Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng dệt may xuất khẩu tăng kỷ lục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng dệt may xuất khẩu tăng kỷ lục

Quốc Hùng

Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng cao nhất trong 4 năm qua -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Xuất khẩu hàng dệt may trong sáu tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng kỷ lục, cao nhất trong vòng 4 năm qua, ước đạt 6,16 tỉ đô la Mỹ. 

Tại buối họp Tổng kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011 của ngành dệt may vào ngày 24-6, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết xuất khẩu dệt may toàn ngành trong 6 tháng đầu năm nay tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2010. So với những tháng đầu năm trong 4 năm qua, đây là mức tăng xuất khẩu cao nhất của ngành. Như vậy, bình quân mỗi tháng xuất khẩu của mặt hàng này lên đến trên 1 tỉ đô la Mỹ, riêng tháng 6 ước đạt 1,15 tỉ đô la Mỹ tăng 11% so với tháng 5.

Theo ông Trường, với tốc độ này, khả năng xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2011 có thể đạt mục tiêu đề ra là trên 13 tỉ đô la Mỹ, thậm chí có khả năng vượt chỉ tiêu khoảng 200 -300 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Trường các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều tương đối thuận lợi với đơn hàng khá ổn định. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may thế giới 6 tháng đầu năm vào Hoa Kỳ tăng 7,5%; vào châu Âu tăng 25% vào Nhật Bản tăng 23,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu tổng xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam chiếm 56% tổng sản lượng xuất khẩu. 

Mặc dù vậy, ông Trường cho biết nhập khẩu nguyên liệu dệt may trong những tháng đầu năm 2011 cũng tăng mạnh (tăng về giá trị do giá nguyên liệu thị trường thế giới tăng cao), trong đó bông tăng 103% về giá trị nhưng giảm gần 10% về lượng; vải tăng 38%… so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, xét riêng trong lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu, dệt may vẫn xuất siêu gần 2,1 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù xuất khẩu tăng cao, nhưng lợi nhuận cho cả ngành trong thời gian này ước chỉ đạt khoảng 1.000 tỉ đồng và riêng Vinatex là khoảng 600 tỉ đồng. Theo ông Trường, đây là con số còn khá khiêm tốn và đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nâng cao giá trị xuất khẩu như gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm bằng thiết kế của Việt Nam…

Ông Trường nhấn mạnh định hướng chiến lược sản phẩm sắp tới của ngành là tập trung phát triển và tận dụng thị trường xuất khẩu trong đó cần đa dạng hóa và nâng cao đẳng cấp mặt hàng; thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh từ gia công sang FOB hướng tới mục tiêu bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế (ODM) khoảng 20% vào năm 2020. Ông Trường cho biết Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sản phẩm có thiết kế (ODM) từ năm 2010 đạt khoảng 2% và sẽ tăng lên 5% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ ngành may trong các hoạt động thiết kế thời trang, hỗ trợ nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, một ưu tiên khác mà ngành dệt may cần phát triển là phát triển cây nguyên liệu như cây bông, xơ sợi tổng hợp và phụ liệu và đồng thời đầu tư các nhà máy kéo sợi. Và một ưu tiên khác là sản xuất vải và phụ liệu phục vụ xuất khẩu.

* Trong 6 tháng qua, Vinatex đã triển khai 52 dự án đầu tư, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sợi và may mặc, trong đó có một số dự án sản xuất sợi hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Song song đó, tập đoàn cũng tạm hoãn những dự án dệt, nhuộm có vốn đầu tư cao, tỉ suất lợi nhuận/vốn dưới 20% đến khi tình hình vĩ mô ổn định hơn. Ngoài ra, Vinatex cũng đàm phán với các nhà thầu để giảm tỉ lệ giải ngân trong năm 2011 đối với những dự án có thời hạn đầu tư lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới