Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không và du lịch trong xu hướng kết nối để cùng tồn tại

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi Vietjet Air cùng Vinpearl và đối tác du lịch đưa 204 khách Hàn Quốc đến Phú Quốc ngay khi Việt Nam mở lại chuyến bay quốc tế thí điểm cuối tháng 11, Vietnam Airlines liên tục ký kết với các doanh nghiệp du lịch, bất động sản bắt tay nhau cung cấp những dịch vụ trọn gói đến người tiêu dùng, xu hướng tìm mô hình kinh doanh B2B2C ngày càng trở nên rõ nét.

B2B2C (Business to Bussiness to Customer) là mô hình kinh doanh phản ánh sự hợp tác giữa hai chủ thể doanh nghiệp (B2B) để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng (B2C). Theo các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, mô hình kinh doanh B2B2C mang lại nhiều hiệu quả hơn so với hai mô hình kinh doanh B2B hoặc B2C, nhất là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Hiện B2B2C đang trở thành xu hướng phát triển trong thời đại 4.0. Nhiều sản thương mại điện tử trung gian như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee…đã tận dụng tốt mô hình này.

Đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc hôm 22/11, mang đến tín hiệu đáng mừng cho các cuộc hợp tác doanh nghiệp hàng không – du lịch theo mô hình B2B2C. Ảnh minh họa: VJA

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh, làm dịch vụ các ngành nghề vốn chỉ bán hàng theo cách truyền thống đang dần chuyển đổi sang mô hình B2B2C. Sự tham gia của chủ thể khách hàng – người tiêu dùng cuối cùng sẽ tạo đột phá cho doanh nghiệp sản xuất và cung cấp hàng hóa nếu biết tận dụng hiệu quả.

Hãng hàng không Vietjet Air đã hiện thực hóa mô hình B2B2C bằng chuyến bay quốc tế thí điểm đón khách du lịch trở lại Phú Quốc lần đầu tiên sau gần hai năm đóng cửa.

Chuyến bay hôm 22-11 vừa qua do Vietjet Air và Vinpearl tổ chức với 204 khách đến đảo ngọc cho thấy sự kết hợp giữa hàng không và du lịch, để vượt qua nhiều trở ngại do dịch bệnh để có thể mang đến một dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đem lại doanh thu cho cả hai bên, đồng thời cùng thúc đẩy các thương hiệu phát triển theo chuỗi liên kết.

Không đứng ngoài cuộc chơi, Vietnam Airlines cũng triển khai mô hình kinh doanh này, nhằm cải thiện doanh thu và tìm hướng đi mới trong điều kiện bình thường mới. Hôm 10-12, Vietnam Airlines và NovaGroup chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong thời gian 5 năm. Việc ký kết đối tác chiến lược toàn diện mang tính chung chung như nhiều doanh nghiệp vẫn làm những năm trước sẽ không còn nữa.

Hai bên sẽ hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh để khai thác tốt nhất thế mạnh của mỗi bên, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong 5 năm tới, cả hai bên cùng tạo điều kiện tối đa, cam kết cung cấp cho nhau những sản phẩm dịch vụ với chất lượng cao, mức giá ưu đãi, có tính cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển chương trình khách hàng thường xuyên giữa hai bên, nhằm đem đến những sản phẩm, dịch vụ tiện ích tích hợp, trọn gói, phù hợp với nhu cầu của tệp khách hàng chung.

Đồng thời, nghiên cứu và triển khai mô hình kinh doanh mới (B2B2C) tích hợp kỹ thuật số, bắt nhịp cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo lãnh đạo hai doanh nghiệp.

Như vậy, với thỏa thuận hợp tác này, một bên cung cấp những chuyến bay full service (dịch vụ di chuyển đầy đủ) và một bên cung cấp những trải nghiệm du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tiện nghi, đẳng cấp hàng đầu. Như vậy, chuỗi cung ứng ngành hàng không, du lịch, bất động sản và thương mại trở nên khép kín, có tính cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Trước đó một ngày, Vietnam Airlines cũng đã ký hợp tác phát triển hàng không – du lịch giai đoạn 2021-2022 với Vinpearl. Về phía Vinpearl đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác B2B2C với các doanh nghiệp hàng không khác để thúc đẩy ngành du lịch, khách sạn sớm trở lại hoạt động hơn.

Vietnam Airlines và Vinpearl sẽ phối hợp tổ chức hàng loạt hoạt động và chương trình bán hàng trong năm 2022. Nổi bật như sản phẩm trọn gói chuyến bay – nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí khép kín tại các điểm đến thuộc hệ thống của Vinpearl ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nam Hội An…; các giải thi đấu golf, marathon; các sự kiện văn hóa – xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường quốc tế trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… nhằm phát triển mô hình đón khách quốc tế an toàn.

Việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất và làm dịch vụ trong trạng thái bình thường mới hiện nay nhằm hướng đến mục tiêu thực chất là tìm kiếm khách hàng và kết hợp để phục vụ khách hàng một cách hiệu quả nhất, từ đó phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, với mô hình B2B2C, khoảng cách giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng sẽ  dần được thu hẹp lại. Cùng với những tiến bộ công nghệ như các phần mềm ERP, BI (hỗ trợ lên các báo cáo về khách hàng, phân tích và đánh giá khách hàng từ những dữ liệu thu thập được nhằm đưa ra dự báo, đề xuất phù hợp), doanh nghiệp sản xuất sẽ có cơ hội hiểu hơn về khách hàng – những người trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Thông qua hiểu biết sâu sắc về nguồn cầu, doanh nghiệp sẽ có thể có các biện pháp cải thiện nguồn cung nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng, mang đến sự hài lòng cho từng phân khúc khách hàng khác nhau.

Thay vì tập trung bán hàng cho một doanh nghiệp khác hoặc tự bán hàng hóa do mình sản xuất, doanh nghiệp có thể chọn cách thức khai thác cơ sở khách hàng của một doanh nghiệp khác. Khi xây dựng được một hệ sinh thái đa dạng gồm các đối tác, doanh nghiệp có thể gia tăng độ phủ của thương hiệu, sự tín nhiệm của khách hàng và đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa.

Mô hình B2B2C đòi hỏi sự công khai, minh bạch về chia sẻ dữ liệu. Thông qua các thông tin về sản phẩm, giá thành được công khai trên các nền tảng thương mại điện tử của các đối tác, người dùng cuối có thể dễ dàng theo dõi, đánh giá và ra quyết định. Và do vậy, hàng không và du lịch, những doanh nghiệp lao đao nhất vì dịch bệnh, lại phải bắt tay nhau đầu tiên trong mô hình mới để phục hồi lại sản xuất, tìm kiếm dòng tiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới