Hàng không toàn cầu đối mặt chặng đường phục hồi gian nan
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Đại địch Covid-19 sẽ khiến giá máy bay rẻ hơn nhưng khách sẽ có ít sự lựa chọn đi lại hơn vì các hãng bay buộc phải ngừng khai thác các tuyến bay kém hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu đi lại hàng không quốc tế có thể mất đến ba năm mới hồi phục hoàn toàn. Đó là nhận định của hai chuyên gia hàng không Geoff Murray và Tom Stalnaker của hãng tư vấn quản lý Oliver Wyman (Mỹ) trong bài viết trên CNN.
![]() |
Các chuyên gia nhận định mất ít nhất ba năm, nhu cầu đi lại hàng không toàn cầu mới hồi phục về mức của năm 2019 Ảnh: ACI Insights |
Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động vận chuyển hàng không thương mại gần như tê liệt trong vài tháng qua. Khoảng 20 hãng bay trên thế giới đã phải dừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Hàng trăm ngàn nhân sự trong ngành hàng không đã mất việc hoặc đối mặt với nguy cơ mất việc khi các gói giải cứu của chính phủ đã sử dụng hết hoặc không đầy đủ. Hàng ngàn máy bay đang ‘đắp chiếu’ hoặc cho ‘về hưu’ trước thời hạn.
Với tác động tàn phá còn hơn cả cuộc tấn công khủng bố 11-9 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, đại dịch Covid-19 đã làm rung chuyển đến tận ‘xương tủy’ của ngành hàng không. Geoff Murray và Tom Stalnaker nhận định ngành hàng không có thể chưa hồi phục về mức trước đại dịch cho đến ít nhất là vào nửa cuối năm 2022 nhưng lúc đó, chỉ có vận chuyển hàng không nội địa mới có cơ hội hồi phục hoàn toàn.
Dưới đây là dự báo của hai chuyên gia này về xu hướng sắp tới của ngành hàng không với giả định làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ xảy ra ở nhiều nước và vắc-xin Covid-19 sẽ được phát triển và phân phối vào giữa năm 2021.
Giá máy bay rẻ hơn nhưng ít tuyến bay hơn
Đến năm 2023, số lượng các hãng bay sẽ ít hơn so với hiện nay do nhiều hãng bay phá sản hoặc phải sáp nhập với các hãng bay không. Những hãng bay còn trụ lại đến thời điểm đó sẽ vận hàng các mạng lưới tuyến bay đơn giản hơn, chủ yếu dựa vào các điểm kết nối các thị trường lớn của họ.
Đối với hành khách, sự thu hẹp của ngành hàng không có nghĩa là sẽ có ít chuyến bay không dừng hơn và ít sự lựa chọn chuyến bay từ các thành phố nhỏ. Ban đầu, các hãng bay có thể giảm giá vé để kích cầu nhưng hiệu quả của chiến lược này sẽ bị hạn chế vì bất ổn kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước. Chính sách giảm giá vé có thể duy trì cho đến lúc ngành hàng không bắt đầu nhìn thấy nhu cầu phục hồi chắc chắn và điều này tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19 cũng như tiến độ phát triển vắc-xin Covid-19.
Làn sóng thất nghiệp chưa dừng lại
Đà phục hồi chậm của ngành vận chuyển hàng không toàn cầu cũng có nghĩa là sẽ có thêm nhiều nhân sự trong ngành hàng không bị sa thải. Tại Mỹ, nếu Quốc hội không thông qua gói giải cứu mới dành các hãng bay trước thời điểm 1-10, sẽ có thêm 225.000 nhân sự của hãng bay bị mất việc trong mùa thu này do bị sa thải, cho nghỉ phép có lương hoặc không lương hoặc cho về hưu sớm, theo phân tích của Geoff Murray và Tom Stalnaker. Số nhân sự này tương đương 30% tổng nhân sự trong ngành vận chuyển hàng không ở Mỹ.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 7, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s dự báo đến cuối năm 2023, thời điểm mà các liều vắc-xin Covid-19 và thuốc điều trị bệnh dịch này hiệu quả được lưu hành rộng rãi, nhu cầu đi lại hàng không toàn cầu mới phục hồi về mức của năm 2019 Đi lại hàng không phục hồi sẽ kéo theo sự phục hồi theo trình tự bắt đầu với các sân bay, rồi đến các công ty cho thuê máy bay, tiếp đó là các hãng sản xuất máy bay và cuối cùng là các nhà cung cấp cho các hãng máy bay. |
Các hãng bay Mỹ đã không sa thải số nhân sự này trong thời gian vừa qua vì đó là điều kiện để họ nhận được gói giải cứu của chính quyền liên bang mà họ đã sử dụng gần hết.
Bên cạnh đó, hàng chục ngàn nhân sự của các hãng không khác trên thế giới cũng có nguy cơ bị mất việc. Dù các hãng bay cần giảm ngân sách chi trả lương để giảm chi phí, họ cũng cần duy trì các nhân sự chủ chốt để thúc đẩy tăng trưởng một khi nhu cầu đi lại hàng khôn phục hồi.
Phi công và các kỹ thuật viên hàng không là những ví dụ rõ ràng cho thấy bài toán nan giải của các hãng bay.
Trước đại dịch, ngành hàng không đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự ở hai mảng này. Nhưng chính sách về hưu sớm và bắt buộc hiện nay sẽ khiến các nhân sự càng giảm hơn nữa.
Do mất nhiều thời gian để huấn luyện phi công và kỹ thuật viên hàng không và các ứng cử viên mới có thể không hào hứng triển vọng nghề nghiệp không hấp dẫn hiện nay, tình trạng thiếu hụt nhân sự ở một trong hai mảng này sẽ xuất hiện vào đầu năm 2024 nếu nhu cầu đi lại hàng không hồi phục hoàn toàn vào thời điểm đó.
Mảng đi lại hàng không quốc tế hồi phục chậm
Hai chuyên gia Geoff Murray và Tom Stalnaker dự báo nhu cầu đi lại hàng không quốc tế sẽ chưa hồi phục hoàn toàn trong ba năm tới do nhiều lệnh đóng cửa biên giới của các nước vẫn đang được duy trì để kiểm soát đà lây lan Covid-19. Tâm lý thận trọng của những người đi du lịch cũng sẽ gây ra tác động lớn.
Cuộc khảo sát ở 4.600 người dân ở chín nước, do hãng tư vấn quản lý Oliver Wyman thực hiện, cho thất có đến 58% ý kiến cho biết họ chỉ đi du lịch trong nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và chỉ 6% nói rằng họ sẽ không đi du lịch cả trong nước lẫn ngoài nước.
Tại Trung Quốc, thị trường có lượng khách đi du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, chỉ có 12% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cân nhắc đi du lịch nước ngoài ở thời kỳ hậu Covid-19.
Mảng đi lại hàng trong nước sẽ hồi phục nhanh hơn. Hai chuyên gia Geoff Murray và Tom Stalnaker nhận định vào cuối năm nay, nhu cầu đi lại hàng không trong nước ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Na Uy, New Zealand, Hy Lạp, những nước đang khống chế khá tốt dịch Covid-19, sẽ phục hồi về mức 75% của năm 2019.
Họ cho rằng dù triển vọng ngắn hạn của ngành hàng không rất ảm đạm, sự thu hẹp và củng cố của ngành này, sẽ mở ra một thời kỳ tăng trưởng và lợi nhuận vào nửa cuối thập niên 2020 cho các hãng hàng không vượt qua được cơn khủng hoảng hiện tại.
Theo CNN