Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không sẽ hoàn toàn phục hồi vào cuối 2023?

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Theo nhiều dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn phục hồi vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.

Việt Nam là một trong những nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh hàng đầu thế giới. Ảnh: N.K

Hãng bay vẫn “lỗ nặng” dù thị trường nội địa phục hồi

Sau hai năm đại dịch Covid-19, trong năm 2022, Việt Nam là một trong những nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh hàng đầu thế giới. Thậm chí, Việt Nam còn đứng số 1 về mức phục hồi theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) hồi giữa năm 2022.

Tuy nhiên, hoạt động của các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó giá nhiên liệu tăng đột biến là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 đô la Mỹ/thùng nhưng đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 đô la/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 đô la/thùng.

Những khó khăn này được thể hiện rõ nét qua kết quả kinh doanh của hai “ông lớn” hàng không đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, CTCP Hàng không VietJet (HOSE: VJC) dù quí 4-2022 ghi nhận doanh thu tăng trưởng 323% so với cùng kỳ, đạt 11.807 tỉ đồng nhưng lại ghi nhận lỗ ròng 2.359 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2022, VJC lỗ ròng 2.171 tỉ đồng trong khi năm 2021 lãi 122 tỉ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên VJC báo lỗ.

Trong tháng 1-2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12-2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15%.

Tương tự, việc thị trường quốc tế phục hồi mạnh đã giúp Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HOSE: HVN) quí 4-2022 đạt doanh thu thuần 19.471 tỉ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chịu lỗ trong kỳ gần 2.586 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2022, HVN lỗ ròng 10.400 tỉ đồng.

Như vậy, tính đến hết ngày 31-12-2022, lũy kế lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ HVN ghi nhận âm xấp xỉ 34.200 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỉ đồng. Căn cứ theo điều 120 Nghị định 155 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết trong các trường hợp gồm: lỗ ba năm liền hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Do vậy, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã lưu ý HVN về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Bamboo Airways mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng hãng bay này ước tính lỗ hơn 3.500 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm 2022, cao hơn hẳn mức lỗ trên 2.200 tỉ đồng trong cả năm 2021. Trong khi đó, trung bình trong các năm trước dịch, Bamboo Airways chỉ lãi khoảng 240-300 tỉ đồng/năm. Do đó, gần như chắc chắn là hãng bay này sẽ tiếp tục có thêm một năm báo lỗ đậm.

Trái ngược với tình trạng khó khăn của các hãng bay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phụ trợ hàng không đã bắt đầu lãi lớn trở lại nhờ lượng khách nội địa trong năm 2022 tăng gấp 3,7 lần năm 2021, lên 55 triệu lượt.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UpCom: SAS). Lũy kế cả năm 2022, SAS ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỉ đồng, tăng 336%; lãi ròng 210 tỉ đồng – gấp 70 lần so với năm 2021. Xếp sau SAS là CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) với doanh thu cả năm đạt 995 tỉ đồng, gấp đôi năm 2021; lãi ròng 136 tỉ đồng, tăng bằng lần so với cùng kỳ.

Tương tự, lãi sau thuế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UpCom: ACV) trong quí 4-2022 đạt 1.284 tỉ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước; CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) ghi nhận lãi 67 tỉ đồng, tăng gần 22%.

Triển vọng khả quan

Theo nhiều dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn phục hồi vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. Còn nếu so với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019) thì thị trường hàng không có thể sẽ tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, ngay trong tháng 1-2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12-2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12-2022. Đây là một tín hiệu rất tích cực, báo hiệu một năm khởi sắc của ngành.

Một yếu tố khác cũng rất đáng chú ý là việc điều chỉnh các quy định liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh của Trung Quốc có thể sẽ là cơ hội để các hãng hàng không khai thác trở lại thị trường quan trọng này.

Theo SSI Research, triển vọng của ngành hàng không năm 2023 sẽ tiếp tục tích cực khi dịch Covid-19 đã được hầu hết quốc gia coi là bệnh đặc hữu. Bên cạnh đó, các yếu tố như thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giá nhiên liệu giảm, công suất khai thác cải thiện cũng sẽ hỗ trợ tốt cho ngành.

Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay nhờ xu hướng mở cửa trở lại của nhiều quốc gia, kỳ vọng thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể phục hồi về mức 84% so với trước dịch trong quí 2 năm nay và đạt 100% so với trước dịch vào quí 4, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với năm 2022.

Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% so với năm 2022, tương đương mức tăng gần 31% so với năm 2019 cũng sẽ hỗ trợ nhóm doanh nghiệp ngành này phục hồi. Trong giai đoạn 2023-2025, VNDirect dự báo sản lượng khách du lịch nội địa sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép 8,9%/năm.

Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ hàng không, nhờ độ tương quan cao với hàng không quốc tế và biên lợi nhuận cao vượt trội, đây được dự báo sẽ là ngành hưởng lợi nhất trong thời gian tới khi sản lượng khách quốc tế phục hồi. Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp cảng hàng không sẽ có tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất hạn chế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới