Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn chế những tác động xấu đến môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạn chế những tác động xấu đến môi trường

Ông Nguyễn Trung Việt.

(TBVTSG) – Trong tình hình công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, giá cả các thiết bị điển tử-công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng giảm nên vòng đời của chúng càng ngắn lại. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác điện tử-CNTT thải ra ngày một lớn.

TBVTSG đã trao đổi với ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, về vấn đề này.  

TBVTSG: Xin ông cho biết thực trạng của rác thải điện tử – CNTT hiện nay tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung ra sao?  

Ông Nguyễn Trung Việt: Có nhiều công ty nước ngoài hỏi tôi rằng nếu vấn đề rác điện tử – CNTT “bùng nổ” thì TPHCM, Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào. Câu trả lời của tôi được minh chứng bằng một ví dụ rất thực tế: xe gắn máy vào Việt Nam từ những năm 1960 nhưng tại các bãi rác hiện nay không có chiếc xe nào có thể gọi là rác. Vỏ ruột xe cũ cũng nhiều lắm nhưng cũng chẳng thấy đâu ngoài bãi rác.

Xe ô-tô cũng vậy. Chúng đã được tái sử dụng hết. Tương tự, cũng gần như không có gì gọi là linh kiện điện tử nằm ở các bãi rác. Nói chung, những năm gần đây ở Việt Nam lượng thiết bị điện tử đã qua sử dụng được tái chế gần như toàn bộ.

– Như vậy, quy mô và hoạt động xử lý, tái chế rác thải điện tử – CNTT hiện nay như thế nào, thưa ông?  

– Qua việc nhận định về khả năng hấp thụ các thiết bị đã qua sử dụng mới thấy rõ ở Việt Nam có một hệ thống tái chế phế liệu hoạt động rất mạnh. Trong hệ thống này, chỉ riêng ở TPHCM ước tính có gần 20.000 người làm việc liên tục, bắt đầu từ khâu đơn giản là thu gom và phân loại cho đến các khâu buôn bán, xử lý rồi tái chế.

– Rác điện tử – CNTT sau khi phân loại sẽ đi về đâu và được cơ quan chức năng quản lý ra sao?  

– Rác điện tử – CNTT chủ yếu là các thiết bị điện tử, máy tính, ti-vi… Các sản phẩm thải loại mà có thể tái sử dụng đều được sửa chữa, tân trang để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa… Số còn lại không thể dùng được nữa, các cơ sở xử lý sẽ tách linh kiện và tái chế.  

Khả năng tái chế rác điện tử – CNTT của Trung Quốc cũng rất lớn. Họ rất giỏi về các công nghệ tái chế, cho nên tôi nghĩ, rác điện tử – CNTT một phần cũng được “xuất” sang Trung Quốc. Hiện nay, do nguồn lực còn hạn chế nên Phòng Quản lý chất thải rắn của Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM chưa thể quản lý được vấn đề này một cách chặt chẽ, nhưng vẫn cố gắng hạn chế tối đa sự ảnh hưởng xấu lên môi trường.  

– Còn quá trình xử lý thì như thế nào, thưa ông?  

– Theo tôi biết, bo mạch điện tử đốt rất là tốt, cho nhiệt lượng rất cao. Vì thế, sau khi tách các linh kiện để lấy kim loại và tái chế, người ta cắt nhỏ các bo mạch và nghiền để lấy các chất keo polymer làm chất liệu kết dính. Phần còn lại được phối trộn để làm chất đốt. Các màn hình được các cơ sở xử lý rác thải rắn nghiền ra, sau đó hóa rắn rồi đổ thành các tấm bê-tông. Riêng các loại bóng đèn hình CRT khi nung tốn rất nhiều nhiệt lượng và lượng thủy tinh thu hồi cũng rất lớn, nhưng chúng tôi hiện chưa có thông tin cụ thể.  

– Ông có nói cơ quan chức năng vẫn cố gắng hạn chế những tác động xấu đến môi trường. Vậy những tác động ấy hiện nay ở mức nào, thưa ông?  

– Việc xử lý, tái chế và sử dụng rác điện tử-CNTT làm phát sinh ba loại chất thải là nước, khí và tro (khi đốt). Hiện nay, các bo mạch thường được các lò gạch, lò mía, lò chưng cất cồn… dùng làm chất đốt. Bên cạnh những đơn vị có đăng ký hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải rắn, có rất nhiều cơ sở nhỏ kinh doanh rác điện tử mà ta chưa thể quản lý cũng ít nhiều gây ảnh hưởng tới môi trường sống. Các trường hợp này chỉ có thể xử lý khi có sự khiếu nại của người dân.  

Theo tôi, trong 5-10 năm tới, vấn đề rác thải điện tử – CNTT ở Việt Nam cũng không đáng lo ngại lắm. Khả năng tái chế của các cơ sở ở TPHCM khá cao, có thể xử lý được nhiều loại rác; đồng thời nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng (với giá rẻ) ở vùng nông thôn còn khá cao nên vòng đời của chúng vẫn còn dài…  

– Rác điện tử – CNTT là mặt hàng cấm nhập khẩu nhưng việc này vẫn thường xuyên xảy ra. Theo ông, cần có những biện pháp nào ngăn chặn tình trạng này?  

– Cần có những biện pháp mạnh để răn đe và đi đến chấm dứt tình trạng nhập khẩu rác điện tử-CNTT. Cách giải quyết tốt nhất, theo tôi là “đánh” mạnh vào tài chính: phạt thật nặng các doanh nghiệp nhập rác, buộc doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ chi phí để xử lý. Ngoài ra, Nhà nước phải tịch thu toàn bộ lượng sản phẩm sau xử lý, tái chế để bán và sung tiền vào quỹ môi trường.  

Hiện nay, việc xử lý chỉ là tái xuất. Đây là việc làm không có tính khả thi vì không quốc gia nào chấp nhận nhập rác điện tử – CNTT. Còn nếu sau khi xử phạt (thường là mức phạt không cao) rồi giao lại cho doanh nghiệp tự xử lý chất nguy hại và thụ hưởng sản phẩm sau xử lý thì hoàn toàn không có tác dụng như mong đợi.  

TUẤN LINH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới