Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng chục tỉ đồng chạy dầu bơm nước chống hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng chục tỉ đồng chạy dầu bơm nước chống hạn

Văn Nam

Hàng chục tỉ đồng chạy dầu bơm nước chống hạn
Cánh đồng lúa vụ đông xuân ở tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Trung Thanh

(TBKTSG Online) – Chính quyền tỉnh Bình Định đã chi hơn 40 tỉ đồng mua dầu chạy máy bơm nước tưới chống hạn cho cây lúa, nhờ đó hơn 12.000 héc ta lúa đông xuân trước tình hình khô hạn khốc liệt năm nay đến nay vẫn an toàn, chờ ngày thu hoạch.

>> Hạn hán làm giảm sản lượng nông nghiệp

>> Miền Trung sẽ hạn nặng năm nay

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, mặc dù lúa vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh gần như “thoát hiểm” qua đợt hạn hán năm nay, nhưng tình hình hạn hán kéo dài có khả năng đe dọa đến vụ lúa hè thu sắp tới.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm may (18-3), ông Hồ Ngọc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay đến giờ này thì hơn 12.000 héc ta lúa vụ đông xuân của tỉnh gần như an toàn, không thiệt hại do hạn, mặn.

Trước đó vào cuối tháng 2-2013, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo các tỉnh khu vực Trung bộ từ Quảng Trị đến Ninh Thuận sẽ chịu tình trạng hạn hán khốc liệt nhất trong tháng 7, tháng 8 bởi đến tháng 9 năm nay khu vực này mới có mưa.

“Chúng tôi đang lo nước vụ hè thu, tỉnh sẽ khoanh vùng để canh tác vụ hè thu. Vùng nào chủ động được nước mới làm lúa, còn không chuyển sang đồng cạn trồng các cây phù hợp như lạc, ngô, vừng…”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện tình hình khô hạn đang ảnh hưởng đến năng suất của hơn 7.000 héc ta cây lạc vụ đông xuân, năng suất giảm còn khoảng 26 tạ/héc ta so với 30 tạ/héc ta năm ngoái.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, đầu vụ đông xuân năm nay dự báo tình hình khô hạn kéo dài trong mùa khô năm nay sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hàng chục ngàn héc ta lúa, hoa màu của địa phương này.

Tuy nhiên, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (18-3), ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết mặc dù đầu mùa dự báo tình hình rất xấu, nhưng gần đây do có mưa bổ sung nên gần 38.000 héc ta lúa có tưới và 5.000 héc ta lúa nước trời, tổng cộng 43.000 héc ta lúa đông xuân của tỉnh chưa bị tác động gì.

“Đến nay lúa bắt đầu trổ bông, có thể nói hầu như đến nay lúa Quảng Nam không bị hạn làm ảnh hưởng, riêng lúa sử dụng nước trời năm nay được mùa hơn năm trước nhờ có mưa bổ sung”, ông Muôn cho hay.

Mặc dù tỉnh vẫn đưa ra kịch bản xấu về hạn hán cho vụ hè thu tới, nhưng tình hình có thể sẽ không quá căng thẳng bởi Quảng Nam còn có lũ tiểu mãn dự kiến đổ về vào khoảng giữa tháng 5, có khả năng giúp giải hạn cho lúa hè thu.

Còn ông Đào Minh Hường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cũng cho biết nhờ áp dụng nhiều biện pháp như hệ thống tưới tự chảy, sử dụng máy bơm chạy dầu và điện nên đến giờ này, khoảng 37.000 héc ta lúa đông xuân cả tỉnh đang trổ bông, an toàn chờ thu hoạch.

Cũng như Quảng Nam, nông dân tại Quảng Ngãi hiện chỉ đang lo cho nguồn nước tưới cây lúa vụ hè thu tới nếu tình hình khô hạn tiếp tục duy trì đến tháng 6, tháng 7.  

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 14-3 vừa qua cho thấy, khu vực Nam Trung bộ hiện có 17.277 héc ta cây trồng bị thiếu nước, hán hán và xâm nhập mặn, trong đó mất trắng 50 héc ta lúa. Còn khu vực Tây nguyên có đến 73.773 héc ta cây trồng thiếu nước do hạn hán, trong đó mất trắng hơn 400 héc ta, nguồn nước tưới cây cà phê thiếu nghiêm trọng.

Hầu hết các hồ thủy lợi, thủy điện đều có dung tích thấp hơn nhiều so với mực nước thiết kế, nhiều hồ chứa đã cạn hoặc gần chạm mực nước chết.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo từ nay đến ngày 20-3, mực nước ở các sông khu vực Trung bộ và Tây Nguyên xuống chậm. Lượng dòng chảy trung bình tuần trên các sông chính Trung bộ và Tây Nguyên ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50-60%, riêng các sông ở Nghệ An thiếu từ 15-55%.

Trong khi đó, ở khu vực Nam bộ, tình hình xâm nhập mặn sâu 40 – 50 km diễn ra ở một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh với độ mặn dao động 3-4 phần ngàn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới