Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc chật vật mời gọi doanh nghiệp hồi hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàn Quốc chật vật mời gọi doanh nghiệp hồi hương

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Dù đã tung ra nhiều chính sách đãi ngộ để giúp các nhà máy trong nước cạnh tranh với Trung Quốc và Đông Nam Á, chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thuyết phục được các doanh nghiệp sản xuất của nước này, đang hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, hồi hương.

Hàn Quốc chật vật mời gọi doanh nghiệp hồi hương
Công nhân làm việc ở nhà máy Beijing Hyundai Motor ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhà máy này là một liên doanh sản xuất ô tô giữa hãng xe Hyundai Motor (Hàn Quốc) và hãng xe BAIC Motor (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Bà Park Young-sun, Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp (startup) Hàn Quốc, cho biết chính phủ Hàn Quốc đang tăng cường các nỗ lực khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc đưa hoạt động sản xuất trở về nước giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng trưởng trong nước trì trệ vì tác động của đại dịch Covid-19.

Trong cuộc trao đổi với tờ Financial Times, bà nói: “Vẫn chưa biết liệu xu hướng hồi hương của các doanh nghiệp Hàn Quốc có tăng tốc hay không nhưng tôi cho rằng các chính sách đãi ngộ của chúng tôi sẽ tác động đến quyết định của các nhà sản xuất có giá trị gia tăng cao”.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc ngần ngại đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về nước do chi phí trả lương cho người lao động ở Hàn Quốc cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á cũng như các biện pháp bảo vệ quyền lợi lao động nghiêm ngặt ở Hàn Quốc. Hơn nữa, nếu trở về nước, các doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc sẽ đánh mất lợi thế tiếp cận trực tiếp các thị trường xuất khẩu lớn.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 8% trong số 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc đang hoạt động ở Trung Quốc và Việt Nam nói rằng họ sẵn sàng hồi hương.

“Dù môi trường kinh doanh đang thay đổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khó kỳ vọng tiến triển lớn trong xu hướng hồi hương, trừ phi chính phủ Hàn Quốc đưa ra các chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn để bù đắp cho chi phí đầu tư mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bỏ ra ở nước ngoài”, Park Seok-gil, nhà kinh tế ở Ngân hàng JPMorgan, nhận định.

Bà Park Young-sun cho biết, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách như giảm thuế, tăng trợ cấp và hỗ trợ tài chính khác cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp hồi hương. Sự hỗ trợ tài chính này nhằm đẩy mạnh tự động hóa trong các nhà máy, đặc biệt là thông qua việc sử dụng nhiều hơn robot và trí tuệ nhân tạo, để bù đắp cho chi phí nhân công cao hơn ở Hàn Quốc.

Các nỗ lực mới nhất nhằm thuyết phục doanh nghiệp trở về nước là một trụ cột trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp trong nước đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Kể từ năm 2014, có 80 doanh nghiệp Hàn Quốc, chủ yếu là trong ngành sản xuất ô tô và linh kiện điện tử, đưa hoạt động sản xuất về nước, trong khi đó, có đến 21.000 doanh nghiệp Hàn Quốc thành lập công ty con và chi nhánh ở nước ngoài, theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

Trong ba năm qua, số doanh nghiệp Hàn Quốc đi ra kinh doanh ở nước ngoài tăng hơn 10%. Năm ngoái, đầu tư ở nước ngoài của các doanh nghiệp Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 61,9 tỉ đô la Mỹ, cao hơn gấp 5 lần giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc.

Oh Suk-tae, nhà kinh tế ở Ngân hàng Société Générale, cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc vẫn bám trụ ở Trung Quốc bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm tách rời chuỗi cung ứng công nghệ khỏi nước này.
“Chúng tôi giờ đây đã ‘an cư’ ở Trung Quốc với hoạt động kinh doanh đã đi vào ổn định. Đó là một thị trường lớn với chi phí nhân công rẻ hơn.

Chúng tôi không thể từ bỏ Trung Quốc chỉ bởi vì chính phủ Hàn Quốc chào mời các chính sách ưu đãi thuế nhỏ”, một doanh nhân Hàn Quốc, người đã đến Trung Quốc xây dựng nhà máy cách đây 15 năm, nói

Pushan Dutt, Giáo sư kinh tế ở Trường Kinh doanh INSEAD, lưu ý rằng hồi hương là một chiến lược tốn kém đối với nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc. Ông nói: “Sức mạnh cốt lõi của Hàn Quốc nằm ở chỗ các doanh nghiệp của họ hòa nhập vào các chuỗi giá trị sâu rộng trên toàn cầu đến mức nào và vốn chuyên môn của họ được sử dụng để quản lý hiệu quả hoạt động phức tạp của họ ra sao. Vậy nên, các chính sách khuyến khích hồi hương của Hàn Quốc xung đột với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh cốt lõi của các công ty Hàn Quốc và có thể phản tác dụng”

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 7-9, Tổng thống Mỹ, Donald Trump, cho biết ông sẽ tiếp tục hạn chế quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc.

Ông cảnh báo sẽ áp thuế trừng phạt nhằm vào các công ty Mỹ rời bỏ quê hương để tạo việc làm ở Trung Quốc đồng thời cấm những công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc nhận thầu các hợp đồng mua sắm công của chính quyền liên bang.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới