Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn ngạch xuất khẩu gạo đã hoàn thành ‘sứ mạng lịch sử’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hạn ngạch xuất khẩu gạo đã hoàn thành ‘sứ mạng lịch sử’

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) – Sau một tháng tạm ngừng và áp đặt hạn ngạch xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, Thủ tướng đã cho xuất khẩu gạo trở lại từ ngày 1-5. Đây là quyết định kịp thời.

Xuất khẩu gạo trở lại bình thường ngày 1-5

Bộ Công Thương đề nghị xóa bỏ cơ chế điều hành xuất khẩu gạo

Intimex là "ai" mà thắng lớn trong cuộc đua mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo giữa đêm?

Hạn ngạch xuất khẩu gạo đã hoàn thành 'sứ mạng lịch sử'
Nên nhanh chóng xóa bỏ hạn ngạch để đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhằm tận dụng cơ hội giá tốt vẫn còn trước mắt có lẽ là điều cần được xem xét. Ảnh: N.K

Nguy cơ là có

Không ít ý kiến cho rằng, nếu không áp đặt hạn ngạch xuất khẩu gạo thì chúng ta cũng không lo mất an ninh lương thực trong nước, vì vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúc nào cũng có lúa xanh, lúa chín. Hơn nữa, giới hạn xuất khẩu trong năm nay cũng chỉ có 6,5-6,7 triệu tấn, bình quân tháng chỉ có hơn 500.000 tấn.

Thế nhưng, số lượng gạo xuất đi không phải lúc nào cũng theo mức bình quân. Cụ thể, vào năm 2012 Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, bình quân khoảng 667.000 tấn/tháng, nhưng tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong bốn tháng từ tháng 4 đến hết tháng 7 tới gần 3,5 triệu tấn, tức là đạt 872.000 tấn/tháng (riêng tháng 7 đạt kỷ lục 922.000 tấn). Hoặc trong ba tháng cao điểm xuất khẩu gạo năm 2018 (từ tháng 3 đến tháng 5), tổng khối lượng đạt 2,12 triệu tấn, tức là đạt hơn 700.000 tấn/tháng.

Hiện tại chưa thể khẳng định các quốc gia có tích trữ gạo, cho nên đẩy giá gạo thế giới lên cao hay không, hay là do lo ngại đại dịch gây bất trắc cho nên xúc tiến nhập khẩu sớm hơn, nhưng chỉ riêng thông tin từ phía Philippines cho biết, hiện còn đến 700.000 tấn gạo đã ký kết nhưng chưa được các thương nhân Việt Nam giao hàng, trong khi nước này vẫn đang cân nhắc đến khả năng nhập khẩu thêm 300.000 tấn nữa… cũng cho thấy nhu cầu mua ngay tại thời điểm cao trào của dịch Covid-19 tăng hơn bình thường là có.

Nếu không xóa bỏ hạn ngạch sớm

Những bất cập trong việc xuất khẩu gạo theo hạn ngạch khiến cho việc duy trì phương thức quản lý xuất khẩu này sẽ đẩy chúng ta vào tình trạng bất lợi.

Trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường gạo thế giới vẫn đang rất dồi dào, nhu cầu nhập khẩu gạo được dự báo giảm một khi chuỗi xuất nhập khẩu gạo, đồng loạt bị đứt gãy do đại dịch, được hồi sinh thì xu thế giá gạo thế giới chuyển hướng từ tăng sang giảm là tất yếu.

Trước hết, theo dự báo tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tuy giảm 3 triệu tấn, nhưng tổng sản lượng gạo thế giới năm nay vẫn đạt 496 triệu tấn và tỷ lệ giảm chỉ là 0,6%, còn tiêu dùng gạo tuy tăng, nhưng vẫn thấp hơn sản lượng tới 7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, kho gạo dự trữ của thế giới đầu năm nay đạt kỷ lục gần 176 triệu tấn, tương đương với 131 ngày tiêu dùng, tức là cao khoảng gấp đôi so với giai đoạn sốt nóng giá gạo thế giới gần đây nhất, và từ nay đến cuối năm sẽ còn được bổ sung thêm. Trong bối cảnh cán cân cung – cầu như vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới trong năm nay, theo dự báo của cơ quan này, sẽ giảm xuống chỉ còn 41,2 triệu tấn so với mức 43,6 và 47 triệu tấn hai năm liền kề trước.

Dự báo gần đây nhất của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) cũng xác nhận xu thế này của thị trường ngũ cốc thế giới nói chung. Đó là, thị trường ngũ cốc toàn cầu trong năm 2019-2020 dự kiến sẽ duy trì ở trạng thái tốt.

Rõ ràng, nếu những dự báo đó là đúng và nếu không có việc thị trường gạo thế giới nói chung đều sôi động do nhập khẩu tăng để tăng tích trữ lương thực trong đại dịch, và nguồn cung cục bộ giảm do một số nơi bị mất mùa, thì giá gạo đã có thể giảm.

Ở vựa lúa châu Á, chiếm gần 90% tổng sản lượng của thế giới, Ấn Độ được mùa, giá rất “mềm”, nhưng xuất khẩu hầu như bị tê liệt do phải phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế dịch bệnh. Còn Thái Lan và Mỹ lại mất mùa, xuất khẩu vẫn liên tục được duy trì nhưng khối lượng xuất khẩu giảm, còn giá lại được đẩy lên rất cao.

Tuy nhiên, với việc các quốc gia xuất khẩu gạo lớn đều chào giá trở lại vào đầu hạ tuần tháng 4 này, đồng nghĩa với hầu hết các chuỗi giá trị xuất nhập khẩu gạo rất quan trọng đều đang được khôi phục trở lại, chắc chắn giá cả sẽ nhanh chóng được điều chỉnh để phù hợp với tương quan cung – cầu thực tế.

Hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4-2020 chỉ có 400.000 tấn, được cho là thấp nếu tính theo mức xuất bình quân tháng, nhưng tới sáng ngày 26-4-2020 tổng khối lượng gạo đã hoàn thành thủ tục thông quan chỉ mới là 216.000 tấn, vẫn chậm hơn nhiều so với mục tiêu và vì sự chậm trễ này nguy cơ đe dọa an ninh lương thực trong nước hầu như đã biến mất. Vì vậy, việc nhanh chóng xóa bỏ hạn ngạch để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sẽ giúp tận dụng cơ hội giá tốt vẫn còn trước mắt.

Không những vậy, với những kết quả chống dịch rất tốt cho tới thời điểm này, cộng với hạn mặn đang dần đi qua, thì khối lượng gạo 400.000 tấn giữ lại để đảm bảo cho nhu cầu trong nước cũng không còn cần thiết nữa. Số gạo này sẽ trở thành gạo hàng hóa và nhanh chóng trở thành áp lực tiêu thụ đối với người trồng lúa.

Trong khi đó, việc thu hoạch lúa hè thu sớm đã bắt đầu, còn tháng 6 sẽ thu hoạch rộ, áp lực tiêu thụ vụ lúa lớn thứ hai đã cận kề.

Nói tóm lại, trong điều kiện thị trường gạo thế giới và trong nước như vậy, việc gỡ bỏ hạn ngạch để sớm rộng đường cho xuất khẩu được giá là giải pháp tốt nhất hiện nay. Bởi lẽ, nếu không “nhanh chân”, thì hợp đồng “nhập khẩu thêm 300.000 tấn của Philippines có thể được chuyển sang Ấn Độ với giá quá “mềm”, còn ách tắc trong xuất khẩu của chúng ta thì nông dân sẽ phải trả giá trong việc tiêu thụ lúa hè thu. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới