Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không toàn cầu phục hồi mạnh hơn dự báo trước dịch

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự báo thường niên mới công bố của Boeing ghi nhận những dấu hiệu hồi phục mạnh của hàng không toàn cầu. Tập đoàn này cũng dự báo giá trị sản phẩm của ngành sẽ đạt 9.000 tỉ đô la trong vòng 10 năm tới. Con số này cao hơn dự báo được đưa ra trong năm 2019 chỉ 8.700 tỉ và năm 2020 là 8.500 tỉ. Boeing dự báo dòng máy bay thân hẹp sẽ là xu hướng đặt hàng nổi trội của các hãng bay trong 20 năm tới.

Các máy bay Boeing 737 Max bị triệu hồi đang đậu tại bãi ở Seattle, Mỹ. Boeing dự định sẽ tăng năng lực xuất xưởng 31 chiếc mỗi tháng vào đầu năm 2022. Dòng máy bay thân hẹp sẽ là xu hướng của hàng không thế giới trong 20 năm tới. Ảnh: Reuters

Vaccine vẫn đóng vai trò chủ chốt

Dự báo thường niên của tập đoàn chế tạo máy bay được công bố sáng 15-9, theo giờ Việt Nam. Các phân tích của Boeing chỉ ra rằng dịch vụ và lượng máy bay thương mại có những dấu hiệu tăng trưởng quan trọng sau cú rớt đáy thảm hại từ đầu 2020. Trong khi đó, các thị trường hàng không khác bao gồm lĩnh vực quốc phòng, không gian và dịch vụ cho các chính phủ vẫn bình ổn. Báo cáo nói rằng sự hồi phục trong thị trường máy bay thương mại được dẫn dắt bởi sự bật lại của đi lại hàng không nội địa. Tuy vậy, Boeing dự báo những chuyến bay đường dài chỉ có thể đạt được quy mô trước dịch vào năm 2023 – 2024.

Boeing cũng kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu máy bay vận tải, bao gồm máy bay mới và dòng máy bay được “tháo ghế để chở hàng”. Hãng này dự báo trong năm 2040, đội máy bay chở hàng sẽ có quy mô 70% lớn hơn đội máy bay vận tải trước dịch.

“Khi ngành công nghiệp hàng không hồi phục và tiếp tục đáp ứng các nhu cầu mới sau dịch, chúng tôi tự tin về tăng trưởng lâu dài của ngành”, Marc Allen – chuyên gia chiến lược chính của Boeing, nhận định.

Ông cũng nói rằng sự phát triển vaccine nhanh chóng và niềm tin mạnh mẽ của khách đi máy bay là những yếu tố đáng khích lệ của hàng không thương mại.

Boeing dự báo ngành công nghiệp hàng không sẽ có đến 19.000 máy bay thương mại mới vào năm 2030, với tổng trị giá lên đến 3.200 tỉ đô la. Nhu cầu tiềm năng trong 20 năm tới  sẽ đạt đến 43.500 máy bay mới trị giá đến 7.200 tỉ đô la vào năm 2040, tăng 500 chiếc so với dự báo năm ngoái của Boeing. Để đáp ứng nhu cầu đó, thị trường cần đến 621.000 phi công, 886.000 tiếp viên và đội ngũ bảo dưỡng đến 626.000 người.

Dòng máy bay jumbo Boeing 777 sẽ được xuất xưởng vào năm 2023. Tuy nhiên, Boeing dự báo dòng siêu máy bay jumbo chỉ chiếm 20%. Ảnh: CNBC

Chủ tịch kiêm CEO thị trường máy bay thương mại, Stan Deal, nói rằng: “Những dự báo của Boeing trong năm 2021 này phản ánh sự vững tin của chúng tôi vào sự hồi phục của thị trường”. Vị CEO cũng nói rằng lượng khách tăng trở lại khi người dân và chính phủ đã an tâm về sự an toàn sức khỏe khi di chuyển bằng máy bay.

Báo cáo của Boeing đề cập đến viễn cảnh trong 20 năm tới: “Sự sẵn có và phân phối vaccine ngừa Covid-19 vẫn là yếu tố then chốt đối với sự hồi phục của hàng không thương mại trong tương lai gần. Các quốc gia có độ phủ vaccine rộng đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của ngành hàng không. Chính phủ các nước đang dần nới lỏng các hạn chế và mở cửa biên giới cho các chuyến bay quốc tế”.

Lượng hành khách dự kiến sẽ tăng trung bình 4% mỗi năm, không thay đổi so với dự báo năm ngoái.

Máy bay thân hẹp là xu hướng chủ đạo

Đội bay thương mại toàn cầu sẽ vượt mức 49.000 máy bay vào năm 2040. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, mỗi thị trường chiếm khoảng 20% lượng máy bay mới được giao ở mỗi khu vực. 20% còn lại thuộc các thị trường mới nổi khác.

Nhu cầu đối với các máy bay thân hẹp có một lối đi sẽ chạm tới con số hơn 32.500 chiếc, tương đương với mức trước đại dịch. Những mẫu máy bay này tiếp tục chiếm hơn 80% lượng máy bay được giao trong vòng 20 năm tới. “Điều này cũng đồng nghĩa rằng các hãng hàng không chọn loại hình máy bay linh hoạt hơn và với số chỗ ít hơn, tăng độ ổn định thương mại hay lợi nhuận. Nhu cầu của dòng máy bay jumbo có sức chứa 400-500 cũng ít đi”, chuyên trang hàng không Aero Time Hub nhận định.

Các hãng hàng không sẽ cần hơn 7.500 máy bay thân rộng mới vào năm 2040 để phục vụ việc mở rộng đội bay, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa gia tăng cho các quốc gia có đường bay dài. Số liệu này tăng nhẹ so với dự báo của năm 2020 nhưng vẫn giảm 8% so với năm 2019.

Ông Ted Colbert, CEO của Boeing Global Services, nhấn mạnh: “Các khách hàng đang chuẩn bị cho quá trình tăng trưởng trong thời gian tới. Chúng tôi nhận thấy rằng việc điều chỉnh đội tàu bay và tiêu thụ linh kiện thay thế sẽ đi đôi với sự mở rộng đội bay toàn cầu. Nhu cầu này sẽ gắn liền với việc ứng dụng các công cụ và dịch vụ kỹ thuật.”

Boeing tin rằng một số dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ đào tạo, đã tạm đóng băng trong thời gian dịch sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian ngắn sắp tới bởi các hãng hàng không cần chuyển sang sử dụng máy bay mới và đội ngũ nhân viên cần phải được đào tạo theo các tiêu chuẩn và bằng cấp mới.

Trong lĩnh vực quốc phòng và không gian vốn được Boeing xem là thị trường lớn và ổn định, tập đoàn chế tạo máy bay vẫn duy trì những dự báo trước đó với giá trị ước đoán là 2.600 tỉ đô la trong 10 năm tới.

“Ước đoán về khoản chi tiêu này phản ánh tầm quan trọng của máy bay quân sự, hệ thống tự lái, vệ tinh, tàu không gian và các sản phẩm khác cho quốc phòng của từng nước hay khối nước. Khoảng 40% chi tiêu này phát sinh ở các thị trường bên ngoài nước Mỹ”, Boeing dự báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới