Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn, mặn gây thiệt hại hàng trăm ngàn héc ta lúa ở ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạn, mặn gây thiệt hại hàng trăm ngàn héc ta lúa ở ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Diễn biến phức tạp của hạn và xâm nhập mặn – được dự báo là khốc liệt nhất trong 100 năm qua – đã làm ít nhất 166.000 héc ta lúa của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại, trong đó riêng lúa đông xuân 2015-2016 là 104.000 héc ta, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Hạn, mặn gây thiệt hại hàng trăm ngàn héc ta lúa ở ĐBSCL
ĐBSCL đã có ít nhất 166.000 héc ta lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Trong ảnh là một cống ngăn mặn, trữ nước ngọt bảo vệ lúa ở tỉnh Trà Vinh – Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ hôm nay 17-2, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, dẫn báo cáo của bộ cho biết đối với vụ lúa mùa năm 2015, diện tích bị thiệt hại do hạn, mặn là 30.000 héc ta; còn vụ hè thu 2015 cũng bị thiệt hại 32.000 héc ta.

Riêng đối với vụ đông xuân 2015-2016, theo ông Doanh, diện tích gieo trồng ở 8 tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang là trên 971.000 héc ta, trong đó, đã có 104.000 héc ta bị thiệt hại do hạn, mặn, chiếm 11% diện tích xuống giống của khu vực này và chiếm 6,7% diện tích xuống giống trong vụ đông xuân 2015-2016 của cả vùng ĐBSCL (1,55 triệu héc ta).

Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện một số địa phương trong vùng cho rằng con số thiệt hại do hạn, mặn có thể còn lớn hơn rất nhiều so với báo cáo nêu trên.

Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thì số liệu báo cáo của Bộ NN&PTNT ở trên là chưa thống kê đầy đủ con số thiệt hại của địa phương này.

Cụ thể, theo ông Hải, tính đến ngày 20-1, toàn tỉnh đã có 18.000 héc ta diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại, chiếm 56% diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm của địa phương, trong đó thiệt hại trên 70% chiếm 13.400 héc ta và phần diện tích còn lại bị thiệt hại từ 30-40%. “Riêng lúa đông xuân 2015-2016, chúng tôi cũng bị thiệt hại 10.400 héc ta, chiếm 28,5% tổng diện tích sản xuất của tỉnh, trong đó, có 1.200 héc ta bị thiệt hại đến 70%”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của thời tiết thời gian gần đây như tổng lượng mưa năm 2015 giảm từ 20-50% so với trung bình nhiều năm; mực nước trên thượng nguồn sông Mê Kông thấp nhất trong vòng 90 năm trở lại đây, và với tình hình khô hạn năm nay xuất hiện sớm hơn hai tháng và dự báo kết thúc muộn hơn một tháng so với cùng kỳ năm ngoái, thì xâm nhập mặn sẽ còn lấn sâu hơn vào đất liền, làm diện tích sản xuất lúa có nguy cơ bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng.

Thực tế, theo Thứ trưởng Doanh, chỉ riêng 8 tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL như đã nêu ở trên, dự báo hạn, mặn có nguy cơ ảnh hướng đến 339.000 héc ta diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân 2015-2016 ở khu vực này, tương đương chiếm 35,5% diện tích và chiếm đến 21,9% diện tích lúa của ĐBSCL.

Trong khi đó, theo ông Trần Công Chánh, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, nếu không có biện pháp ngăn mặn từ biển Đông và biển Tây lấn sâu vào đất liền, thì năm nay địa phương có nguy cơ có 50% diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại (tổng diện tích sản xuất vụ đông xuân khoảng 77.900 héc ta).

Ngoài gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất lúa, hạn và mặn lấn sâu vào đất liền cũng làm ảnh hưởng đến các vùng chuyên canh cây ăn trái của một số địa phương trong vùng.

Cụ thể, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy mặn đã xuất hiện tại Vĩnh Long và có ảnh hưởng đến các vùng chuyên canh bưởi da xanh, sầu riêng của địa phương; tại Hậu Giang, Sóc Trăng nước mặn cũng xâm nhập đến các vùng chuyên canh cây ăn quả của người dân nơi đây với độ mặn có nơi đạt đến ba phần ngàn.

Theo đánh giá của ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, năm nay là năm xuất hiện khô hạn và xâm nhập mặn với cường độ mạnh nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. “Mặc dù đã có dự báo và trao đổi với các địa phương về các biện pháp ứng phó, nhưng với diễn biến phức tạp như vậy của tình hình hạn mặn, nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn bị thiệt hại nặng”, ông cho biết.

Trước tình hình như vậy, ông Phát đã yêu cầu các địa phương trong vùng cần sử dụng mọi biện pháp ứng phó để bảo vệ lúa đông xuân 2014-2015 đang có trên đồng, “đặc biệt là không để xảy ra tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt vì hạn, mặn”, ông Phát nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới