Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không tư nhân bay trong áp lực tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng không tư nhân bay trong áp lực tài chính

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Sự mở rộng của mảng vận tải quốc tế và hoạt động phụ trợ trong năm 2019 của Vietjet Air chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm của mảng vận tải nội địa cùng hoạt động chuyển quyền sở hữu và thương mại các máy bay (bán máy bay đã qua sử dụng).

Hàng không tư nhân bay trong áp lực tài chính
Tương tự như các hãng hàng không khác trên toàn cầu, Vietjet Air cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: DNCC

Bán máy bay là nguồn thu quan trọng

Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã cổ phiếu VJC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán với doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 50.600 tỉ đồng, giảm hơn 5,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu giảm không quá nhiều nhưng phần chi phí vẫn duy trì trì ở mức cao, nên lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn 33,2%. Kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 34%, còn lợi nhuận trước thuế giảm gần 22%, về mức hơn 4.568 tỉ đồng.

Phía kiểm toán cũng đã điều chỉnh khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất về mức 3.807 tỉ đồng, giảm so với con số 4.219 tỉ đồng theo báo cáo tự lập, nguyên nhân vì VJC phải bổ sung tăng trích lập dự phòng.

Trong năm ngoái, một con số giảm đáng chú ý là doanh thu chuyển quyền sở hữu và thương mại máy bay giảm gần 34,3% so với năm 2018, về mức 12.013 tỉ đồng. Hệ quả là mức đóng góp của hoạt động bán tàu bay vào tổng doanh thu đã giảm từ mức 35,6% (năm 2018) về mức 23,7% (năm 2019). Dù vậy, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao cho thấy hoạt động bán máy bay vẫn là nguồn thu đặc biệt quan trọng với Vietjet Air.

Theo báo cáo giải trình về chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán, VJC cho biết lùi kế hoạch bán máy bay sang các năm sau, nên số máy bay bán ra là 7 chiếc so với 16 chiếc của năm 2018. Doanh thu bán máy bay vì vậy giảm so với năm 2018 và lợi nhuận chưa thực hiện đối với số thiết bị này, lợi nhuận từ việc bán máy bay giảm 28,64% so với năm trước, báo cáo của VJC cho biết.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tiếp tục  tăng trưởng nhờ mở rộng thị trường quốc tế và doanh thu phụ trợ, nhưng giảm bán tàu bay đã khiến cho VJC tăng trưởng chậm lại. Đồ họa: D.N

 

Trong khi doanh thu bán máy bay giảm, một điểm sáng khác của VJC là doanh thu từ vận chuyển hành khách trong năm qua đạt 37.211 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm 2018. Trong đó đóng góp đáng kể là từ hoạt động vận chuyển quốc tế (tăng 32,1%) và hoạt động phụ trợ (tăng 35,6%). Tuy nhiên, mạng bay nội địa cũng gặp nhiều thách thức khi doanh thu vận chuyển nội địa lại giảm 16,2%, trong bối cảnh thị trường có thêm “tay chơi” mới Bamboo Airways.

Ứng phó và chuẩn bị cho hậu đại dịch

Một điểm nhấn đáng chú ý khác là các cấu trúc tài chính của Vietjet Air cũng có sự thay đổi. Cụ thể, khoản mục vay ngắn hạn đã tăng lên mức 8.161 tỉ đồng so với con số 4.957 tỉ đồng vào đầu năm 2019. Trong số này chủ yếu là vay ngắn hạn từ các ngân hàng, với mức lãi suất trong khoảng 3,1%-5,5% cho các khoản vay bằng tiền đồng, và 2,7-3,4% cho các khoản vay bằng đô la Mỹ. Tương tự, các khoản vay dài hạn cũng được đẩy mạnh, tăng gấp 6,4 lần so với hồi đầu năm 2019, với giá trị lên đến 3.661 tỉ đồng.

Áp lực tài chính ngày càng nặng nề hơn khi trong năm qua, VJC tăng cường các hoạt động mua máy bay. Trong thuyết minh báo cáo tài chính, VJC cho biết có các thỏa thuận khung với Airbus S.A.S (186 chiếc) và với Boeing Company để mua tàu bay và cũng đã đặt mua khoảng 196 động cơ trên thị trường quốc tế.

Báo cáo cũng cho thấy tại thời điểm cuối năm 2019, VJC đã nhận được 62 máy bay, dự kiến tiếp tục được chuyển giao cho đến năm 2026. Theo các hợp đồng mua bán tàu bay này, các cam kết liên quan đến các khoản thanh toán trước khi giao các máy bay còn lại (bao gồm cả động cơ) là khoảng gần 2,84 tỉ đô la.

 

Tăng trưởng VJC đã giảm tốc trong năm qua, nay lại gặp "nạn" Covid-19. Nguồn: Vietstock.

 

Báo cáo giải trình kết quả kinh doanh năm 2019 của VJC cho biết thị trường hàng không Việt Nam trong năm ngoái tăng trưởng tích cực, theo đó VJC cũng tăng cường mở rộng mạng bay nội địa và quốc tế. Số lượng tàu đưa vận hành đến cuối năm 2019 là 79 tàu bay với 138.952 chuyến bay.

Tuy nhiên, đến thời điểm Tết Nguyên đán thì dịch Covid-19 bùng phát, các hãng hàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên trong bối cảnh đại dịch lan rộng trên toàn thế giới.

Mới đây, VJC cũng công bố kết quả kinh doanh quí 1-2020 với doanh thu thuần đạt mức 7.230 tỉ đồng, giảm gần 47%; còn lợi nhuận sau thuế giảm 168% so với cùng kỳ, ở mức âm hơn 989 tỉ đồng.

Đáng chú ý là doanh thu vận chuyển hàng không cũng đạt 7.222 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. VJC cho biết chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận máy bay nên không phát sinh thêm doanh thu và lợi nhuận trong quí 1-2020 này.

Cũng theo báo cáo, ban lãnh đạo công ty cho biết đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp để ứng phó và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và nhận được chia sẻ và hỗ trợ từ các ngân hàng, đối tác, các nhà cung cấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới