Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng hóa Trung Quốc bị kêu gọi tẩy chay ở Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng hóa Trung Quốc bị kêu gọi tẩy chay ở Ấn Độ

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hàng hóa Trung Quốc đang đối mặt làn sóng kêu gọi tẩy chay ở Ấn Độ sau vụ ẩu đả ở biên giới Ấn-Trung, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Hàng hóa Trung Quốc bị kêu gọi tẩy chay ở Ấn Độ
Người dân ở Ahmedabad, bang Gujarat (Ấn Độ) biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, ủng hộ hàng hóa trong nước. Ảnh: Business Insider

Tối 15-6, khoảng 600 binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc đã lao vào một vụ ẩu đả bằng nắm đấm, đá và gậy gộc ở một khu vực núi non tại thung lũng Galwan thuộc vùng tranh chấp Ladakh nằm giữa biên giới Ấn-Trung.

Vụ ẩu đả khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc ghi nhận có thương vong nhưng không công bố con số cụ thể.

Các nguồn tin ở Ấn Độ cho biết có khoảng 43 binh sĩ Trung Quốc thương vong. Đây là vụ xung đột đẫm máu nhất giữa hai nước trong 45 năm qua.

Bắc Kinh và New Delhi đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân dẫn đến ẩu đả. Phía Trung Quốc cho rằng, các binh sĩ Ấn Độ vi phạm một thỏa thuận song phương vì cố tình khiêu khích và tấn công binh sĩ Trung Quốc sau khi vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC), một đường phân chia ranh giới lỏng lẻo dài hàng ngàn kilomet giữa hai nước ở Ladakh. Trong khi đó, phía Ấn Độ nói rằng các binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua LAC ở 3 điểm rồi dựng lều và chốt kiểm soát.

Sau vụ ẩu đả, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý kiểm soát tình hình nhưng cơn phẫn nộ đang cao ở Ấn Độ. Các vụ biểu tình chống Trung Quốc, kêu gọi tẩy chay hàng nước này và cắt đứt quan hệ thương mại với Bắc Kinh diễn ra nhiều nơi trên cả nước.

Các cuộc vận động không dùng hàng hóa, ứng dụng của Trung Quốc cũng sôi sục trên các mạng xã hội.

Hôm 17-6, Liên minh các thương nhân toàn Ấn Độ (CAIT) lên án hành động “xâm lược quân sự của Trung Quốc” và công bố danh sách hơn 500 chủng loại sản phẩm liên quan đến 3.000 mặt hàng của Trung Quốc cần tẩy chay gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh, điện và điện tử, đồ chơi, hàng dệt may, giày dép, dụng cụ bếp…

CAIT đại diện cho 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội kinh doanh ở Ấn Độ.

Praveen Khandelwal, Tổng thư ký CAIT cho biết: “70 triệu thương nhân ở đất nước chúng ta đã quyết định tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc”.

Theo CAIT, các sản phẩm nói trên không đòi hỏi công nghệ cao trong sản xuất, vì vậy, có thể được sản xuất tại Ấn Độ. Lý do Ấn Độ vẫn nhập khẩu chúng là vì giá rẻ.

Praveen Khandelwal tuyên bố mục tiêu của cuộc vận động tẩy chay này là giảm 13 tỉ đô la Mỹ kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hoàn thiện của Trung Quốc vào tháng 12-2021.

Khandelwal cũng gửi thư ngỏ đến những người nổi tiếng bao gồm các ngôi sao điện ảnh ở Ấn Độ để đề nghị họ từ bỏ làm đại sứ thương hiệu hay quảng cáo cho hàng hóa Trung Quốc.

Nhiều người dân Ấn Độ tìm kiếm danh sách hàng hóa Trung Quốc trên Google để tẩy chay. Họ sử dụng các khóa tìm kiếm như “danh sách ứng dụng Trung Quốc ở Ấn Độ”, “danh sách các sản phẩm Trung Quốc ở Ấn Độ”, “các mặt hàng thay thế sản phẩm của Trung Quốc”.

Dòng hashtag #BoycottChineseProducts (Tẩy chay sản phẩm Trung Quốc) đang trở thành xu hướng thịnh hành trên mạng Twitter ở Ấn Độ trong hai ngày qua.

Tổng Thư ký quốc gia của đảng cầm quyền Nhân dân Ấn Độ (BJP), Ram Madhav, nói rằng nếu người dân muốn tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, ông tôn trọng thái độ đó của họ.

Thứ trưởng Bộ Trao quyền và Công lý xã hội Ấn Độ, Ramdas Athawale, đề nghị cấm các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc.

Ông nói: “Các nhà hàng bán đồ ăn Trung Quốc nên bị cấm. Tôi kêu gọi mọi người tẩy chay đồ ăn Trung Quốc”.

Trước làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đang dâng cao ở Ấn Độ, hãng smartphone Oppo (Trung Quốc) quyết định hủy kế hoạch phát sóng trực tiếp lễ ra mắt mẫu điện thoại cao cấp Find X2 ở Ấn Độ qua kênh YouTube hôm 17-6.

Song các chuyên gia cho rằng khó tẩy chay hoàn toàn hàng hóa Trung Quốc khi mà nền kinh tế Ấn Độ đang phụ thuộc quá lớn vào đầu tư, linh kiện và nguyên liệu thô từ nước này.

Hơn nữa, hàng hóa và nguyên liệu Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh nhờ giá rẻ. Vì vậy, họ cho rằng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc có thể gây tổn thương cho Ấn Độ nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ, phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc, đã chịu thiệt hại lớn khi các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bị gián đoạn do cơn bùng phát dịch Covid-19. Nếu tình trạng gián đoạn này tiếp diễn do căng thẳng giữa hai nước, họ sẽ càng mất nhiều thời gian để phục hồi.

Aneesh Srivastava, Giám đốc đầu tư ở Công ty bảo hiểm Star Health & Allied Insurance, nói: “Hàng loạt doanh nghiệp Ấn Độ đang nhập khẩu linh kiện và hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu căng thẳng giữa hai nước leo thang. Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng bền, túi xách, linh kiện ô tô và một số công ty thương mại điện tử ở Ấn Độ có thể phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh”.

Business Today, Times of India

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới