầu pháp lý đối với thương mại quốc tế để hạn chế các nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại.

Hàng hóa xuất khẩu trong nỗi lo bị gia tăng điều tra phòng vệ thương mại

Giao diện hệ thống ePing bằng tiếng Việt. Ảnh: Chánh Trung


Trong bối cảnh các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng và đa số doanh nghiệp trong nước lại chưa nắm hoặc còn khá mù mờ về phòng vệ thương mại. Thì việc có được công cụ hỗ trợ giúp cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo dõi các thông tin mới nhất về các yêu cầu pháp lý đối với thương mại quốc tế là điều hết sức cần thiết, Bộ Công thương cho hay.

Tại Việt Nam, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing đã được Trung tâm ITC phối hợp với Cục Xúc tiến đưa vào kế hoạch hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Đối phó với hàng rào phi thuế quan” từ năm 2018. Ngoài ra còn có các hoạt động nâng cao năng lực, huấn luyện giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực hàng rào phi thuế quan.

Đối với hoạt động nâng cao năng lực và phổ biến kiến thức về ePing, cho đến nay đã có 3 khóa huấn về hệ thống ePing được triển khai trực tuyến. Các đối tượng là các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp. Các đơn vị đều có những phản hồi tích cực và đánh giá cao khi biết đến hệ thống ePing.

Trước yêu cầu thực tế đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC, thuộc Liên Hợp quốc) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa vào vận hành “Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing phiên bản tiếng Việt ” (https://www.epingalert.org/vi) để hỗ trợ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong việc nắm bắt, theo dõi các thông tin mới nhất về các yêu cầu pháp lý đối với thương mại quốc tế.

Theo Bộ Công Thương nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại thị trường nước ngoài. Qua cuộc khảo sát doanh nghiệp của ITC vào năm 2019, rào cản ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Vì vậy, hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt sẽ có các thông báo quan trọng được dịch sang tiếng Việt và một số giải thích về tác động tiềm tàng trong các quy định nước ngoài đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam cũng được thực hiện. Cho đến nay, dự án thí điểm này đã địch 50 thông báo trong ngành thủy sản và da giày – 2 nhóm ngành được ưu tiên thực hiện trước. Các thông báo SPS và TBT liên quan đến nông sản gồm trái cây và rau quả sẽ sớm dịch.

Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giầy, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, thiết bị điện… Những nội dung về cảnh báo từ các ngành nghề và lĩnh vực này được dịch sang tiếng Việt giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức truy cập dễ dàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực để tiếp cận gần hơn với thương mại quốc tế, Bộ Công Thương cho hay.

Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing hỗ trợ tạo điều kiện việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khỏe, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết khác để tiếp cận thị trường quốc tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, việc theo dõi sự thay đổi về yêu cầu về sản phẩm tại các thị trường mục tiêu là việc quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.

Trong những năm gần đây, số lượng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của một số nước đã tăng đáng kể. Do đó, việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước khác nhau ảnh hưởng lớn đến chi phí của các nhà sản xuất và xuất khẩu. Mỗi năm WTO nhận được hơn 3.500 thông báo đề xuất các biện pháp TBT và SPS mới mà có thể tác động đến thương mại quốc tế. Bằng việc nâng cao khả năng truy cập thông tin, ePing sẽ giúp thương mại quốc tế tránh các gián đoạn do việc áp dụng các biện pháp TBT và SPS mới mang lại.

Hệ thống cảnh báo mới về thương mại toàn cầu “ePing” đã được đưa ra ngày 8-11-2016 bởi cơ quan Liên Hợp quốc (UN) Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại toàn cầu. Đây là hệ thống cảnh báo trực tuyến mới được thiết kế để hỗ trợ các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) theo dõi các thông tin mới nhất về các yêu cầu pháp lý đối với thương mại quốc tế.

Hệ thống mới này cho phép truy cập vào các thông báo về Hàng rào kỹ thuật (TBT) và các Biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của các thành viên WTO. Hệ thống cũng tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đối thoại để giải quyết các vấn đề thương mại tiềm năng trong giai đoạn đầu. Người sử dụng ePing có thể dễ dàng cập nhật các thông báo liên quan đến thị trường, sản phẩm cụ thể mà mình quan tâm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới