Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không châu Á bị chính sách phòng chống Covid cản đường hồi phục

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các hãng hàng không phương Tây đang dẫn dắt về tốc độ hồi phục từ khủng hoảng Covid, với các hãng lớn ở Mỹ đạt lợi nhuận ròng trong quí 3 rồi. Nhưng tại châu Á, các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã trở thành rào cản với nhu cầu bay nội địa và quốc tế ở các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Các hãng bay đang tinh giản hoạt động với hy vọng có lại lợi nhuận khi một số nước mở cửa bầu trời, và khơi dòng lưu thông hàng không bị tắc nghẽn hay đè nén suốt dịch.

Singapore Airlines và các hãng hàng không châu Á chịu tổn thất lớn do những hạn chế đi lại nghiêm ngặt ở các nước trong khu vực. Ảnh: Reuters

Thiệt hại lớn do chính sách kiểm soát Covid

Hôm 11-11, hãng hàng không Singapore đã ghi nhận mức lỗ ròng 428 triệu đô la Singapore (316 triệu đô la Mỹ) cho quí kết thúc tháng 9 rồi. Đây là quí thứ bảy liên tiếp hãng này thua lỗ. Năng lực vận chuyển hành khách trong tháng 9 của hãng chỉ bằng 32% mức trước khi Covid bùng phát.

Đảo quốc nhỏ bé này không có các tuyến bay nội địa, vì thế doanh thu của Singapore Airlines phần lớn phản ánh lưu lượng hàng không xuyên biên giới ở châu Á hiện rất yếu so với phương Tây.

Trong khi đó, các chuyến bay nội địa tại Trung Quốc đang chịu thiệt hại từ chiến lược “zero Covid” của chính phủ với hàng loạt đợt phong tỏa và các hạn chế đi lại. Các đợt bùng dịch ở các tỉnh phía đông nam nước này đã đẩy nhu cầu đi lại xuống đáy, dù là trong kỳ hè hay các dịp nghỉ lễ vừa rồi.

Với 70% doanh số từ các tuyến bay nội địa trước dịch, ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc đều báo lỗ trong quí rồi – khác xa mức lợi nhuận ròng ấn tượng của quí cùng kỳ năm 2019. China Eastern Airlines có mức lỗ ròng 2,95 tỉ nhân dân tệ (460 triệu đô la), China Southern Airlines lỗ đến 1,43 tỉ nhân dân tệ (220 triệu đô la). Hãng hàng không quốc gia China Airlines có mức lỗ ròng kỷ lục 3,5 tỉ tệ (550 triệu đô la). Mức lỗ này chủ yếu “do sự kết hợp các yếu tố như các đợt bùng dịch mới, giá nhiên liệu hàng không gia tăng và mức dao động tỉ giá”, Air China nói trong bản báo cáo lợi nhuận.

Tương tự, hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là ANA Holdings và Japan Airlines cũng ghi nhận mức lỗ ròng lần lượt là 47,6 tỉ yen (420 triệu đô la) và 44,6 tỉ yen (390 triệu đô la). ANA dự báo mức lỗ ròng của hãng có thể đạt 100 tỉ yen trong năm tài chính kết thúc tháng 3-2022 – mức trượt sâu từ lợi nhuận ròng 3,5 tỉ yen trước dịch. Như vậy, hồi phục hàng không sẽ không dễ dàng và thuận lợi như đã mong đợi.

“Nhu cầu các thị trường châu Á thật sự thấp hơn rất nhiều so với năm 2019, phần lớn là hệ quả của chính sách kiểm dịch gắt gao đối với chiều đến và đi từ Trung Quốc và các đường bay xuyên châu Á. Một vài thị trường nội địa đang hồi phục, nhưng nhu cầu đi lại trong châu Á giảm hơn 60% so với năm 2019, tức là khá yếu”, Rob Morris, người phụ trách bộ phận tư vấn toàn cầu của hãng phân tích hàng không Ascend by Cirium, phát biểu.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ gồm Delta Air Lines, United Airlines và American Airlines đều đạt lợi nhuận ròng trong quí 3 vừa rồi. Doanh số các hãng hồi phục về mức 70% trước dịch nhờ vào nhu cầu bay trong nước tăng mạnh. Đây là lần đầu tiên kể từ quí cuối 2019 bộ ba trên bay có lãi.

Ông Morris ghi nhận rằng lợi nhuận của các hãng bay Mỹ được nâng đỡ bởi các hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ và thị trường hàng không trong nước đã đạt được khối lượng tương tự so với năm 2019.

Thay đổi và tái cấu trúc liên tục

Covid đã vùi dập không thương tiếc công nghiệp hàng không châu Á. Các hãng buộc phải thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi phí, từ sa thải và cho nhân viên nghỉ không lương đến việc bán các máy bay cũ và tìm nguồn tài chính mới từ ngân hàng và chính phủ.

Nhiều hãng đã khuếch trương mảng vận tải hàng hóa để đón bắt nhu cầu vận chuyển dược và thiết bị y tế, linh kiện điện tử trên toàn cầu. Sự chuyển hướng này ít nhất giảm căng kéo tình hình tài chính của các hãng bay. Chẳng hạn, hãng hàng không quốc gia Korea Air Lines của Hàn Quốc đã có lợi nhuận ròng từ quí 2-2020 nhờ mảng vận tải hàng hóa.

Tại Malaysia, hãng hàng không giá rẻ AirAsia phát triển thêm các dịch vụ số, mở dịch vụ giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử ở một số thị trường ASEAN, trong khi đóng cửa mảng hàng không tại Nhật Bản.

Nhưng một số hãng hàng không quốc gia hàng đầu trong khu vực đã có kết quả kinh doanh yếu kém kể từ trước dịch đã không thể qua nổi cuộc khủng hoảng của chính các hãng. Thai Airways International hiện đang tái cấu trúc dưới sự quản lý của tòa, trong khi Philippines Airlines hồi tháng 9 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ.

Khi các đợt nghỉ lễ cuối năm đã gần kề, các hãng bay châu Á cuối cùng cũng nhìn thấy ít tia hy vọng cuối chân trời. Trong vài tuần qua, nhiều nước đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong nước và các biện pháp kiểm soát biên giới khi tỷ lệ tiêm chủng đã gia tăng ấn tượng.

Singapore hồi tháng 9 đã mở “làn du lịch cho khách đã tiêm chủng” (VTL) cho phép khách nhập cảnh mà không cần cách ly. Đầu tháng 11 này, Thái Lan mở cửa đón du khách mà không cần cách ly từ 63 nước và lãnh thổ, bao gồm phần lớn các nền kinh tế chính ở châu Á.

Từ ngày 15-11, Ấn Độ và Campuchia cũng mở cửa đón du khách đã tiêm đủ vaccine. Việt Nam trong tuần tới cũng sẽ đón các đoàn du khách đầu tiên từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo AP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới