Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn chế xe hơi thay vì xe máy?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạn chế xe hơi thay vì xe máy?

Kẹt xe nhiều giờ tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM – Ảnh: LÊ TOÀN.

LTS: Sau bài viết “Giải pháp hạn chế xe máy liệu có khả thi?” của bạn đọc Tôn Thanh Tâm, bạn đọc Mai Vy cũng gửi đến TBKTSG Online một bài viết, tiếp tục bình luận chung quanh việc tìm cách hạn chế xe gắn máy của nhà quản lý như một giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Tòa soạn xin giới thiệu ý kiến của bạn Mai Vy, cũng như chờ các ý kiến khác phản hồi. 

Đã có nhiều giải pháp chống nạn kẹt xe được đưa ra, nhưng dường như chưa có giải pháp nào thực sự khả thi, và càng không có giải pháp nào có thể giảm bớt được nạn kẹt xe một cách tức thì, mà lại ít tốn kém, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhất. Tôi xin thử đưa ra một đề xuất. Đề xuất này dựa trên một quan điểm trái ngược với các quan điểm thường thấy về vai trò của các loại phương tiện giao thông.

Người ta thường đề cao vai trò của các phương tiện giao thông công cộng, và quy tội tắc đường cho xe máy. Theo tôi, trong điều kiện đường sá của nước ta hiện nay, thì xe máy mới là phương tiện di chuyển tối ưu, và nó không hề là nguyên nhân gây nên nạn kẹt xe.

Người ta hay nói là nạn kẹt xe gây tổn thất bao nhiêu đó cho nền kinh tế, và đòi hạn chế hoặc cấm xe máy. Nhưng có một điểm rất quan trọng mà những người đòi cấm xe máy chưa bao giờ nghĩ đến, đó là xã hội sẽ thiệt hại bao nhiêu thời gian, cũng tức là bao nhiêu tiền, nếu không có chiếc xe máy. Dường như trong suy nghĩ của họ, người dân chỉ đi từ nhà đến cơ quan, rồi ngồi đó cả ngày cho đến lúc về! Đặc thù của nền kinh tế và đời sống đô thị Việt Nam hiện nay là người dân phải đi lại rất nhiều. Với chiếc xe máy, người ta có thể giải quyết rất nhiều việc trong một buổi sáng.

Với xe buýt thì ngược lại – chỉ đi được một nơi là đã hết buổi. Thiệt hại về thời gian và tiền bạc đó đã được tính đến chưa? Cuối cùng, quan sát đường phố Hà Nội, TPHCM vào giờ cao điểm và giờ bình thường, tôi thấy nguyên nhân gây tắc đường không phải là xe máy, mà chính là xe hơi, trong đó có xe buýt. Xe hơi dàn hàng hai, hàng ba trên đường, giành hết chỗ của xe máy, làm sao mà không tắc? Trong khi đó, ở những con đường nhỏ không có xe hơi lưu thông, ví dụ các hẻm nhỏ, các con đường dọc hai bên đường ray xe lửa, thì không bao giờ có chuyện kẹt xe máy.

Có thể tin chắc rằng nếu Hà Nội và TPHCM cấm xe hơi, xe buýt, thì đường sá sẽ thông thoáng đến không thể ngờ. Lý do là vì số xe hai bánh ở Hà Nội đã bão hòa, người nào cũng có tối thiểu một chiếc để đi, và chỉ có thể ra đường với một chiếc xe, nên số xe hai bánh lưu thông trên đường không thể tăng lên nữa (bất kể số liệu do Cảnh sát giao thông đưa ra là mỗi năm có thêm bao nhiêu xe máy đăng ký mới).

Cấm xe hơi đồng nghĩa với việc diện tích đường cho xe máy tăng lên gấp đôi, trong khi số xe không tăng, làm sao mà không thoáng! Trái lại, vì số xe hơi hiện còn khá ít, mới khoảng 10% lượng phương tiện, nên nếu cấm xe máy thì lập tức số xe hơi sẽ tăng lên chóng mặt. Chỉ cần số xe hơi tăng lên 2 lần thôi, đảm bảo đường sá Hà Nội kẹt cứng. Lúc đó cũng đừng mong tới chuyện cho xe buýt chạy! Xe hơi tệ hơn xe máy ở chỗ, lúc chạy nó chiếm chỗ nhiều gấp mấy lần xe máy đã đành, nhưng lúc đỗ mới là tai họa. Xe máy không bao giờ chiếm lòng đường khi đỗ, còn xe hơi thì ngược lại. Như thế, nếu cấm xe hơi, thì ngoài giờ cao điểm đường sá sẽ còn thông thoáng hơn nữa.

Nếu chỉ có xe máy, thì sẽ không còn hiện tượng xung đột giữa xe hơi và xe máy ở các điểm giao cắt – một nguyên nhân chính gây nên nạn ùn tắc. Vì xe hơi phải chạy tuyến riêng, nên mỗi khi xe hơi rẽ phải thì sẽ xung đột với luồng xe máy. Xe máy rẽ trái cũng xung đột với luồng xe hơi. (Lẽ ra phải quy định là trước các giao lộ thì xe chuẩn bị rẽ phải phải chuyển sang làn đường bên phải, xe rẽ trái chuyển sang làn đường bên trái).

Người dân dùng xe máy vì trong hoàn cảnh cụ thể của đô thị Việt Nam ở thời điểm hiện nay thì xe máy là phương tiện di chuyển tối ưu. Công tác tổ chức giao thông, như đã nói ở trên, là phải làm sao để người dân đi lại thuận tiện nhất trong hoàn cảnh cụ thể đó. Nếu cấm xe máy sẽ làm xáo trộn cuộc sống của 90 – 95% dân số. Nếu cấm xe hơi, sẽ chỉ ảnh hưởng đến vài phần trăm dân số. Những người này có thể đi xe máy, hoặc taxi thay cho xe riêng. Mà ta biết, taxi có hiệu suất chuyên chở cao gấp nhiều lần xe tư. Chỉ cần tăng số lượng taxi lên một chút là ổn.

Tình trạng ket xe ở hai thành phố lớn đã đến mức không thể chịu đựng nổi nữa, vì thế đòi hỏi những biện pháp quyết liệt, và biện pháp nói trên là biện pháp ít gây xáo trộn đời sống của đại đa số người dân thành phố nhất. Nếu như ở những con đường nhỏ hẹp người ta có quyền đặt biển cấm xe ba, bốn bánh, thì ở hai thành phố đông dân nhất nước chính quyền cũng có quyền cấm xe hơi chạy. Chính quyền có thể đền bù cho chủ xe một số tiền gọi là tiền “đền bù giải tỏa”, sau đó chủ sở hữu xe hơi có thể bán xe cho người các tỉnh khác. Cũng như khi mở đường thì bao giờ cũng có một bộ phận dân chúng phải chịu thiệt thòi vì lợi ích chung, chuyện này cũng thế. 

MAI VY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới