Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hãng cho thuê máy bay lỗ nặng trong quí 1 do không thể thu hồi máy bay tại Nga

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hơn 400 máy bay cho thuê trị giá gần 10 tỉ đô la đang còn bị kẹt ở Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đã trả đũa bằng cách cho phép các hãng bay trong nước giữ lại tài sản của hãng cho thuê và đăng bạ với chính quyền địa phương.

Các hãng cho thuê lâm vào thế khó: hoặc vác đơn đi đòi bồi thường từ các hãng bảo hiểm hoặc xóa giá trị của những máy bay này trên sổ sách. Hệ quả là các hãng cho thuê lỗ nặng trong quí 1 khi phải xóa đi món tiền khổng lồ đang bị “cầm giữ” ở Nga.

Sau ngày 28-3, Nga đã cho phép hãng hàng không quốc gia Aeroflot và các hãng bay của Nga giữ lại và đăng bạ trong nước các máy bay thuê từ nước ngoài. Ảnh: Reuters

Các hãng cho thuê máy bay châu Á, phần lớn từ Trung Quốc, đều đăng ký ở Ireland để tận dụng các ưu đãi về thuế tại đây, chẳng hạn như Avolon Holdings thuộc hãng mẹ Bohai Leasing của Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng do hãng kiểm toán KMPG công bố đầu năm, Avolon là hãng cho thuê máy bay lớn thứ hai thế giới tính theo quy mô đội bay, chỉ sau AerCap.

Bohai thiệt hại 298 triệu đô la liên quan đến 10 chiếc máy bay của Avolon đang bị mắc kẹt ở Nga – công ty niêm yết trên sàn Thẩm Quyến thông báo vào cuối tuần rồi. Trong tháng 3, Avolon chỉ thu hồi được 4/10 chiếc máy bay. Bohai cho biết có một “mức độ không chắc chắn tương đối lớn” và có thể mất trắng sáu máy bay còn lại. Hãng đang chờ đợi cơ hội và tìm cách lấy phần nợ còn lại. Dưới tác động của việc xóa các khoản ghi nợ ở Nga, Bohai đã lỗ ròng hơn 737 triệu nhân dân tệ (hơn 111 triệu đô la) trong quí đầu năm 2022.

Trong báo cáo thường niên công bố tuần rồi, BOC Aviation, hãng con có niêm yết tại Hồng Kông của Ngân hàng Trung Quốc, nói rằng 17/18 máy bay đã cho các hãng S7 Airlines, Ural và Pobeda thuê vẫn còn bị kẹt lại ở Nga. Những chiếc máy bay này có giá trị ròng trên sổ sách là 589 triệu đô la, tương đương 2,5% tổng tài sản của tập đoàn tính đến ngày 31-3.

“Đây là một tình huống diễn biến phức tạp và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi dự định tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp trừng phạt và các luật tương tự khác áp dụng cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, thông cáo của BOC Aviation viết.

CDB Aviation, chi nhánh của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, đã cắt giảm tỷ lệ tiếp xúc với Nga 3-4% tổng giá trị sổ sách ròng – nhà phân tích Cathy Lai thuộc S&P Global Ratings cho biết. Trước đó, tập đoàn này cho thuê 15 máy bay tại Nga, chiếm khoảng 6% số máy bay của họ. Bà Lai nói rằng khả năng thu hồi thành công sẽ làm giảm con số có nguy cơ thất thoát.

CDB chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, nhưng CDB Financial Leasing nói rằng họ “hiện đang theo dõi tác động có thể xảy ra của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine” đối với các tài sản cho thuê của mình.

Các hãng châu Á như IBCB Financial Leasing và Goshawk cũng cho các hãng Nga thuê máy bay. Tuy nhiên, trang web của Goshawk không còn liệt kê Aeroflot hoặc Ural trong danh sách các khách hàng của mình.

Trong báo cáo hàng năm công bố hồi tháng 3, tập đoàn China Aircraft Leasing Group (CALG) của Trung Quốc có niêm yết tại Hồng Kông cho biết các quan hệ làm ăn tại Nga “tương đối nhỏ”, với chỉ một máy bay cho hai hãng của Nga thuê. CALG nói máy bay này có giá trị khoảng 81 triệu đô la và hãng sẽ “tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình khi có diễn biến mới”.

Aircastle, do hai tập đoàn Marubeni và Mizuho Leasing của Nhật Bản kiểm soát, cũng thực hiện tương tự. Tuần trước Aircastle cũng xóa sổ 251,9 triệu đô la sau khi chỉ thu hồi được 2/12 chiếc được các nhà khai thác Nga thuê bên cạnh một máy bay khác từ Ukraine. Kết quả là Aircastle ghi nhận lỗ ròng 215,9 triệu đô la trong quí. Danh mục đầu tư tại Nga của hãng đã tạo ra doanh thu 3,5 triệu đô la trong tháng 2.

Hãng Air Lease của Mỹ tuần trước cũng nói rằng dự kiến ​​sẽ xóa sổ 802,4 triệu đô la tại thị trường trong báo cáo kết quả kinh doanh quí 1, dự kiến phát hành trong tuần. Air Lease có 27 máy bay mà hãng sở hữu và quản lý đang bị mắc kẹt ở Nga.

“Nhiều thập niên chung sống trong nền kinh tế thời bình đã giúp hàng không toàn cầu phát triển và thịnh vượng, đặc biệt là dịch vụ cho thuê máy bay. Cuộc chiến ở Ukraine cùng các lệnh trừng phạt của quốc tế đã khiến mọi thứ trong tương lai rất khó dự đoán”, CEO Mike Inglese của Aircastle phát biểu trong buổi họp báo tuần rồi.

Theo Reuters, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới