Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không tối ưu hóa suất ăn trên chuyến bay, giảm chi phí sau dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng không tối ưu hóa suất ăn trên chuyến bay, giảm chi phí sau dịch Covid-19

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Japan Airlines khuyến khích hành khách thông báo trước với hãng rằng sẽ không dùng suất ăn trên máy bay. Còn Cathay Pacific quyên tặng các suất ăn dư dôi sau chuyến bay cho các tổ chức từ thiện. Riêng Etihad và Emirates sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ nhận diện hình ảnh để xác định các món ít được chuộng nhất trên chuyến bay và từ đó thay đổi thực đơn.

Các hãng hàng không đang tìm cách tối ưu hóa suất ăn trên máy bay như là cách giảm chi phí và thân thiện với môi trường hơn giai đoạn hậu Covid-19. Các giải pháp công nghệ có thể giúp hàng không toàn cầu giảm đến 60-70% lượng thực phẩm lãng phí hiện nay.

Hơn 6 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí

Có bao giờ bạn bỏ bữa ăn trên máy bay vì mệt và không muốn ăn, hay ngủ quên?
Nếu có, bạn đã góp phần vào sự lãng phí thực phẩm – hiện là một vấn đề lớn của ngành hàng không thế giới, trên các chuyến bay và cả dịch vụ mặt đất. Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng bay đã đổ bỏ lãng phí 6,1 triệu tấn thực phẩm trong năm 2018. Khoảng 20-30% trong số này là các suất ăn và đồ uống mà hành khách chưa đụng đến.

Hàng không tối ưu hóa suất ăn trên chuyến bay, giảm chi phí sau dịch Covid-19
Đầu bếp riêng phục vụ các món ngon trên các khoang thương gia và hạng nhất trong thập niên 1960-1990. Dịch vụ này chấm dứt sau khi các hãng bay cắt giảm chi phí và hàng không giá rẻ xuất hiện. Ảnh: Luxury Travel Expert

Tình trạng lãng phí này phần lớn là do ngành hàng không không thể dự báo được hành vi hay thói quen ăn uống của hành khách. Hơn nữa, để bảo đảm sự lựa chọn phong phú cho hành khách trên chuyến bay, các hãng thường đưa khối lượng thực phẩm nhiều hơn cần thiết lên các chuyến bay. Ngoài ra, khi các chuyến bay bị đình hoãn nhiều tiếng đồng hồ, các món dễ hư hỏng sẽ bị đổ bỏ và được thay thế bằng các suất ăn tươi mới.

Các giải pháp này có thể giảm thiểu sự lãng phí khá lớn, nhưng chắc chắn vẫn có những suất ăn bị dư dôi sau mỗi chuyến bay. Nhiều quốc gia điểm đến có các quy định y tế chặt chẽ, không cho tái phân phối hay tái sử dụng suất ăn dư dôi sau chuyến bay. Chẳng hạn, các hãng bay hạ cánh ở New Zealand, Úc và Mỹ được yêu cầu chôn lấp hay đố bỏ tất cả các món dư thừa trên chuyến bay – ngay cả các bịch đồ ăn vặt hay lon nước còn nguyên, chưa sử dụng. Việc hủy bỏ như vậy nhằm hạn chế các nguy cơ truyền bệnh ở động vật từ các suất ăn dư thừa.

Hãng Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản là một trong những hãng hàng không tích cực xử lý vấn đề lãng phí này. Tháng 11 vừa rồi, JAL đã đưa ra giải pháp mới. Trước khi bay, hành khách chỉ cần điều chỉnh trên booking của mình hoặc gọi điện cho JAL. Đổi lại, khách sẽ được JAL tặng một bộ vật phẩm vệ sinh cá nhân có in thương hiệu JAL, gồm bàn chải, kem đánh răng và đồ che mắt. Chương trình này đang được thử nghiệm trên chuyến bay từ Bangkok đến Tokyo.

“Trước dịch, khoảng 10% hành khách có xu hướng bỏ bữa ăn trên các chuyến bay giữa đêm, gây lãng phí thực phẩm. Nay giải pháp bỏ bữa sẽ giúp khách có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn trên máy bay và sẽ là bước đầu tiên giải quyết chuyện lãng phí”, người phát ngôn Mark Morimoto của JAL giải thích. Ông cũng cho biết tùy vào phản hồi của khách, dịch vụ này sẽ sớm thực hiện trên các chuyến bay vào các khung giờ tối khác nhau.

Các hãng hàng không khác thì dựa vào công nghệ học máy (machine learning). Hồi tháng 9, Etihad Airways công bố kế hoạch hợp tác với startup công nghệ thực phẩm Lumitics của Singapore để giảm thiểu lãng phí thực phẩm trên chuyến bay.

Các hệ thống theo dõi của Lumitics sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận diện hình ảnh để xác định loại suất ăn và số suất ăn không được sử dụng sau mỗi chuyến bay – dựa trên phần thiết kế của lớp màng bảo vệ suất ăn. Dữ liệu sẽ được dùng để phát hiện mô hình lãng phí trên toàn mạng bay của hãng và rồi giúp bộ phận kế hoạch đặt mua đúng số lượng suất cần cho chuyến bay.

Emirates cũng sử dụng AI để phân tích các xu hướng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống trong suốt chuyến bay.
“Dữ liệu cho phép chúng tôi tối ưu hóa khối lượng và loại suất ăn, đồ ăn vặt và các món đồ uống chúng tôi đưa lên chuyến bay. Bằng cách này, chúng tôi có thể giảm lãng phí thực phẩm đến 30-40% mà không làm thực đơn trên chuyến bay nhàm chán. Khi công nghệ tiến triển hơn, chúng tôi hy vọng có thể cắt giảm mức lãng phí đến 60-70%”, người phát ngôn của Emirates phát biểu với South China Morning Post.

Suất ăn trên máy bay thời hậu Covid-19 sẽ không còn phong phú như trước đây. Ảnh: Washington Post

Hồi tháng 10-2020, Emirates công bố mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm 35% trên toàn dịch vụ mặt đất ở Dubai. Hãng đã đưa ra hệ thống quản lý có thể tìm ra loại nguyên liệu chế biến nào bị lãng phí nhiều nhất trong quá trình chế biến của công ty catering chế biến suất ăn.

Nhờ vào camera, một bộ gồm nhiều chiếc cân thông minh cỡ nhỏ và kỹ thuật học máy, hệ thống có thể phân biệt các suất ăn cần đổ bỏ và tính toán các chi phí tài chánh và mức độ tổn hại môi trường. Khối lượng các thực phẩm đổ bỏ sẽ được quy ra các chỉ số khí thải tương đương. “Chúng tôi sử dụng một bảng biểu ‘suất ăn tương đương’ để mọi người có thể dễ dàng nắm bắt hơn. Con số này được tính bằng cách lấy tổng khối lượng đồ ăn đổ bỏ chia cho trọng lượng của một suất an là 400g”, người phát ngôn Emirates nói.

Các dữ liệu chi tiết sẽ được thông báo đến bộ phận đặt mua suất ăn và họ sẽ có điều chỉnh đơn hàng từ hãng catering.

Quyên tặng suất ăn dư dôi cho tổ chức từ thiện

Từ năm 2011, Cathay Pacific đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ ở Hồng Kông để quyên tặng thực phẩm khách chưa đụng tới trên chuyến bay. Sau khi các máy bay của Cathay Pacific hạ cánh ở sân bay quốc tế Hồng Kông, nhân viên của ngân hàng thực phẩm Feeding Hong Kong sẽ đến thu gom các thùng đồ uống và bịch ngũ cốc còn nguyên. Họ sẽ phân phối các món này đến các ngôi nhà mở, viện dưỡng lão, bếp ăn cộng đồng và trung tâm xã hội trên toàn thành phố.
Từ năm 2014, Feeding Hong Kong đã tận dụng được 1.800 tấn thực phẩm dư thừa từ Cathay Pacific, nhiều hãng bay khác và các hãng catering. Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn những nỗ lực này.
“Số chuyến bay bị giảm thiểu đồng nghĩa là lượng thực phẩm dư thừa không còn dồi dào như trước. Các kênh thu nhận và phân phối thực phẩm cùng đội ngũ tình nguyện viên của chúng tôi hoàn toàn bị đảo lộn”, giám đốc Feeding Hong Kong Gabrielle Kirstein phát biểu.
Cathay Pacific ước đoán rằng khối lượng thực phẩm mà hãng bay quyên tặng cho các ngân hàng thực phẩm ở Hồng Kông đã giảm hơn 50% trong suốt đại dịch.
“Trước dịch, công ty suất ăn Cathay Pacific Catering Services giao khoảng 83.000 suất ăn mỗi ngày cho khoảng 50 hãng bay cất cánh từ Hồng Kông. Khi các chuyến bay bị giảm thiểu, lượng suất ăn dư thừa cũng gia tăng. Nhưng về tổng quát, năm 2020 chúng tôi đã thu hoạch lượng thực phẩm ít hơn hẳn so với các năm trước bởi số khách giảm đáng kể”, người phát ngôn của Cathay Pacific phát biểu.

Vị giác giảm 30%, ăn uống trên máy bay giống như ăn uống khi bị cảm

Thay đổi áp suất không khí ảnh hưởng đến khẩu vị của hành khách. Trong một nghiên cứu về thay đổi của con người khi đi máy bay do hãng hàng không Đức Lufthansa thực hiện năm 2010 cho thấy, khi ở trên không, khả năng cảm nhận vị mặn và vị ngọt của con người bị giảm 30%. Ngay khi máy bay cất cánh, áp suất không khí trong máy bay thay đổi sẽ gây ảnh hưởng đến các giác quan của hành khách và khi lên cao độ ẩm không khí thấp sẽ khiến xoang mũi bị khô. Vì thế, có thể nói việc ăn thức ăn trên máy bay cũng giống như chúng ta ăn khi bị bệnh cảm.
Trong những ngày sơ khai của ngành hàng không, máy bay thường nhỏ và động cơ không đủ mạnh để tạo ra lượng điện đủ mạnh để hâm nóng thức ăn. Suất ăn trên máy bay thường là những món đóng gói sẵn, thường là sandwich hay món ăn vặt.
Từ thập niên 1960 trở đi, khi máy bay thương mại trở nên to hơn và mạnh hơn, các hãng bắt đầu có khu vực bếp trên khoang, đồng nghĩa là có thể phục vụ các bữa ăn nóng sốt. Tiêu chí đem đến các bữa ăn ngon là cách mà các hãng tạo ra sự khác biệt và sức mạnh cạnh tranh với các đối thủ của mình.

 

Từ cuối những năm 1990, khi các hãng hàng không giá rẻ bắt đầu tham gia thị trường, giá vé mới là chiêu thức cạnh tranh của các hãng, bao gồm các hãng truyền thống và giá rẻ. Xóa bỏ hẳn khoang bếp để đặt thêm ghế, thu hẹp không gian và diện tích cho mỗi ghế, cắt giảm chất lượng hoặc cắt hẳn số bữa ăn trên máy bay là biện pháp cắt giảm chi phí và tạo thêm lợi nhuận mà các hãng áp dụng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới