Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng hóa “rủ nhau” tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng hóa “rủ nhau” tăng giá

Văn Nam- Thái Hằng- Quốc Hùng

Nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng trên thị trường chuẩn bị đợt tăng giá mới. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Việc tăng giá xăng dầu thêm trung bình 2.000 đồng/lít vừa qua tiếp tục gây thêm sức ép lên nhiều loại hàng hóa trên thị trường, không ngoại trừ các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá. Trước sức ép đó, các đơn vị tham gia bình ổn cũng được cho phép điều chỉnh giá bán.

>>Tác động của tăng giá điện, xăng dầu

>>Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá cước

>>Giá xăng tăng lên 21.300 đồng/lít

Xi măng, sắt thép nhìn nhau thăm dò

Theo lời người bán của một cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận Gò Vấp, TPHCM, các hãng xi măng lớn như Hà Tiên 1, Holcim … vừa thông báo sẽ tăng giá xi măng thêm 7.500 đồng/bao (loại 50 kg) kể từ ngày 1-4.

Người này cũng cho biết, trong vài ngày gần đây, nhiều hãng sản xuất xi măng có dấu hiệu đóng cửa, không giao hàng để đợi qua ngày 1-4.

Hiện giá xi măng Hà Tiên 1, xi măng Holcim trên thị trường dao động khoảng 75.000 – 76.000 đồng/bao. Một số nhà thầu xây dựng tại TPHCM cho biết nếu tăng thêm 7.500 đồng/bao thì đây là mức tăng giá cao nhất từ trước đến nay.

Ông Trần Thanh Phương, một nhà thầu xây dựng ở quận 10, TPHCM phản ánh rằng trong 2 ngày 30 và 31-3, việc mua xi măng cho các công trình gặp khó khăn do các đại lý báo khan hàng vì các hãng sản xuất không giao hàng.

“Đây có thể là chiêu “ghim hàng chờ giá” của các nhà sản xuất xi măng”, ông Phương cho hay.

Ngoài xi măng, giá thép trên thị trường cũng đang rục rịch tăng theo giá xăng dầu mặc dù nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường vẫn khá ảm đạm.

Theo một cửa hàng bán sắt thép xây dựng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM, thông tin từ một số nhà sản xuất thép cho biết giá thép có khả năng tăng thêm 200.000 đồng/tấn từ đầu tuần tới.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì đến hôm 31-3, vẫn chưa nghe thông tin tăng giá nào từ các nhà sản xuất thép trong nước. Giá xuất xưởng (chưa thuế VAT) của các loại thép sử dụng phổ biến vẫn đang đứng ở mức từ 15,8 – 16,4 triệu đồng/tấn.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 31-3, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, cho biết giá thép trong thời gian tới, cụ thể là trong tháng 4 sẽ khó có biến động bởi nhu cầu tiêu thụ được dự báo còn ảm đạm hơn cả tháng 3.

Theo ông Nghi, tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ cả nước trong tháng 3 ước khoảng 350 ngàn tấn, giảm 125 ngàn tấn so với lượng tiêu thụ trong tháng 2.

“Với yêu cầu cắt giảm, hoãn tiến độ các dự án đầu tư công của hầu hết các bộ ngành, địa phương thì nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tháng 4, tháng 5 tới có thể sẽ ảm đạm hơn cả tháng 3, và do vậy giá thép sẽ rất khó tăng thêm”, ông giải thích.

Mặc dù vậy, nhưng ông Nghi cũng cho biết khó khăn nhất của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước chính là chi phí sản xuất đầu vào tăng đáng kể.

Giá phôi thép nhập khẩu vẫn đang đứng ở mức cao, dao động từ 670 – 690 đô la Mỹ/tấn. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu xăng dầu tăng, lãi suất ngân hàng cao, công với lượng thép chứa hàm lượng Bo nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt khiến nhà sản xuất thép trong nước phải xoay xở, chật vật tìm đủ mọi cách để cạnh tranh.

Người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu trước tình trạng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá. Ảnh: Thái Hằng

Hàng bình ổn cũng phải tăng giá

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hiện cũng đang loay hoay với mặt bằng giá mới.

Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, một đơn vị tham gia bình ổn giá tại thị trường Đồng Nai và TPHCM nói ông chưa biết phải giải quyết thế nào vì cách đây 2 tuần vừa đề nghị Sở Công Thương, Sở Tài Chính và Saigon Co.op – nơi phân phối hàng hóa cho tổng công ty, cho phép tăng giá bán.

“Đề nghị tăng giá đợt rồi chưa được chấp thuận thì các nhà chăn nuôi của tôi lại yêu cầu tăng giá mua vô vì hàng loạt chi phí đầu vào tiếp tục tăng, đội giá thành chăn nuôi. Doanh nghiệp không thể không tăng giá bán. Tôi đang tính sẽ gộp 2 đợt tăng giá này đề nghị trong văn bản kế tiếp”, ông nói.

Chỉ trong 2 tháng vừa qua, giá heo hơi trên thị trường tăng từ 37.000 đồng/kg lên 52.000 đồng/kg. “Đây là đợt tăng giá cao nhất tôi từng chứng kiến!”, ông nói. Cùng thời gian, thức ăn chăn nuôi, chiếm đến 80% giá thành cũng tăng khoảng 20%, giá một số loại thành phần làm thức ăn chăn nuôi cũng tăng hàng tuần.

Theo Công ty Vissan, thời điểm hiện tại, giá heo hơi trên thị trường lên đến 52.000 đồng/kg, nhưng giá hàng bình ổn áp dụng từ tháng 6-2010 đến nay, được tính toán trên cơ sở giá heo hơi 34.000 đồng/kg. Nếu cộng tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành thì giá bán các sản phẩm bình ổn của công ty phải tăng ít nhất 30% so với hiện tại. Trong khi đó, đại diện Công ty Ba Huân cho biết từ ngày 1-4, giá trứng bình ổn giá sẽ tăng khoảng 15% – 20%.

Trong tháng 4 này, các siêu thị cũng như nhà cung ứng cho biết sẽ tăng giá nhiều mặt hàng do tác động của tình hình tăng giá chung.

Chủ hệ thống siêu thị Citimart và Maximark cho biết bên cạnh việc tăng giá nhiều mặt hàng trong tháng 3 rồi, thì trong tháng 4 này sẽ có nhiều mặt hàng tiếp tục điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Các mặt hàng đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa sẽ tăng 10-15% do một số nhà cung cấp đã báo trước từ giữa đầu tháng 3. Trong khi đó, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thị gà, heo tăng 5-10%.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống Citimart cho biết từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà cung cấp hàng đều báo điều chỉnh giá bán theo hướng tăng và từ đó đến nay cứ điều chỉnh giá bán.

Còn hệ thống siêu thị Co.opMart sau một thời gian đàm phán cùng nhà cung cấp giữ giá và sau khi đã bán hết lượng hàng dự trữ cũng sẽ chính thức áp dụng mức giá mới theo đề nghị của các nhà cung cấp từ đầu tháng 4. Ngoài mặt hàng nhựa có mức tăng 5-10%, các mặt hàng sữa bột của Vinamilk, nước giải khát nhãn hàng Sting của Pepsi cũng tăng 5% và một số mặt hàng thịt heo tăng 10-15%.

Sở Công Thương TPHCM ngày 30-3 đã gửi UBNDTP phê duyệt chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012, với 22 doanh nghiệp tham gia bình ổn, và nhận tổng số vốn 412 tỉ đồng không lãi suất trong thời gian 12 tháng. Như vậy, từ ngày 1- 4, tiền vốn sẽ bắt đầu được giải ngân, đồng thời hàng hóa bình ổn năm 2011 sẽ được đưa ra thị trường.

Đặc biệt, từ đầu năm 2011 do ảnh hưởng giá cả nhiều mặt hàng nhóm lương thực thực phẩm trên thế giới diễn biến phức tạp theo hướng tăng giá, cộng với tình hình trong nước lãi suất cho vay cao, xăng dầu, điện tăng giá, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng… do vậy, UBND TP cũng cho phép đơn vị bình ổn điều chỉnh tăng giá bán trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng cao hơn 15% so với thời điểm đăng ký bán bình ổn. Việc thẩm định do Sở Tài chính quyết định.

Sẽ có 9 nhóm hàng hóa, với số lượng chiếm khoảng 20-25% nhu cầu thị trường, được đưa ra bán.

Cụ thể, hàng tháng các đơn vị bình ổn sẽ bán ra 5.500 tấn gạo nếp, 2.100 tấn đường, 800 tấn dầu ăn, trên 1.700 tấn thịt gia cầm, 18 triệu quả trứng gia cầm, trên 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 1.430 tấn rau củ quả, trên 165 tấn thủy hải sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới